Người làm thay đổi bộ mặt Ngân hàng Thế giới
Jim Kim bắt đầu được dư luận chú ý ở tuổi 30 sau khi tốt nghiệp ĐH Y khoa Harvard, tiến hành sáng lập và điều hành tổ chức Partners In Health (PIH), giúp những người dân nghèo tại Lima (Peru) vượt qua nỗi khổ phải đối mặt với ô nhiễm, dịch tả và các loại bệnh truyền nhiễm khác. Chính sách “thắt lưng buộc bụng” của Chính phủ Peru đã cắt giảm trợ cấp y tế khiến nhiều người không tiếp cận với dịch vụ y tế tối thiểu, nạn đói hoành hành. Nhờ có sự trợ giúp của PIH, một bệnh viện đã được xây dựng nhưng lại không nhận được trợ giúp của WB vì Peru là quốc gia có trong danh sách "nợ xấu", bởi chính sách Fujishock của Tổng thống Alberto Fujimori làm cho Peru vốn đã khó khăn lại càng kiệt quệ, làm cho tỷ lệ đói nghèo gia tăng, bệnh dịch bùng phát. Ngay lập tức, ông Jim Kim đã đứng ra tổ chức một hội nghị chuyên đề đầu tư của WB nhằm mục tiêu xoá đói giảm nghèo chứ không phải để tăng trưởng GDP. Hơn nửa thập kỷ sau, Jim Kim đã trở thành một nhà phê bình nổi tiếng, yêu cầu bãi bỏ chương trình của WB. Trong một ấn phẩm công bố năm 2000, mang tên Dying for Growth (Chết vì tăng trưởng ảo), ông Kim cho rằng chính sách phát triển quốc tế của WB là "không bình thường", không giúp gì cho người nghèo mà lại tăng hình phạt, thậm chí ông còn tham gia biểu tình yêu cầu đóng cửa Ngân hàng Thế giới.
Jim Yong Kim (thứ 2, từ trái sang) khi nhậm chức WB. |
Với sự xuất hiện của Jim Kim, WB đã từng bước thay da đổi thịt, đặc biệt là chương trình xoá đói giảm nghèo đã đạt được những bước tiến mới. Năm 2015, tỷ lệ người sống trong nghèo đói cùng cực lần đầu giảm xuống dưới 10%. Nhiều quốc gia phụ thuộc vào WB như Ấn Độ hay Trung Quốc đã từng bước thoát nợ WB và trở thành nước cho vay. Trong bốn năm làm việc tại trụ sở của WB tại Washington, ông Jim Kim đã tổ chức lại lực lượng lao động 15.000 người để phản ánh sự cải cách ngay từ khâu quản lý con người để dần dần chấm dứt cuộc khủng hoảng khu vực và toàn cầu; phát hành khoản vay 56 tỷ đô-la "đột xuất" ngoài nhiệm vụ truyền thống của WB như đối phó với thay đổi khí hậu, phòng chống dịch Ebola, hay giải quyết các vấn đề liên quan đến di cư của Syria.
Theo ông Jim Kim, lỗ hổng đạo đức trong cách tiếp cận vốn của WB là việc áp đặt nhiệm vụ, ít quan tâm đến ngân sách cho các dịch vụ y tế. WB cho rằng "vấn đề" sức khỏe toàn cầu là sự bất bình đẳng về kinh tế, nhất là ở các nước nghèo đang phát triển. Nhưng khi Kim trở thành người đứng đầu WB, tình thế đã thay đổi, ông nhập vai người nông dân và thái độ đạo đức khiến ông nổi tiếng, nhất là việc quan tâm đến cuộc sống của người lao động ở 188 quốc gia, một công việc không hề đơn giản. Thực tế đã chứng minh điều mà Jim Kim làm là đúng, ông đã đưa ra những quyết sách hợp lý tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi năm 2003, trên cương vị giám sát công việc phòng chống HIV/AIDS; đặc biệt là cam kết với mục tiêu táo bạo, thông qua cam kết "3-5", điều trị 3 triệu người ở các nước đang phát triển bằng loại thuốc chống retrovirus năm 2005, hiệu quả tăng gấp 6 lần trong hai năm.
Tháng 7-2012, khi chính thức nhận nhiệm vụ tại WB, ông Jim Kim ưu tiên cho kế hoạch xóa đói nghèo với khẩu hiệu "Giấc mơ của WB là thế giới không còn sự nghèo đói". Về tổ chức, Kim đã quyết định gỡ bỏ mô hình quản lý cũ, tái bố trí nhân viên thành 14 phân ban "thực hành toàn cầu", mỗi phân ban tập trung vào một lĩnh vực như thương mại, nông nghiệp, hoặc nguồn nước. Ngoài ra, WB còn cắt giảm 400 triệu đô-la trong chi phí hành chính, cắt giảm chi phí công tác, chỉ đi thuê máy bay riêng khi thực sự cần thiết và nhiều chi phí không tên khác, loại bỏ khoảng 500 việc làm, một biện pháp cần thiết nhưng dứt khoát. Trong khi sức nóng của cải cách chưa hạ nhiệt thì WB đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác, dịch Ebola. Ông Jim Kim đã đưa ra quyết định hợp lý, ứng phó khẩn cấp, cam kết cho vay 400 triệu đô-la để dập tắt đại dịch này bởi theo ông con người là vốn quý. Jim Kim đã cử nhân viên ngân hàng đến tận Tây Phi và phối hợp với người đứng đầu của WHO cung cấp chuyên môn để dập tắt dịch. Kim cho rằng Ngân hàng Thế giới không thể ôm túi tiền đứng ngoài cuộc được bởi sức khỏe cộng đồng không được quan tâm thì tăng trưởng kinh tế là vô nghĩa.
Nguyễn Khắc Nam
(Theo Foreignpolicy- 5/2016)
Ý kiến bạn đọc