Multimedia Đọc Báo in

Pháp đối mặt với làn sóng đình công dâng cao

21:29, 11/06/2016
Nước Pháp đang đối mặt với làn sóng đình công lớn phản đối Luật lao động mới vừa được Chính phủ nước này thông qua. 
 
Bầu không khí xã hội căng thẳng do cuộc đình công trong ngành đường sắt bắt đầu từ ngày 1-6 vẫn đang tiếp diễn, trong khi nhiều khả năng các công nhân hoạt động trong lĩnh vực năng lượng cùng các phi công của Hãng hàng không Air France cũng đang rục rịch chuẩn bị đình công.
 
Trong ngày 6-6 đã diễn ra những cuộc đàm phán giữa hai tổ chức công đoàn là CGT-Cheminots và SUD-Rail với lãnh đạo Công ty Đường sắt quốc gia (SNCF) về thời gian làm việc của công nhân. Bên ngoài phòng đàm phán, khoảng 1.000 công nhân biểu tình nhằm phản đối dự luật cải cách lao động đồng thời yêu cầu mở một cuộc đàm phán mới về cước phí vận chuyển hành khách đối với các công ty đường sắt nhà nước cũng như tư nhân.
 
Trong ngày 7-6, hoạt động của các hệ thống tàu cao tốc, tàu liên tỉnh hay tàu quốc tế đều bị ảnh hưởng khi chỉ có trung bình khoảng 50% tàu hoạt động. Trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng, hàng không, giao thông công cộng, bầu không khí căng thẳng tiếp tục lan rộng. Các tổ chức công đoàn kêu gọi công nhân năng lượng tổ chức cuộc đình công mới vào ngày 9-6 trong khi phi công của hãng Air France đã lên kế hoạch đình công vào các ngày 11 và 14-6 nhằm phản đối việc thay đổi các quy định chi trả thu nhập. 
 
Liên hiệp các tổ chức công đoàn gồm CGT, FO, FSU, Solidaires, UNEF, UNL, FIDL đã kêu gọi tổ chức “Ngày hành động” vào ngày 14-6 sắp tới nhằm phản đối dự luật cải cách lao động.
 
Hồi cuối tháng 5, các cuộc đình công tại nhiều cơ sở lọc dầu dẫn đến cuộc khủng hoảng nhiên liệu tại Pháp khiến Chính phủ phải huy động nguồn dầu mỏ dự trữ chiến lược để bù vào phần năng lượng bị thiếu hụt. Cho đến nay, các cuộc đình công tại các nhà máy lọc dầu đã chấm dứt. Tuy nhiên, cơ sở lọc dầu tại Donges thuộc tỉnh Loire-Atlantique tiếp tục bị phong tỏa bởi các công nhân thuộc tổ chức công đoàn CGT. 
Luật lao động mới theo đánh giá của các nhà kinh tế là nhằm đưa nền kinh tế Pháp thoát khỏi sự tuột dốc không phanh giữa lúc nợ công và thất nghiệp tăng cao kỷ lục. Thế nhưng vì sao người lao động Pháp lại phản đối? 
 
Một người biểu tình cầm pháo sáng trong cuộc tuần hành ở Lyon. (Nguồn: AP)
Một người biểu tình cầm pháo sáng trong cuộc tuần hành ở Lyon. (Nguồn: AP)
 
Luật lao động mới, thường được gọi là luật El Khomri, đặt theo tên Bộ trưởng Lao động Pháp Myriam El Khomri, đã làm cho người lao động Pháp sôi sục trong vài tuần gần đây. Thay đổi đáng kể nhất là luật cho phép người lao động làm việc trên 35 giờ so với hiện nay, có thể lên đến 46 giờ (nhưng với các thỏa thuận trả thêm khá hào phóng từ giờ thứ 36 trở đi). Ngoài ra, luật cho phép giới chủ dễ dàng cắt giảm lương, sa thải hoặc thuê mướn người lao động. Các công ty có lực lượng lao động từ 10 người trở xuống có thể sa thải nhân viên sau một tháng sụt giảm thu nhập, trong khi những công ty có tới 300 nhân viên phải chứng minh 3 quý liên tiếp các khoản thu giảm mới có thể sa thải nhân viên và cả các công ty lớn hơn nữa phải chứng minh kết quả thu nhập trong 1 năm. 
 
Theo các chuyên gia kinh tế, Luật lao động mới của Pháp được xem là cứu tinh cho nền kinh tế nước này khi mà các công cụ khác như lãi suất đã vô tác dụng. Pháp đang cần một nền kinh tế cạnh tranh hơn. Ngành công nghiệp của nước này và ngành xuất khẩu đang tụt hậu so với các nước lớn trong Liên minh châu Âu (EU) như Đức và Anh. Luật lao động trước đó của Pháp do được xem là thân thiện nhất ở châu Âu khiến nền kinh tế nước này kém tính cạnh tranh. Giờ lao động 35 giờ tuần tại Pháp được xem là số giờ lao động thấp nhất thế giới. Đây là lý do tại sao mặc dù vấp phải sự phản đối quyết liệt và thái độ cứng rắn của các tổ chức công đoàn, Chính phủ Pháp vẫn kiên quyết không rút lại dự luật cải cách lao động vì cho rằng những biện pháp này giúp giải quyết tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức trên 10% tại quốc gia này.
 
Thực ra, Luật lao động mới của Pháp đang gần hơn với các thành viên khác trong EU nhằm tăng khả năng cạnh tranh so với kim ngạch xuất khẩu từ các nước như Ấn Độ và Trung Quốc. Chính phủ của đảng Xã hội do Thủ tướng Manuel Valls đứng đầu tin rằng cải cách luật lao động sẽ đưa mô hình lao động của Pháp gần gũi hơn với  Đức và Anh, sẽ giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp cao dai dẳng của Pháp hơn 10% và ngăn chặn đà trượt dốc của nền kinh tế. Tuy nhiên, các công đoàn Pháp lại xem đây là một cuộc tấn công vào các quyền cơ bản của các thành viên của họ.
 
Kết quả của cuộc khủng hoảng này sẽ có một tác động mạnh mẽ đến cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2017. Với Luật lao động mới, Tổng thống Hollande rất ít cơ hội tái cử. Dù ai làm tổng thống trong năm tới cũng sẽ phải đối mặt với thách thức về nền kinh tế của Pháp đang trên đà trượt dốc.
 
Ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nền kinh tế Pháp tăng trưởng khoảng 3% so với 6% của Đức, 8% của Vương quốc Anh và 10% của Mỹ. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách của Pháp hiện đang ở mức 3,5% GDP và tỷ lệ nợ công trên GDP là 96% và đang tiếp tục tăng. Điều đáng nói là trong thời điểm khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, nước Anh vẫn tạo ra rất nhiều việc làm. Ngược lại, ở Pháp, sử dụng lao động trở thành cơn ác mộng. Nguyên nhân là tiền lương thực tế tại Pháp tương đối cao, người sử dụng lao động phải trả các chi phí xã hội rất lớn do nhà nước quy định. Hơn nữa, rất khó sa thải người người lao động. Kết quả là tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp hơn 10%, cao gấp đôi Anh và Đức. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ và dân tộc ít người còn cao hơn nhiều. Điểm yếu của thị trường lao động này ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế: các doanh nhân miễn cưỡng khởi nghiệp; đầu tư của cả công ty Pháp và công ty nước ngoài gặp khó khăn và tiêu dùng bị ảnh hưởng do tỷ lệ thất nghiệp cao.
 
Hồng Hà (Theo TTXVN, SGGP)
 
 

Ý kiến bạn đọc