Hiểm họa IS ở khắp nơi
11:57, 11/07/2016
Mục tiêu tấn công của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) giờ đây không chỉ là các nước phương Tây, Trung Đông mà lan sang cả những nước Hồi giáo ở châu Á với một loạt vụ tấn công khủng bố nhằm vào các quốc gia như Indonesia, Malaysia, Bangladesh thời gian gần đây…
Ngày 5-7, IS công bố đoạn video "khiêu chiến" với Malaysia và Indonesia. Một tay súng trong video tuyên bố “tự giải phóng” khỏi 2 quốc gia nêu trên, đồng thời đe dọa lật đổ các chính phủ không theo đạo Hồi. Các video này xuất hiện sau vụ tấn công gần một đồn cảnh sát ở thành phố Solo miền trung Java, Indonesia sáng cùng ngày, khi một kẻ đánh bom liều chết tự cho nổ mình làm bị thương một sĩ quan cảnh sát. Vụ tấn công này diễn ra khoảng vài ngày sau vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Dhaka, Bangladesh làm 20 người thiệt mạng và vụ nổ lựu đạn ở quán bar tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia khiến 8 người bị thương. Cùng với đó là vụ đánh bom ở sân bay Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước và mới đây nhất là vụ tấn công ở Baghdad (Iraq) khiến hàng trăm người thương vong đã cho thấy IS đang gieo rắc nỗi sợ hãi khắp nơi. Chỉ tính riêng trong tháng 5, số người chết vì các vụ đánh bom tự sát do IS thực hiện tại Iraq là 522 người, tại Syria là 148 người.
Theo các nhà phân tích, đây dường như là một thông điệp của sự tuyệt vọng của IS trong bối cảnh nhóm này phải hứng chịu những tổn thất nặng nề trên chiến trường, mới nhất là mất thành phố Fallujah vào tay quân Chính phủ Iraq. Thực tế là thời gian qua, IS đã bị phân tán lực lượng và giảm sút đáng kể quân số cũng như nguồn lực tài chính, một phần do bị tấn công tiêu diệt, phần do ngày càng có nhiều tay súng trong hàng ngũ IS đào tẩu khỏi lực lượng này. Doanh thu từ dầu mỏ của IS đã bị giảm một nửa do các cuộc không kích của cả Nga và liên quân do Mỹ đứng đầu, trong khi tổ chức này đã bị mất 47% lãnh thổ ở Iraq và 20% ở Syria sau hàng loạt cuộc giao chiến ác liệt thời gian qua.
![]() |
Hiện trường một vụ đánh bom ở Baghdad. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Tuy nhiên, chiến dịch tấn công tàn bạo ở một loạt quốc gia của IS cho thấy tổ chức này chưa từ bỏ tham vọng “đế chế Hồi giáo”. Phô trương sức mạnh bằng những vụ đánh bom liều chết đẫm máu, IS muốn chứng tỏ rằng chúng vẫn có khả năng tấn công tại những nơi ở xa vùng lãnh thổ mà lực lượng này kiểm soát. Đây là cách chúng “truyền cảm hứng” cho những thành viên ủng hộ tiềm năng, những phần tử đang bị tiêm nhiễm tư tưởng thánh chiến cực đoan. Điều mà cộng đồng quốc tế lo ngại chính là trong lúc đang “giãy chết”, IS không còn cách nào khác là phải điên cuồng tấn công khủng bố để chứng tỏ chúng vẫn duy trì được sức mạnh.
Những vụ việc nêu trên cũng làm dấy lên mối lo ngại rằng IS đang tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng sang các nước châu Á. Mối lo này không phải không có cơ sở bởi ở châu Á, IS đã thành công trong việc lôi kéo được các chi nhánh từng trung thành với tổ chức Al-Qaeda là Abu Sayyaf của Philippines hay nhóm khủng bố Jemaah Islamiyah (JI) ở Indonesia. Nguy hiểm hơn, chúng còn tăng cường tuyển mộ nhiều công dân châu Á vào hàng ngũ và xúi giục những phần tử này trở về quê hương để tiến hành các vụ tấn công khủng bố.
Nhận thấy mối đe dọa của IS ngày càng lan rộng và khó lường, các nước châu Á đã ngay lập tức triển khai những biện pháp đối phó cần thiết. Chính phủ Indonesia khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác tại những nơi công cộng như nhà ga, sân bay, vốn là những nơi rất dễ xảy ra các cuộc tấn công khủng bố. Nước này cũng thắt chặt an ninh tại các nhà thờ, trung tâm thương mại và sân bay trong thời điểm kết thúc tháng lễ Ramadan. Trong khi đó tại Malaysia, người dân đã đăng tải nhiều thông điệp kêu gọi đoàn kết trong cuộc chiến chống IS trên các trang mạng xã hội. Bangladesh cũng cam kết sẽ nhổ tận gốc các tổ chức khủng bố. Còn Ấn Độ đã đặt tất cả các trạm kiểm soát dọc biên giới với Bangladesh trong tình trạng báo động cao và tăng cường các biện pháp giám sát an ninh.
Phát biểu với báo giới tại trụ sở ở Geneva (Thụy Sĩ), Trợ lý Tổng thư ký Liên hiệp quốc Jean - Paul Laborde cho biết, có tới 30.000 phần tử Hồi giáo cực đoan chiến đấu cho IS tự xưng tại Syria và Iraq đang tìm cách về nước để hoạt động riêng lẻ. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở những quốc gia ở châu Âu mà nhiều nước khác ở Bắc Phi như Morocco hay Tunisia. Liên hiệp quốc lo ngại, khi trở về, các phần tử cực đoan sẽ gia tăng hoạt động khủng bố theo nhóm hoặc theo kiểu "sói đơn độc". Ông Laborde kêu gọi các nước đưa ra một hệ thống phân loại chính xác và theo dõi chặt chẽ tất cả những "đối tượng" trở về từ nước ngoài, kể cả những người không thuộc diện “nguy hiểm”. Ông Laborde hối thúc sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các tập đoàn công nghệ mạng trực tuyến như Google, Microsoft, Facebook hay Twitter để phát hiện nguy cơ khủng bố tiềm năng. Cùng với đó, các quốc gia cần hợp tác nhiều hơn để chia sẻ thông tin nhanh chóng và hiệu quả hơn. Theo Trợ lý Tổng thư ký Liên hiệp quốc, nếu không làm được điều đó thì thế giới sẽ ngày càng chứng kiến các tổ chức khủng bố phát triển “vươn vòi bạch tuộc” ra khắp các khu vực trên thế giới.
Hồng Hà
(Theo VOV, TTXVN, SGGP)
Ý kiến bạn đọc