PCA phán quyết: Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử ở Biển Đông
Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay (Hà Lan) vừa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông sau 3 năm thụ lý, theo đó tòa tuyên bố "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có chủ quyền lịch sử" tại Biển Đông.
"Tòa Trọng tài Thường trực kết luận rằng không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc đòi chủ quyền lịch sử đối với tài nguyên, vượt quá các quyền mà Công ước về Luật Biển cung cấp, trong vùng biển thuộc phạm vi “đường chín đoạn”," thông cáo báo chí của PCA viết.
Tòa Trọng tài Thường trực (Nguồn: BBC) |
Dưới đây là các nét chính trong phán quyết dày 497 trang này, do hãng tin AFP tóm lược:
1. Hội đồng trọng tài gồm 5 thành viên nhận thấy các ngư dân Trung Quốc cũng như của các nước khác về mặt lịch sử có sử dụng các đảo ở Biển Đông nhưng “không có bằng chứng nào khẳng định Trung Quốc về mặt lịch sử đã thực hành sự kiểm soát độc quyền đối với các vùng biển này hay các tài nguyên ở đó”.
2. Tòa trọng tài kết luận rằng không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc ra yêu sách quyền lịch sử đối với các tài nguyên bên trong các vùng biển nằm trong cái gọi là “đường 9 đoạn”.
3. Các đảo nhân tạo mà Trung Quốc ráo riết bồi đắp thành trong các năm gần đây không có khả năng duy trì dân cư trú trên đó và vì vậy theo các hiệp ước quốc tế các “đảo” này không hưởng “vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý” dành cho các đảo có người cư trú.
4. Tòa trọng tài ghi nhận rằng sự hiện diện của nhân viên công vụ trên nhiều thực thể là phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài và không phản ánh năng lực của bản thân các thực thể và rằng không thực thể nào trong quần đảo Trường Sa có năng lực tạo ra các vùng biển mở rộng.
5. Tòa trọng tài nhận thấy rằng không cần phân định ranh giới, Tòa vẫn có thể tuyên bố những vùng biển nhất định là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines bởi vì những vùng này không bị chống lấn với bất cứ vùng nào có thể thuộc về Trung Quốc.
6. Các hoạt động của Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo và việc nước này can thiệp vào các hoạt động đánh cá và khai khoáng của Philippines là bất hợp pháp.
7. Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Tòa trọng tài cho rằng các tàu chấp pháp của Trung Quốc đã tạo ra mối nguy hiểm nghiêm trọng từ sự đâm va bất hợp pháp khi cố tình cản trở trực diện các tàu Philippines.
8. Hoạt động cải tạo đất quy mô lớn của Trung Quốc đã gây ra nguy hại nghiêm trọng cho môi trường rạn san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái mong manh.
9. Trung Quốc cũng phớt lờ việc không thể chặn được hoạt động của ngư dân Trung Quốc khai thác và gây hại cho rùa biển, san hô và trai biển trên quy mô lớn.
10. Trung Quốc không có thẩm quyền đối với thế đối đầu quân sự ở bãi Cỏ Mây.
Theo trình tự, các quốc gia quan sát quá trình tố tụng, nước thành viên PCA, các tòa thành viên của PCA, công chúng và các phương tiện truyền thông cũng nhận được e-mail về phán quyết kể trên. Sau khi e-mail đã được gửi đi, quyết định cũng sẽ được tải lên trang web của PCA.
Philippines bắt đầu quá trình tố tụng tại PCA kiện Trung Quốc vào ngày 22-1-2013 sau nhiều năm bế tắc và căng thẳng trong việc giải quyết tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông mà không đạt được kết quả. PCA đã ra phán quyết khẳng định rằng PCA có thẩm quyền giải quyết vụ kiện này và đã thụ lý hồ sơ kiện Trung Quốc của Philippines.
Dư luận quốc tế đánh giá cao phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực và yêu cầu các bên kiềm chế và tuân thủ phán quyết của Tòa.
Ngay sau khi PCA ra phán quyết về vụ kiện, Philippines ngay lập tức ra tuyên bố hoan nghênh phán quyết của Tòa, đồng thời kêu gọi người dân kiềm chế và bình tĩnh để tránh phản ứng quá khích. Bộ Ngoại giao Philippines gọi đây là một “quyết định lịch sử”. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay phát biểu trong một cuộc họp báo trong chiều 12-7 cho biết: “Giới chuyên gia Philippines đã nghiên cứu kỹ lưỡng phán quyết này và đây là một phán quyết hoàn toàn xứng đáng. Philippines tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài thường trực, đồng thời kêu gọi “kiềm chế” trên Biển Đông sau phán quyết này”.
Tổng thống Philippines đã triệu tập họp Chính phủ bất thường sau khi Tòa ra phán quyết. Cuộc họp diễn ra lúc 18 giờ chiều 12-7 giờ địa phương (tức khoảng 19 giờ tối 12-7 theo giờ Hà Nội). Tổng thống Philippines khẳng định, Chính phủ Philippines sẽ nghiên cứu kỹ phán quyết của tòa trước khi đưa ra bất kỳ tuyên bố nào. Đại diện cho Philippines tại vụ kiện, ông Paul S. Reichler cho rằng đây là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng nhất trong vòng gần 20 năm qua.
Trong phản ứng chính thức đầu tiên về phán quyết của PCA, Mỹ đã hối thúc các bên liên quan tránh những tuyên bố hoặc hành động mang tính khiêu khích. Trong một tuyên bố đưa ra vào tối 12-7 (theo giờ Việt Nam), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nêu rõ quyết định của Toà Trọng tài là một đóng góp quan trọng vào mục tiêu chung trong việc giải quyết một cách hoà bình những tranh chấp tại Biển Đông. Theo ông Kirby, khi tham gia Công ước Liên hiệp quốc về luật Biển, các bên đều nhất trí với quy trình giải quyết tranh chấp bắt buộc được quy định trong Công ước. Quyết định của Toà Trọng tài là cuối cùng, mang tính ràng buộc pháp lý và có thể tạo cơ hội mới cho các nỗ lực giải quyết các tranh chấp biển một cách hoà bình.
Mỹ hy vọng các bên tuân thủ nghĩa vụ của mình và khuyến khích các bên làm rõ những đòi hỏi chủ quyền theo luật pháp quốc tế cũng như cùng nhau phối hợp quản lý và giải quyết tranh chấp. Những bước đi này sẽ tạo cơ sở cho những thảo luận tiếp theo nhằm thu hẹp phạm vi địa lý tranh chấp trên biển, đặt ra tiêu chuẩn đối với cách hành xử tại khu vực tranh chấp và cuối cùng là giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, không ép buộc, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực.
Indonesia ngày 12-7 cũng lên tiếng kêu gọi các bên liên quan đến vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc kiềm chế, tránh có những bước đi khiến tình hình leo thang căng thẳng. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Ngay trước khi tòa công bố phán quyết, ngày 12-7, Thái Lan cũng ra tuyên bố kêu gọi các bên liên quan duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Người dân Philippines tập trung tại một vịnh ở Manila chờ đợi và ăn mừng phán quyết của PCA. (Ảnh: REUTERS). |
Nhật Bản ngày 12-7 khẳng định, phán quyết của PCA là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc về pháp lý, hối thúc các bên liên quan đến vụ kiện này cần phải tuân thủ. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, Nhật Bản luôn khẳng định tầm quan trong của luật pháp và ủng hộ việc sử dụng các giải pháp hòa bình thay cho vũ lực hoặc cưỡng chế, trong việc giải quyết những tranh chấp về hàng hải.
Về phản ứng của Trung Quốc, người phát ngôn Lục Khảng vẫn khẳng định Bắc Kinh "không quan tâm" đến phán quyết về vụ kiện Biển Đông mà Tòa Trọng tài Thường trực công bố. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Lục Khảng viện lập luận sai trái rằng cơ quan này không có thẩm quyền phân xử vụ việc và Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất cứ phán quyết nào. Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ra thông báo khẳng định phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực sẽ không ảnh hưởng đến "chủ quyền" phi lý nước này tự nhận.
Ngày 12-7, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 trên cơ sở đề nghị của Philippines đã đưa ra phán quyết cuối cùng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ:
“Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12-7-2016. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết. Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 5-12-2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài. Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.
Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Hồng Hải (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc