Mong manh thỏa thuận ngừng bắn tại Syria
Bắt đầu từ 0 giờ ngày 12-9 - ngày đầu tiên kỳ nghỉ lễ Eid của người Hồi giáo, thỏa thuận ngừng bắn mới trên toàn Syria do Nga và Mỹ làm trung gian bắt đầu có hiệu lực. Thỏa thuận ngừng bắn mới này kéo dài 48 tiếng. Đây là khởi đầu của một đề xuất ngừng bắn 1 tuần tiếp theo.
Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn đã gặp trở ngại đầu tiên khi đã xảy ra các cuộc giao tranh gây thương vong cho dân thường.
Vài giờ sau khi Mỹ và Nga công bố một kế hoạch ngừng bắn trên toàn quốc giữa quân chính phủ và các lực lượng đối lập ở Syria, các cuộc không kích đã xảy ra tại thành phố Idlib do phe nổi dậy kiểm soát, khiến ít nhất 58 người thiệt mạng. Tổ chức giám sát nhân quyền Syria cho biết, các máy bay chiến đấu đã tấn công một khu chợ ở thành phố Idlib thuộc tỉnh cùng tên ở Tây Bắc Syria. Vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, khu chợ có đông người mua sắm chuẩn bị cho lễ hội Eid al-Adha của người Hồi giáo diễn ra vào hôm nay. Hầu hết nạn nhân là phụ nữ và trẻ em.
Đất nước Syria bị tàn phá nặng nề vì nội chiến. (Ảnh: Reuters) |
Trong khi đó, một nhóm nổi dậy Ahrar al-Sham tại Syria cũng đang tập hợp lực lượng tìm cách lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, có khả năng gây ảnh hưởng tới thỏa thuận ngừng bắn do Nga - Mỹ làm trung gian. Nhóm này cũng kêu gọi lực lượng nổi dậy trên toàn Syria đứng lên chống lại thỏa thuận ngừng bắn do Nga-Mỹ làm trung gian. Ali AL-Omar, phó chỉ huy của lực lượng phiến quân Ahrar al-Sham nói: “Chúng tôi đã nghe nói về một Thỏa thuận giữa Nga và Mỹ để giải quyết vấn đề tại Syria. Một quốc gia đã phải chịu đựng 6 năm xung đột, chết chóc thì không thể chấp nhập một giải pháp chính trị nửa vời. Thỏa thuận này nó chỉ có ý nghĩa về mặt quân sự, không có bất kỳ ảnh hưởng về mặt chính trị nào”.
Ngoài ra, một số lãnh đạo phe đối lập tại Syria cho biết họ chưa nhận được chi tiết thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực vào ngày 12-9 cũng như khu vực nào sẽ đình chiến.
Trước đó, sau cuộc gặp kéo dài gần 15 giờ giữa các nhà ngoại giao Nga - Mỹ, hai bên nhất trí rằng, thỏa thuận ngừng bắn trên toàn Syria sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 0 giờ ngày 12-9 và kéo dài ít nhất 7 ngày. Theo đó, chính phủ Syria sẽ chấm dứt các hoạt động giao tranh ở những khu vực nhất định do phe đối lập kiểm soát. Các bên đang giao tranh sẽ rút khỏi đường Castello ở thành phố Aleppo, nơi chiến sự đang diễn ra ác liệt để thiết lập một khu vực phi quân sự xung quanh. Cả lực lượng chính phủ và các nhóm nổi dậy đều phải cung cấp đường đi an toàn và không được ngăn trở di chuyển tại đây.
Tuy nhiên, đáng buồn là thỏa thuận giữa Nga và Mỹ lại không đề cập đến quá trình chuyển tiếp chính trị và một giải pháp chính trị cho Syria. Việc tập trung độc nhất vào khía cạnh quân sự đã gạt người Syria ra ngoài lề, báo hiệu một tương lai mờ mịt cho quốc gia đang giữ vai trò chủ chốt trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Ông Mazen Bilah, nhà phân tích chính trị của Syria nhận định: “Có vấn đề lớn đối với việc các bên thực hiện lệnh ngừng bắn tại Syria bởi một số nhóm phiến quân đối lập vẫn từ chối tham gia vào lệnh ngừng bắn này. Chính vì thế tôi nghĩ rằng, tại một số khu vực, xung đột vẫn tiếp diễn, và người dân không thể được hưởng một lệnh ngừng bắn đúng nghĩa”
Chính vì vậy, theo các nhà phân tích chính trị, ngay sau khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực thì với tình trạng bạo lực tràn lan như hiện nay, tình hình tại Syria vẫn rất khó kiểm soát. Chính vì thế mà những nỗ lực của Nga, Mỹ và quốc tế trong việc kiến tạo ra một lệnh ngừng bắn chỉ dừng lại ở mức chấp nhận được
Nhà phân tích chính trị đồng thời là nhà báo người Anh Vanessa Beeley cho hay chẳng có gì bảo đảm rằng các nhóm cực đoan - được Mỹ, các quốc gia Vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn - sẽ tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn. Trả lời phỏng vấn Sputnik, nhà báo Beeley, người gần đây đã đến Syria, đã gọi các nhóm phiến quân vũ trang - do Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các nước Vùng Vịnh hậu thuẫn - là "những chướng ngại vật chính" khi xét đến việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn trên. Bà nói: "Về mặt lịch sử, nguyên nhân dẫn đến việc các lệnh ngừng bắn vẫn thất bại là do các tay súng khủng bố đã không tôn trọng các lệnh này". Viện dẫn 2 ngôi làng ở tỉnh Idlib là Kafarya và Foua - bị bao vây từ tháng 3-2015 - làm ví dụ điển hình, bà nói: "Chưa từng có sự tôn trọng lệnh ngừng bắn ở đó. Đạn pháo vẫn tiếp tục nã vào nhà dân và thường vẫn bị truyền thông phương Tây phớt lờ".
Người dân Syria mua sắm chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ Eid tại khu chợ cổ ở thủ đô Damascus ngày 10-9. (Nguồn: EPA/TTXVN) |
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi ngày 11-9 cho biết Iran hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn tại Syria do Mỹ và Nga làm trung gian, đồng thời nhấn mạnh cần thiết phải có một cơ chế giám sát toàn diện nhằm ngăn chặn các nhóm khủng bố lợi dụng thỏa thuận này. Trong một tuyên bố, ông Bahram Ghasemi nói rằng Tehran hoan nghênh bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào tại Syria, qua đó tạo điều kiện để các hoạt động cứu trợ nhân đạo có thể tiếp cận người dân ở những vùng khó khăn của Syria. Ông Ghasemi nêu rõ Iran kêu gọi tất cả các bên tuân thủ một thỏa thuận ngừng bắn bền vững và thúc đẩy một hệ thống giám sát toàn diện nhằm ngăn chặn các phần tử khủng bố lợi dụng để vận chuyển vũ khí và lực lượng.
Theo quan chức Bộ Ngoại giao Iran, tính liên tục và lâu dài của thỏa thuận ngừng bắn phụ thuộc vào cơ chế giám sát toàn diện, đặc biệt là việc kiểm soát những khu vực biên giới để ngăn chặn hoạt động của các nhóm khủng bố, nhất là hoạt động vận chuyển vũ khí và tài chính.
Các quốc gia láng giềng trong khu vực như Ai Cập, Liban và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn Syria do Nga và Mỹ bảo trợ.
Hồng Hà (Theo VOV, Vietnam+)
Ý kiến bạn đọc