Cuộc họp báo đầu tiên của ông Trump "gây bão" trên mạng xã hội
Ngày 11-1, cuộc họp báo đầu tiên của ông Donald Trump sau khi trúng cử Tổng thống Mỹ đã được tổ chức tại sảnh của trụ sở Tòa tháp Trump tại Manhattan (New York).
Ông Trump đã tạo ra nhiều khoảng khắc “gây bão dư luận”, trong đó có cuộc đôi co với một phóng viên CNN bị ông cho là “toàn đưa tin giả tạo”. Ông Trump đã thẳng thừng tuyên bố sẽ không cho phóng viên CNN đặt câu hỏi sau khi người này đưa tin Tổng thống đắc cử của đảng Cộng hòa đã được các cơ quan tình báo Mỹ thông báo về những cáo buộc chiến dịch tấn công mạng của Nga có những thông tin gây ảnh hưởng về ông Trump.
Khoảnh khắc ông Trump cáo buộc phóng viên này rằng “Anh đưa tin giả tạo” được truyền tải ngập tràn trên mạng xã hội Twitter.
Trong khi đó, bình luận của ông Trump cho rằng phóng viên là “những người duy nhất quan tâm” tới việc liệu ông có công bố khoản hoàn thuế của mình hay không đã được đăng lại trên Twitter tới 165.000 lần ngay trong thời gian họp báo. Những người dùng mạng xã hội này đã kêu gọi cư dân mạng khác “retweet”, tức là dẫn lại bình luận này “nếu bạn không phải là phóng viên mà vẫn mong mỏi được biết khoản hoàn thuế của ông Trump”.
Ở Nga, từ khóa (hashtag) #TrumpPressConference nằm trong những chủ đề đứng đầu xu hướng trong suốt thời gian diễn ra cuộc họp báo và vài giờ sau đó. Trong cuộc họp báo này, ông Trump đã thẳng thắn chia sẻ rằng: “Nếu Putin thích Donald Trump, tôi sẽ coi đó như là một tài sản, không phải là một trách nhiệm bởi vì chúng ta có mối quan hệ rất tồi tệ với Nga”. Ông nói tiếp: “Tôi không biết rằng tôi có hòa thuận với ông Vladimir Putin hay không. Tôi hy vọng là thế. Nhưng cũng có khả năng là tôi sẽ không”. Lời nói này đã được hàng nghìn người ở Nga đăng lại trên tài khoản Twitter của họ.
Đã có khoảng 80.000 dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter đăng từ khóa #TrumpPressConference trong cuộc họp báo kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ với sự có mặt của khoảng 250 phóng viên. Phản ứng trên mạng xã hội Twitter đối với ông Trump trong suốt thời gian diễn ra sự kiện này là 14% tích cực, 63% ôn hòa và 23% tiêu cực. (Theo công ty tiếp thị kỹ thuật số toàn cầu Amobee).
Bình luận của ông Trump về bức tường mà ông dự định xây dựng dọc biên giới với Mexico và sẽ buộc nước láng giềng phải chi trả cho việc này cũng đã thu hút nhiều phản ứng trên Twitter. Tổng thống đắc cử tuyên bố ông sẽ không chờ để đàm phán với Mexico trước khi bắt đầu xây dựng song cho biết Mexico có thể “sẽ hoàn trả cho Mỹ dưới hình thức nào đó”.
Một trong số nhiều dòng trạng thái trên Twitter của cựu Tổng thống Mexico Vincente Fox Quesada trong thời gian diễn ra cuộc họp báo của ông Trump. Đáp trả tuyên bố này, cựu Tổng thống Mexico Vicente Fox Quesada đã đăng dòng trạng thái Twitter rằng “Không phải hôm nay hay ngày mai mà không bao giờ Mexico chi trả cho bức tường ngu ngốc đó”.
Ông Trump cũng gây sốc khi ví von tình báo Mỹ với phátxít Đức. Trong cuộc họp báo, ông Donald Trump đã công kích các tổ chức tình báo nước này sau khi có thông tin nói rằng tình báo Mỹ đã thông báo với ông Trump việc người Nga có trong tay đoạn video liên quan đến gái mại dâm trong quãng thời gian ông Trump nghỉ lại một khách sạn sang trọng ở Moskva năm 2013. Ông Trump chỉ trích việc các cơ quan tình báo tung ra thông tin đó chẳng khác gì việc "phátxít Đức từng làm trong quá khứ”.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo hôm 11-1 (Ảnh: DM) |
Ông Trump cũng gọi bản báo cáo mà trang BuzzFeed đăng tải là rác rưởi. Trước đó, BuzzFeed cho đăng tải một hồ sơ 35 trang và tuyên bố đây là dữ liệu gốc của báo cáo trên. Tập tài liệu này có chi tiết liên quan tới gái mại dâm khi ông Trump tới Moskva năm 2013. Theo tài liệu trên thì một số quan chức Nga cũng đã có giao dịch với ông Trump để gây ảnh hưởng với tỷ phú thuộc đảng Cộng hòa.
Trong khi đó, tờ Wall Street Journal đưa tin các cựu điệp viên Anh, hiện làm cố vấn kinh doanh, là tác giả của báo cáo gây sốc về mối quan hệ giữa Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump với Nga. Sau khi ông Trump chỉ trích giới tình báo trong cuộc gặp gỡ báo chí chính thức nói trên, Nhà Trắng đã mô tả cáo buộc thành kiến của ông Trump là "hết sức sai lầm".
Trong một diễn biến khác, Thượng viện Mỹ đã đi bước quan trọng đầu tiên để tiến tới bãi bỏ đạo Luật Chăm sóc sức khỏe, hay còn gọi là Obamacare sau cuộc bỏ phiếu "marathon" vào tối thứ tư (11-1) kéo dài tới tận sáng sớm ngày thứ năm (12-1).
Kết quả bỏ phiếu cho kết quả 51 phiếu thuận (so với 48 phiếu chống) chưa xóa bỏ di sản của Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama, nhưng nó đã xô đổ những rào cản thủ tục đầu tiên để Hạ viện Mỹ bỏ phiếu bãi bỏ đạo luật chăm sóc sức khỏe gây tranh cãi này vào ngày 13-1.
Trước đó, hôm 10-1, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã hối thúc các nghị sỹ đảng Cộng hòa trong Quốc hội nước này ngay lập tức bãi bỏ Obamacare, cho rằng không có lý do cho sự chậm trễ và cần triển khai một kế hoạch thay thế đạo luật trên trong vòng vài tuần.
Trong trả lời phỏng vấn báo New York Times, ông Trump nhấn mạnh: "Chúng ta phải bắt tay vào việc. Obamacare là một thảm họa". Tổng thống đắc cử Mỹ tuyên bố ông muốn tiến hành cuộc bỏ phiếu bãi bỏ đạo luật y tế Obamacare vào tuần tới, vốn là di sản của chính quyền tiền nhiệm, và sẽ không chấp nhận trì hoãn tới vài tuần cho việc tìm kiếm một đạo luật thay thế.
Cùng ngày, Thượng nghị sỹ Rand Paul khẳng định rằng một số điều khoản của chương trình chăm sóc sức khỏe thay thế sẽ sớm được đưa ra trong khi các nhà lập pháp nước này thực hiện các quy loại bỏ Obamacare.
Dương Hà (Theo VOV, Vietnam+)
Ý kiến bạn đọc