Cựu Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon và khả năng tranh cử Tổng thống Hàn Quốc
Ông Ban Ki-moon hôm 12-1 đã trở về Hàn Quốc sau khi kết thúc 10 năm trên cương vị Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (LHQ). Phát biểu ngay sau khi đặt chân đến sân bay thủ đô Seoul, ông Ban Ki-moon cho biết sẽ sớm đưa ra quyết định về sự nghiệp chính trị tương lai của mình, trong bối cảnh có nhiều mong đợi ông sẽ tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới tại Hàn Quốc.
Ông Ban Ki-moon hiện được đánh giá là một trong những ứng cử viên Tổng thống hàng đầu kế nhiệm Tổng thống Park Geun-hye – với số phận đang phụ thuộc vào quyết định của Tòa án Hiến pháp.
Dự kiến, cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo của Hàn Quốc sẽ diễn ra trong năm 2018, song cũng có khả năng được tổ chức sớm hơn nếu Tòa án Hiến pháp nước này tán thành kiến nghị của Quốc hội nhằm luận tội Tổng thống Park Geun-hye.
Ông Ban Ki-moon (giữa) chào từ biệt các nhân viên Liên hợp quốc tại New York. (Nguồn: EPA/TTXVN) |
Phát biểu tại Seoul , ông Ban Ki-moon cho biết sẽ sớm đưa ra quyết định về tương lai chính trị của mình sau khi lắng nghe nguyện vọng của người dân: “Tôi sẽ lắng nghe người dân nói gì khi trở về quê hương. Từ ngày mai tôi sẽ có cơ hội để trực tiếp lắng nghe nguyện vọng của họ. Tôi sẽ phải đưa ra một quyết định quan trọng không vì lợi ích cá nhân. Tuy nhiên sẽ không lâu để tôi đưa ra quyết định này”.
Tuyên bố sẵn sàng cống hiến hết mình cho đất nước trước những người ủng hộ cho thấy khả năng ông Ban Ki-moon có thể sẽ tham gia tranh cử Tổng thống Hàn Quốc. Một nhóm nghị sĩ ly khai khỏi Đảng cầm quyền Saenuri tại Hàn Quốc đang hy vọng ông Ban Ki-moon sẽ tham gia vào một đảng mới do nhóm này thành lập.
Đảng mới mang tên “Đảng Bảo thủ mới vì cải tổ” dự kiến ra mắt vào ngày 24-1 tới, nhằm thu hút các cử tri bảo thủ không còn ủng hộ Đảng Saenuri.
Ông Ban Ki-moon 72 tuổi, là một nhà ngoại giao kỳ cựu, từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc và đảm nhiệm vị trí Tổng Thư ký LHQ 10 năm qua.
Theo khảo sát mới nhất của Hãng tin Yonhap và KBS Hàn Quốc, Moon Jae-in, cựu lãnh đạo đảng đối lập chính tại Hàn Quốc là ứng cử viên hàng đầu trong số những ứng cử viên Tổng thống tiềm năng với tỉ lệ ủng hộ là 21,6%, tiếp sau là ông Ban Ki-moon với 17,2%.
Nhiều người dân Hàn Quốc cho rằng, việc ông Ban Ki-moon tranh cử Tổng thống sẽ là một điều tốt cho đất nước.
Kwon Yeung-jeung, đại diện nhóm ủng hộ ông Ban Ki-moon tại Hàn Quốc chia sẻ: “Chúng tôi hoan nghênh sự trở lại của ông Ban Ki-moon tại Hàn Quốc. Nếu ông Ban Ki-moon quyết định tham gia tranh cử Tổng thống, tôi nghĩ ông sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ đối với quốc gia, vì ông Ban Ki-moon là một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm”.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, việc lực lượng đối lập đang bị phân mảnh như hiện nay mang lại cơ hội chiến thắng cho ông Ban Ki-moon trong cuộc bầu cử. Mặc dù vậy, con đường của ông Ban Ki-moon tới chiếc ghế Tổng thống Hàn Quốc cũng đang gặp phải trở ngại, khi em trai và cháu của ông trong tuần này bị một tòa án liên bang Mỹ cáo buộc hối lộ và rửa tiền.
Ông Ban Ki-moon cũng đối mặt với nhiều chỉ trích của dư luận sau khi lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận đạt được giữa Nhật Bản và Hàn Quốc về vấn đề “phụ nữ mua vui” khi ông còn trên cương vị Tổng Thư ký LHQ.
Quang cảnh một phiên điều trần của Tòa Hiến pháp Hàn Quốc. (Ảnh: New York Times) |
Trong một bước đi mở đường cho việc ông Ban Ki-moon tranh cử Tổng thống, Cơ quan bầu cử Hàn Quốc hôm 13-1 cho biết, ông Ban Ki-moon có đủ tư cách để tham gia tranh cử bất chấp thời gian dài ông sinh sống ở nước ngoài.
Có nhiều tranh cãi liên quan đến qui định cư trú khi tham gia tranh cử Tổng thống, với lý do ông Ban Ki-moon đã không ở Hàn Quốc kể từ năm 2007. Tuy nhiên, Cơ quan bầu cử Hàn Quốc cho biết, theo luật hiện hành, những người dân Hàn Quốc trên 40 tuổi và có thời gian sống ít nhất 5 năm trong nước trước ngày bầu cử có thể trở thành ứng cử viên Tổng thống.
Trong một diễn biến khác, hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một quan chức gần gũi với nhóm điều tra đặc biệt ngày 13-1 cho biết Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Electronics của Hàn Quốc, ông Lee Jae-yong đã nói rằng Tổng thống Park Geun-hye đã ép tập đoàn này phải cung cấp hàng tỷ won cho nhiều tổ chức có liên quan đến người bạn thân Choi Soon-sil, nhân vật trung tâm của vụ bê bối hiện nay ở Hàn Quốc.
Quan chức trên cho biết ông Lee đã đưa ra lời khai nhận trên khi trả lời thẩm vấn nhóm điều tra đặc biệt kéo dài 22 giờ, trước khi trở về nhà vào sáng sớm 13-1. Lời khai nhận này khác với những gì ông Lee đã tuyên bố trong một cuộc điều trần tại Quốc hội hồi tháng trước, trong đó ông nói rằng Tổng thống Park chỉ nói về các vấn đề liên quan đến tập đoàn Samsung và kế hoạch đầu tư của họ trong một cuộc gặp riêng diễn ra năm 2015.
Ông Lee bị triệu tập để thẩm vấn vào ngày 12-1 về những cáo buộc rằng Samsung đã hỗ trợ tài chính cho bà Choi để đổi lấy việc chính phủ ủng hộ vụ sáp nhập 2 chi nhánh của tập đoàn này, tuy nhiên ông đã bác bỏ hầu hết những lời cáo buộc.
Nhóm điều tra sẽ xem xét lời khai của ông Lee và quyết định có xin lệnh bắt giữ ông hay không.
Hà Như (Theo VOV, Vietnam+)
Ý kiến bạn đọc