Multimedia Đọc Báo in

Thế giới hứng chịu thời tiết cực đoan những ngày đầu năm 2017

07:41, 10/01/2017

Châu Âu trải qua một mùa đông giá rét bất thường trong khi ngập lụt tại một số nước châu Á đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân.

Nhiều quốc gia ở khu vực Đông Âu như Ba Lan, Romania, Bulgaria, Cộng hòa Séc, Albani là những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đợt giá rét bất thường năm nay.

Tuyết rơi dày đặc và gió thổi mạnh đã khiến nhiều khu vực, tỉnh thành chìm trong tuyết trắng. Nhiệt độ ghi nhận ở nhiều nơi giảm xuống -30 độ C. Nhà máy điện hạt nhân gần sông Danube của Romania phải ngắt kết nối hai lò phản ứng làm hơn 3.000 hộ gia đình mất điện trong nhiều ngày qua. Theo báo cáo, có ít nhất 12 người Romania, 10 người ở Ba Lan, 4 người ở Cộng hòa Séc và 4 người Ukraine thiệt mạng vì giá rét.

Tại các quốc gia Địa Trung Hải, tuyết rơi dày đặc và liên tục khiến giao thông đường bộ, đường thủy và hàng không tại nhiều khu vực ở Italy, Pháp, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ bị tê liệt hoàn toàn do nhiệt độ giảm sâu xuống -35 độ C.

Tuyết rơi dày đặc ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7-1. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tuyết rơi dày đặc ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7-1. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hôm 8-1, ít nhất 5 du khách nước ngoài thiệt mạng và 30 người khác bị thương khi chiếc xe bus gặp nạn trên đường cao tốc đóng băng ở miền nam nước Pháp. Tại Italy, bão tuyết hoành hành ở miền nam đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 9 người, chủ yếu là người vô gia cư.

Trước những tác động tiêu cực của bão tuyết đối với sinh hoạt người dân, các nước châu Âu đã ban bố tình trạng khẩn cấp hoặc cảnh báo thời tiết nguy hiểm, đồng thời bổ sung các biện pháp đối phó. Lực lượng cứu hộ phải làm việc trong nhiều giờ dọn tuyết, giải cứu người mắc kẹt trên đường. Các cơ quan cứu trợ nhân đạo cung cấp nơi tá túc, phát chăn ấm, nước nóng cho người vô gia cư. Ông Yannis Bousoulas, một quan chức của Hy Lạp cho biết: “Tình hình rất tồi tệ. Gió mạnh và tuyết rơi dày liên tiếp nhiều ngày qua. Các nhân viên cứu hộ phải mất nhiều đêm, khó khăn lắm mới ủi đi được các lớp tuyết dày tới hàng mét. Rất may, chúng tôi có được sự hỗ trợ của các máy móc chuyên dụng để khai thông tuyến đường. Hi vọng tuyết ngừng rơi trong những ngày tới”.

Đức Giáo hoàng Francis dã kêu gọi cộng đồng giúp đỡ người nghèo và vô gia cư. Ông nhấn mạnh: “Vào những ngày thời tiết giá lạnh như vậy, khi mọi người ở trong nhà, hãy nghĩ tới những người đang sống vô gia cư trên đường phố. Họ sẽ bị cảm lạnh, thậm chí  bị chết vì rét. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và cùng hành động để làm ấm trái tim những con người khốn khổ đó”.

Các chuyên gia khí tượng châu Âu dự báo, trong những ngày tới tại châu Âu vẫn tiếp tục hứng chịu điều kiện thời tiết khắc nghiệt do băng giá. Nền nhiệt độ sẽ giảm sâu dưới mức đóng băng trong khi tại nhiều nơi băng tuyết bắt đầu tan chảy gây ra lũ lụt.

Trong khi đó, nhiều nước ở Đông Nam Á đang trong cảnh lụt lội nghiêm trọng.

Tình trạng ngập lụt trên diện rộng xảy ra từ ngày đầu năm mới đã buộc hơn 250 nghìn người tại hai bang Terengganu và Ketalan của Malaysia phải sơ tán. Năm con sông lớn ở Malaysia dâng cao ở mức báo động nguy cơ gây lũ quét và lở đất. Tại Indonesia, chính quyền địa phương và Cơ quan ứng phó thảm họa, Hội chữ thập đỏ và các tình nguyện viên đang khẩn trương sơ tán hàng nghìn người dân khỏi các khu vực miền Nam như  Ache, Jaya, có nơi ngập sâu tới gần 1,6m.

Theo Bộ tình trạng khẩn cấp và giảm nhẹ thiên tai Thái Lan, đã có ít nhất 21 người thiệt mạng, hơn 10 tỉnh thành nước này đã bị ngập nặng, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân. Hơn 330.000 hộ gia đình bị mất nhà cửa. Sân bay quốc tế tại tỉnh Nakhon Si Thammarat và tuyến đường sắt tới thủ đô Bangkok vẫn bị đóng cửa. Đợt thiên tai này gây thiệt hại nặng nề cho ngành sản xuất cao su và du lịch của Thái Lan. Các nhà khí tượng cảnh báo mưa lớn tiếp tục trút xuống trong những ngày tới, đồng thời cảnh báo người dân Thái Lan và khách du lịch thận trọng với lũ lụt, lở đất và lũ quét.

Còn Australia thì đang phải hứng chịu một đợt nắng nóng kỷ lục. Cơ quan khí tượng Australia (BOM) ngày 9-1 cảnh báo bang New South Wales ở nước này sẽ trải qua một đợt nắng nóng mới trong tuần này với nhiệt độ ngoài trời ở nhiều nơi lên tới 46 độ C.

Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của đợt nắng nóng này chủ yếu ở miền Tây bang New South Wales (NSW) với nhiệt độ ở vùng Wilcannia dự kiến lên tới 46 độ C vào trưa 13-1, trong khi vùng Bourke nhiệt độ vào khoảng 45 độ C trong 2 ngày 11-1 và 13-1. BOM cũng dự báo nhiều thị trấn khác như Ivanhoe và Menindee có nhiệt độ lên tới 45 độ C vào ngày 13-1. Ngoài ra, tại nhiều khu vực khác thuộc bang NSW như Brewarrina, Cobar, Condobolin, Wee Waa và vùng Hồ Cargelligo, nhiệt độ cũng là trên 40 độ C. Tại thành phố Sydney, nằm ở miền Đông bang NSW, nhiệt độ trung bình trong tuần này dự báo lên tới 37 độ C, song tại các quận nằm ở phía Tây thành phố, nhiệt độ sẽ lên tới 40 độ C. 

Cảnh ngập lụt tại một ngôi làng ở tỉnh Nakhon Si Thammarat, miền nam Thái Lan ngày 8-1-2017. (Ảnh: EPA/TTXVN)
Cảnh ngập lụt tại một ngôi làng ở tỉnh Nakhon Si Thammarat, miền Nam Thái Lan ngày 8-1-2017. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Cơ quan bảo vệ người lao động SafeWork bang NSW đã khuyến cáo người lao động trên toàn bang thận trọng trước những dấu hiệu căng thẳng do nắng nóng. Dịch vụ bác sỹ bay Hoàng gia (RFDS) đã cảnh báo người dân thận trọng, trang bị đầy đủ các thiết bị chống nắng như mũ, nước uống, đồ ăn, kem chống nắng… khi đi bộ hay vui chơi ở ngoài trời. Tổ chức này cho biết có tới 1/4 số dân thành thị cần trợ giúp khẩn cấp về y tế khi đi dã ngoại ở vùng nông thôn vào dịp nghỉ hè mỗi năm. Ngoài ra, chính quyền bang NSW cũng nâng mức cảnh báo về nguy cơ cháy rừng ở khu vực Tây và Tây Bắc bang NSW do thời tiết nắng nóng.

Trước đó, trong tuần đầu tiên của Năm mới 2017, tại nhiều khu vực phía Tây Nam các bang NSW, Victoria và Nam Australia đã trải qua đợt nắng nóng với nhiệt độ được cho là cao nhất trong vòng vài năm trở lại đây. 

Cùng ngày, trước sự gia tăng nhiệt độ do tình trạng biến đổi khí hậu, Tổ chức nghiên cứu công nghiệp và khoa học khối Thịnh vượng chung (CSIRO) cảnh báo mùa trượt tuyết trung bình mỗi năm ở Australia sẽ bị thu hẹp ít nhất từ 20-55 ngày vào năm 2050 do lượng tuyết giảm, thậm chí ở viễn cảnh xấu nhất là giảm từ 30-80 ngày trong mùa trượt tuyết hàng năm kéo dài 112 ngày. Cảnh báo này dựa trên số liệu về lượng tuyết giảm đáng kể tại các khu trượt tuyết ở miền Nam và vùng lòng chảo sông Murray của Australia trong 60 năm qua.

Hồng Hà (Theo VOV, Vietnam+)


Ý kiến bạn đọc