Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết ra sắc lệnh nhập cư mới
Tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị ban hành một sắc lệnh nhập cư mới với nội dung được cho là “không khác mấy” so với sắc lệnh ban đầu.
Theo đó, sắc lệnh nhập cư mới vẫn cấm công dân từ 7 quốc gia có đông người Hồi giáo sinh sống từng được liệt kê trong sắc lệnh ban đầu, song miễn trừ đối với những người đã có thị thực tới Mỹ. Điều này cho thấy, ông Donald Trump quyết không từ bỏ sắc lệnh nhập cư sau khi sắc lệnh cũ chưa có hiệu lực thực thi do Thẩm phán liên bang James Robart tại thành phố Seattle ra phán quyết đình chỉ sắc lệnh.
Hãng tin AP (Mỹ) ngày 19-2 dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết, sắc lệnh này sẽ chỉ nhằm vào những người thuộc 7 quốc gia có đông tín đồ Hồi giáo, gồm Iran, Iraq, Syria, Yemen, Somali, Sudan và Libya. Trong khi đó, những người sở hữu thẻ xanh và công dân mang hai quốc tịch của Mỹ và của 7 quốc gia nêu trên đều thuộc diện được miễn trừ.
Nữ phát ngôn Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cho biết, bản dự thảo vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và theo quan chức giấu tên nêu trên, Tổng thống Donald Trump có thể ký ban hành sắc lệnh mới trong tuần này.
Theo sắc lệnh hành pháp được Tổng thống Donald Trump ký hôm 5-1, Mỹ đình chỉ việc cho phép người tị nạn vào Mỹ trong vòng 120 ngày, cấm người tị nạn từ Syria vào Mỹ vô thời hạn, đồng thời cấm công dân từ 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số là Iran, Iraq, Syria, Yemen, Somali, Sudan và Libya nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày. Tuy nhiên, sắc lệnh này tới nay chưa có hiệu lực thực thi do Thẩm phán liên bang James Robart ra phán quyết đình chỉ sắc lệnh. Tòa án Phúc thẩm Liên bang Khu vực số 9 đã ủng hộ phán quyết của thẩm phán James Robart. Ông Donald Trump sau đó đã tuyên bố sẽ ban hành một sắc lệnh hành pháp mới về nhập cư.
Trong khi đó, cùng ngày, Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ John Kelly đã ký những chỉ đạo mới trao quyền cho các giới chức mạnh tay hơn trong việc bắt giữ và trục xuất những người nhập cư trái phép ở trong nước và tại khu vực biên giới. Theo đó, những chỉ đạo đang được xem xét này sẽ cho phép chính quyền thực hiện thủ tục trục xuất, hiện bị giới hạn trong những người nhập cư không có giấy tờ ở Mỹ dưới 2 tuần, đối với mọi đối tượng đã ở Mỹ tới 2 năm. Những chỉ đạo này cũng sẽ trao quyền hợp pháp cho các giới chức ngay lập tức trao trả những người nhập cư Mexico bị bắt ở biên giới đang chờ kết quả phiên tòa xét xử trục xuất hơn là giam giữ họ trên đất Mỹ.
Ông Kelly cho biết: “Tổng thống đang đưa ra một bản dự thảo chặt chẽ hơn, ngắn ngọn hơn so với bản sắc lệnh đầu tiên và chúng tôi sẽ có cơ hội trong lần này để thực hiện kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt là bảo đảm rằng, theo những điều khoản trong sắc lệnh mới, không ai đến từ nước ngoài bị mắc kẹt tại các sân bay của chúng tôi". Bộ trưởng Kelly cho rằng, "làn sóng người nhập cư tại biên giới phía Nam đã gây khó khăn các cơ quan và các nguồn tài nguyên liên bang đồng thời đã gây ra tình trạng bất ổn an ninh quốc gia cho Mỹ”.
Sắc lệnh nhập cư ban đầu của ông Donald Trump đã gây ra phản ứng dữ dội từ người dân và dấy lên sự hỗn loạn khi một số du khách bị bắt giữ tại sân bay, nhiều gia đình hoảng sợ tìm kiếm người thân và những cuộc biểu tình phản đối việc thực thi văn bản này.
Vào ngày 16-2 mới đây, hàng loạt địa điểm khắp các thành phố Mỹ đã tham gia “Ngày không có người nhập cư”, cuộc đình công toàn quốc được tổ chức qua mạng xã hội, khẳng định các vai trò kinh tế và xã hội quan trọng của lao động nhập cư trong nền kinh tế Mỹ, phản đối chính sách của Tổng thống Donald Trump hạn chế người nhập cư.
Lao động nhập cư trên khắp Mỹ đã hưởng ứng lời kêu gọi ở nhà, không đi làm, đi học và bán hàng trong ngày 16-2. Hàng trăm chủ doanh nghiệp từ thủ đô Washington D.C., đến New York, Phoenix, Atlanta, San Francisco, Chicago, Minneapolis, Austin, Boston, Philadelphia... đã đồng loạt đóng cửa tham gia “Ngày không có người nhập cư”. Washington D.C., ngày 16-2 là một ngày không có bánh mì, nhà trẻ, lớp thể dục... Những người đi ăn trưa thấy các cửa hàng bị khóa, treo bảng ủng hộ “Ngày không có người nhập cư” và chấp nhận bị đói để bày tỏ tình đoàn kết với lao động nhập cư. Ở Washington D.C., nơi có 48% lao động trong công nghiệp nhà hàng là người sinh ra ở nước ngoài, theo The Washington Post, chủ nhà hàng nổi tiếng Jose Andres đã đóng cửa 3 nhà hàng của mình và nói thêm trong thông báo trên Twitter rằng “Người nhập cư nuôi nước Mỹ”. Trung tâm Phát triển trẻ em Mi Palacio ở Washington D.C. đã quyết định hỗ trợ nhân viên, phần lớn là người gốc Latinh, bằng cách cho họ nghỉ ngày 16-2.
Theo các chuyên gia kinh tế, sẽ là một “thảm họa” cho nền kinh tế Mỹ nếu không có lao động nhập cư. “Nếu tất cả người nhập cư biến mất khỏi lực lượng lao động Mỹ có thể sẽ tạo tác động tiêu cực rất lớn đến nền kinh tế. Người nhập cư làm việc ở rất nhiều ngành nghề, từ công việc giản đơn đến tay nghề cao. Không có họ sẽ gây mất mát trong rất nhiều ngành nghề khác nhau, từ xây dựng, làm vườn đến tài chính và công nghệ thông tin. Lao động sinh ở Mỹ có thể lấp được một số công việc, nhưng vẫn còn khoảng trống lớn trong một số lĩnh vực và sẽ gây suy giảm kinh tế”, ABC News dẫn lời Daniel Costa, Giám đốc nghiên cứu chính sách và luật di trú tại Viện Chính sách Kinh tế (EPI), trụ sở ở Washington D.C.
Người dân Mỹ biểu tình phản đối sắc lệnh cấm người tị nạn nhập cảnh của tân Tổng thống Mỹ tại sân bay quốc tế San Francisco ở bang California ngày 28-1. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Tổ chức Vì một nền kinh tế mới của Mỹ (PNAE), gồm 500 thị trưởng và lãnh đạo doanh nghiệp thúc đẩy cải cách nhập cư để tạo việc làm cho người Mỹ, dẫn kết quả khảo sát cộng đồng Mỹ mới nhất của Cơ quan Thống kê dân số Mỹ (USCB) cho thấy, trong năm 2014, người nhập cư kiếm được 1.300 tỷ USD, đóng góp 105 tỷ USD thuế tiểu bang và địa phương, cùng gần 224 tỷ USD thuế liên bang. Trong năm 2014, người nhập cư có sức mua gần 927 tỷ USD. Jeremy Robbins, Giám đốc PNAE, cho biết: “Người nhập cư là một phần rất quan trọng làm nên nền kinh tế Mỹ. Họ vận hành mọi lĩnh vực và ngành công nghiệp trong nền kinh tế”. Robbins nói thêm rằng nếu không có người nhập cư, sẽ có ít doanh nghiệp và phát minh: “Hãy nhìn các công ty lớn thúc đẩy Mỹ thành một trung tâm đổi mới, sẽ thấy có rất nhiều công ty đã bắt đầu bởi người nhập cư hoặc con cái họ, điển hình là Apple và Google”. Đồng sáng lập Apple là Steve Jobs, người có cha là người Syria và đồng sáng lập Google là Sergey Brin, người sinh ra ở Moscow, Nga.
Theo báo cáo mới nhất về nhập cư và kinh tế Mỹ của EPI năm 2014, người nhập cư chiếm khoảng 13% dân số Mỹ nhưng đóng góp đến gần 15% sản lượng kinh tế của nước này. Số liệu của Cơ quan Thống kê lao động Mỹ (BLS) cho thấy, trong năm 2015, có khoảng 26,3 triệu người sinh ở nước ngoài làm việc tại Mỹ, chiếm 16,7% lực lượng lao động, tăng từ 15% trong năm 2005. Lao động nhập cư kiếm được trung bình 681 USD/tuần, thấp hơn lao động Mỹ khoảng 18,6%. Có 48,8% lao động nhập cư là người Mỹ Latinh, 24,1% là người châu Á, 16,8% là người da trắng và 9,2% là người da màu.
Như Hà (Theo VOV, SGGP)
Ý kiến bạn đọc