Multimedia Đọc Báo in

Lý do châu Phi quyết định sẽ rút lui tập thể khỏi Tòa án hình sự quốc tế

20:04, 18/02/2017

Vừa qua, Liên minh châu phi (AU) đã thông qua Nghị quyết không ràng buộc các quốc gia thành viên của tổ chức này rút khỏi Tòa án hình sự quốc tế (ICC).

Theo ông Desire Assogbavi, người đứng đầu Văn phòng Liên lạc quốc tế tại Liên minh châu Phi (AU) của Tổ chức Oxfam, quyết định không mang tính ràng buộc trên được đưa ra sau phiên thảo luận kín ngày 31-1, ngay trước khi bế mạc hội nghị thượng đỉnh AU lần thứ 28 tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. 

Đây là biểu hiện mới nhất về sự mất kiên nhẫn của các nhà lãnh đạo châu Phi đối với ICC khi một số người cho rằng, tòa án có trụ sở tại La Hay (Hà Lan) này đã quá tập trung vào các vấn đề của châu Phi. Cuối năm 2016, ba quốc gia châu Phi là Nam Phi, Burundi và Gambia đã tuyên bố rút khỏi ICC và gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong cộng đồng quốc tế.

Một phiên tòa xét xử cựu thủ lĩnh phiến quân khét tiếng LRA ở Uganda, Dominic Ongwen, của ICC tại La Hay (Hà Lan) ngày 21-1-2016. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Một phiên tòa xét xử cựu thủ lĩnh phiến quân khét tiếng LRA ở Uganda, Dominic Ongwen, của ICC tại La Hay (Hà Lan) ngày 21-1-2016. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mặc dù chưa có lộ trình thời gian và đây chỉ là một vài khuyến nghị cụ thể để hành động nhưng Nghị quyết của AU có thể sẽ tác động tới nhiều nước.

Được biết, ngay sau Hội nghị thượng đỉnh AU vừa qua, hôm 8-2, Zambia đã công bố về việc lấy ý kiến người dân trước khi quyết định rút khỏi ICC.

Cho đến nay, Nghị quyết rút khỏi ICC của AU đã nhận được sự đồng thuận của nhiều nước châu Phi bởi họ cho rằng, với việc thông qua những vụ việc liên quan đến tội diệt chủng, tội ác chiến tranh và chống lại loài người, tòa án có trụ sở tại La Hay (Hà Lan) đã can thiệp quá sâu vào các vấn đề nội bộ của châu lục.

Thậm chí, trong tuyên bố hồi cuối năm ngoái, người phát ngôn của Chính phủ Burundi, ông Philippe Nzobonariba còn khẳng định: “Liên minh châu Âu (EU) đã tài trợ trên 70%, chính vì thế ICC đã trở thành công cụ gây sức ép chính trị hoặc các phương tiện để gây mất ổn định tại các nước nghèo, nhất là những quốc gia châu Phi”. Hiện nay, tất cả 39 cá nhân bị ICC truy tố đều là công dân của châu Phi.

Tuy nhiên, các nhà phân tích khu vực nhận định, trong ngắn hạn, khó có khả năng các quốc gia châu Phi đồng loạt rút khỏi ICC, bởi Nghị quyết của tổ chức này hiện nay không mang tính ràng buộc đối với tất cả các quốc gia thành viên.

Trong khi đó, chính phủ cầm quyền ở một số quốc gia châu Phi như: Bờ Biển Ngà, Ghana, Mali, Malawi, Senagal, Nigeria… vẫn đang khẳng định cam kết ủng hộ Quy chế Rome. Bởi theo các quốc gia này, ICC vẫn là cứu cánh cần thiết để giải quyết những thách thức về mặt đối nội, nhất là trong việc đối phó với các cuộc nổi dậy của lực lượng quân đội hoặc trong các cuộc xung đột chính trị với tầng lớp thượng lưu.

Bên cạnh đó, một số nhà lãnh đạo AU cũng chưa thực sự xem ICC là mối đe dọa hiện hữu khi nhận thấy rằng, tòa án ở La Hay khó có thể can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia châu lục này. Theo họ, lực lượng điều tra của ICC hiện nay khá mỏng, trong khi lại bị hạn chế bởi các thủ tục hành chính quan liêu, và chịu sự giám sát, can thiệp sâu của chính quyền sở tại. Hơn thế nữa, trên mặt trận ngoại giao, ICC còn bị nhiều quốc gia châu Phi lên án và tẩy chay.

Tòa ICC. (Ảnh: citifmonline)
Tòa ICC. (Ảnh: citifmonline)

Bản chất của Nghị quyết rút khỏi ICC vừa qua là để bảo vệ các nhà lãnh đạo của châu Phi. Theo đó, động thái này nhằm gây sức ép buộc tòa án tại La Hay phải chấp nhận một số nhượng bộ về mặt pháp lý, bao gồm quyền miễn trừ truy tố đối với các thành viên cấp cao trong chính phủ của các quốc gia thành viên AU khi họ vẫn đang đương nhiệm.

Với 34 quốc gia châu lục trong quy chế Rome, chiếm hơn 1/4 số thành viên của tổ chức này (tổng cộng có 124 nước gia nhập), AU hy vọng sẽ buộc ICC phải xem xét, sửa đổi lại quy chế của mình. Về lâu dài, AU sẽ có xu hướng tăng cường cơ chế tư pháp riêng và mở rộng thẩm quyền của “Tòa án tư pháp và nhân quyền châu Phi”, bao gồm việc xem xét những tội ác tương tự mà thuộc thẩm quyền của ICC, qua đó giảm dần vai trò của ICC ở khu vực.

Được biết, Nghị định thư Malabo năm 2014 liên quan cơ chế này hiện tồn tại ở bản ghi nhớ với 9 quốc gia đồng thuận, vẫn đang được các thành viên AU bàn thảo để có thể xem xét thông qua trong thời gian tới.

Hồng Như (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.