Multimedia Đọc Báo in

Anh – EU chính thức "nói lời chia tay"

10:27, 31/03/2017

Sau khi kí bức thư lịch sử chính thức khởi động tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) còn gọi là Brexit, Thủ tướng Anh Theresa May ngày 29-3 đã có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội Anh tuyên bố kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để bắt đầu quá trình đàm phán Brexit với Liên minh châu Âu.

Cùng lúc này, lá thư của Thủ tướng Anh Theresa May cũng đã được trao tận tay Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk, đánh dấu giây phút chính thức bắt đầu “cuộc chia tay” lịch sử giữa Anh và EU.

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng May nhấn mạnh đây là quyết định “không thể thoái lui” và đã đến lúc người Anh phải thể hiện sự đoàn kết để bảo đảm đạt được một thỏa thuận tốt rời EU theo đúng nguyện vọng của đa số người dân trong cuộc trưng cầu ý dân diễn ra hồi tháng 6-2016. Bà May cũng kêu gọi người dân Anh đoàn kết sát cánh để đạt được thỏa thuận tốt nhất có thể cho Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, và cho tương lai của mỗi công dân nước này. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh cho biết, nước Anh cũng sẽ gặp phải không ít khó khăn khi bắt đầu nói lời chia tay với Liên minh Châu Âu.

Thủ tướng Anh Theresa May sau cuộc họp nội các ở London, Anh ngày 29/3. (Ảnh: THX/TTXVN)
Thủ tướng Anh Theresa May sau cuộc họp nội các ở London, Anh ngày 29-3. (Ảnh: THX/TTXVN)

“Chúng ta biết rằng sẽ mất đi tầm ảnh hưởng của mình đối với những quy định có hiệu lực đối với nền kinh tế châu Âu. Chúng ta phải chấp nhận điều đó. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng tiếp cận đàm phán Brexit một cách xây dựng, tôn trọng  bảo đảmtinh thần hợp tác một cách chân thành nhất. Vì lợi ích của cả Anh và Liên minh châu Âu, chúng ta nên sử dụng tiến trình này để chuyển tải các mục tiêu của mình một cách công bằng và có trật tự”, Thủ tướng Anh nhấn mạnh.

Phát biểu trước báo giới khi tiếp nhận lá thư từ Đại sứ Anh tại Liên minh châu Âu Tim Barrow, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh, Liên minh châu Âu sẽ làm tất cả những gì có thể trong phạm vi quyền lực của mình để giảm các thiệt hại mà Brexit gây ra đối với các công dân, doanh nghiệp và các quốc gia thành viên khác của khối này.

“Sau tất cả những gì đã diễn ra, hầu hết các nước châu Âu, bao gồm cả gần một nửa người dân Anh đều mong rằng, chúng ta vẫn sẽ ở bên nhau mà không phải chia ly. Đối với bản thân tôi, tôi không có ý định giả bộ là mình hạnh phúc trong ngày này. Chẳng có ai thắng cuộc trong tiến trình này, cả Anh và Liên minh châu Âu. Thực tế nó còn gây thiệt hại. Tuy nhiên, Brexit cũng mang lại một số tín hiệu tích cực. Đó là nó làm cho cộng đồng chung gồm 27 nước còn lại sẽ thêm quyết tâm hơn và gắn kết hơn bao giờ hết”, ông Tusk nói.

Với tuyên bố trên, tiến trình đàm phán đưa Anh ra khỏi Liên minh châu Âu, hay còn gọi là Brexit đã chính thức được kích hoạt, đồng thời đánh dấu giây phút bắt đầu “cuộc chia tay” lịch sử giữa Anh và EU. Mặc dù đã chính thức được khởi động, song cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa Anh và EU sẽ diễn ra sau khi 27 nước thành viên khối này thống nhất được thứ tự ưu tiên các vấn đề đàm phán, các nguyên tắc và cấu trúc của các cuộc đàm phán. Các nhà ngoại giao cho rằng phải tới cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới, cuộc đàm phán chính thức đầu tiên mới có thể bắt đầu.

Dự kiến, toàn bộ quá trình giải quyết “vụ ly dị” đầu tiên sau 60 năm hình thành của EU này sẽ kéo dài khoảng 2 năm.  Giới phân tích nhận định, hai năm tới sẽ là thời gian thử thách lòng kiên nhẫn, thiện chí của cả Anh và Liên minh châu Âu để có thể xác lập được mối quan hệ đối tác mới, đem lại phồn vinh cho cả hai bên. Lúc này, điều quan trọng nhất của tiến trình đàm phán là việc hai bên có đạt được hiệp định tự do thương mại đầy tham vọng như Thủ tướng Anh Theresa May kêu gọi hay không.

 Mở màn cho các cuộc đàm phán căng thẳng về Brexit sẽ là số phận của 1 triệu người Anh đang làm việc tại châu Âu và 3 triệu công dân châu Âu tại Anh.

Một ngày sau khi Thủ tướng Anh Theresa May ký quyết định chính thức kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon, 4 nhật báo uy tín hàng đầu châu Âu là The Guardian (Anh), Le Monde (Pháp), La Vanguardia (Tây Ban Nha) và Gazeta Wyborcza (Ba Lan) đã cùng ký vào một bài xã luận, yêu cầu London và Brussels coi việc giải quyết số phận của hơn 4 triệu công dân này, lên đến 5 triệu nếu tính cả gia đình, là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Đây là chủ đề gai góc mà các quan chức châu Âu và Anh tranh cãi công khai trong nhiều tháng qua sau khi có kết quả cuộc trưng cầu dân ý Brexit tại Anh tháng 6 năm ngoái.

Cuối tháng 11-2016, 80 nghị sỹ Anh đã ký vào một bức thư cáo buộc ông Michel Barnier, trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU là đã từ chối thảo luận về quyền công dân của gần 1 triệu người Anh đang sinh sống và làm việc tại các quốc gia thành viên EU, khiến những công dân này sống trong lo lắng.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Donald Tusk khi đó đã phản bác cáo buộc này và khẳng định sẽ không có bất cứ đàm phán nào về chủ đề này khi Anh chưa xác định được các bước cơ bản để khởi động Brexit.

Hiện tại, khi Brexit đã chính thức được khởi động, việc thảo luận sớm về chủ đề này được Anh và EU xem như chiến thuật để giành lợi thế trong các đàm phán thương mại sau này.

Trong số những nước EUcó công dân sinh sống tại Anh, đông nhất là Ba Lan với 800.000 người, tiếp đến là Pháp với hơn 300.000 người và Đức hơn 150.000 ngừoi. Ở phía ngược lại, công dân Anh sinh sống và làm việc nhiều nhất tại Tây Ban Nha với hơn 300.000 người, tiếp đến là Pháp, Bỉ và Italy.

Vẻ đượm buồn của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk khi nhận
Vẻ đượm buồn của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk khi nhận "lá thư chia tay" từ nước Anh. (Ảnh: AP)

Thủ tướng Anh Theresa May ngày 30-3 cũng đã ra tuyên bố: "Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), nhưng không rời khỏi châu Âu" - một động thái nhằm trấn an các nước EU sau khi Anh chính thức bắt đầu tiến trình "chia tay ngôi nhà chung". Thủ tướng May đã lựa chọn 7 tờ báo lớn tại châu Âu: The Irish Times (Ireland), Rzeczpospolita (Ba Lan), Dagens Nyheter (Thụy Điển), El Pais (Tây Ban Nha), La Repubblica (Italy), Le Parisien (Pháp) và Frankfurter Allgemeine Zeitung (Đức) để đăng tải tuyên bố trên.

Bà May khẳng định: "Tôi muốn đảm bảo với các bạn rằng quyết định này không đồng nghĩa với việc bác bỏ những giá trị mà chúng ta cùng chia sẻ trong châu Âu", đồng thời nhắc lại tính tất yếu của những lập luận trong lá thư gửi đến Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk để thông báo chính thức kích hoạt tiến trình Brexit. Bà May cho biết thêm rằng đây không phải một mưu toan nhằm gây tổn hại cho EU, trái lại, Vương quốc Anh muốn EU tiếp tục thành công và thịnh vượng.

Trên tờ Le Parisien, bà May khẳng định Anh vẫn muốn là đối tác và đồng minh tin cậy của Pháp và của tất cả các nước thành viên EU. Bà May bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ và đặc biệt với EU bởi đó là vì lợi ích của Anh, Pháp, và toàn bộ EU. Bà May cho rằng những rào cản trong thương mại đi ngược lại với lợi ích chung.

Trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, bà May nhấn mạnh Anh và Đức sẽ tiếp tục hợp tác tại các điểm nóng, đặc biệt trong vấn đề "toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine" hay "hỗ trợ hàng triệu người đang trong tình cảnh tuyệt vọng tại Syria", và khẳng định mối quan hệ đối tác và tình bạn bền vững giữa hai nước.

Trong quan hệ với Italy, bà May cũng nhấn mạnh trên tờ La Repubblica rằng hiện hơn 600.000 người Italy đang sống tại Anh và hai nước sẽ tiếp tục hợp tác trên các vấn đề mang tính thời sự, từ chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đến quản lý khủng hoảng di cư tại Địa Trung Hải. Bà May cũng đề cập tới sự cần thiết trong hợp tác an ninh một cách chặt chẽ nhất có thể để đảm bảo EU và Anh sẽ có thể đương đầu với các mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.

Cuối cùng, Thủ tướng May khẳng định muốn  bảo đảm quyền của công dân EU đang sống tại Anh và những công dân Anh đang sống tại các nước thành viên EU.

Dương Hà (Theo VOV, TTXVN)

 


Ý kiến bạn đọc