Multimedia Đọc Báo in

Đại sứ quán Mỹ "dởm" ở Ghana tồn tại suốt 10 năm không bị phát giác

07:30, 31/03/2017
Đầu tháng 12-2016, đại sứ quán Mỹ “dởm” tại thủ đô Accra (Ghana) bị lật tẩy, điều tra và đóng cửa. Điều đáng nói, đây là “sản phẩm” của các đường dây tội phạm do các đối tượng người Ghana và Thổ Nhĩ Kỳ phối hợp điều hành trong suốt 10 năm liền mà không bị phát giác.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ (USSD), việc thành lập một đại sứ quán “dởm” như ở Ghana là sự kiện hy hữu, một hành động coi thường luật pháp quốc tế. Đặc biệt, đại sứ quán “dởm” này tồn tại trong thời gian dài tới hơn một thập kỷ mà chính quyền không hề hay biết. Thậm chí, những kẻ giả mạo thành lập đại sự quán “dởm” này còn treo cả quốc kỳ Mỹ và chân dung tổng thống Barack Obama tại trụ sở. Đại sứ quán “dởm” hoạt động ba ngày một tuần, vào thứ hai, thứ ba và chủ nhật từ 7 giờ 30 đến 24 giờ.

Đại sứ quán giả "màu vàng úa xập xệ" do các băng nhóm tội phạm của Thổ Nhĩ Kỳ và Ghana phối hợp điều hành, cấp phát cả những visa chính thống có được theo cách bất hợp pháp và cả những visa, các giấy tờ tùy thân giả khác. Sự tồn tại lâu dài của đại sứ quán “dởm” này phải có sự tiếp tay, chống lưng, làm ngơ của các quan chức biến chất Ghana.

Tuy đã thông báo sự hoạt động bất hợp pháp của đại sứ quán “dởm” này nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ lại không thông báo có bao nhiêu người đã vào được Mỹ nhờ giấy tờ do tổ chức giả nói trên cung cấp, cũng như không nói rõ cách thức những người này kiếm được các loại giấy tờ chính thức này ra sao. Trong quá trình lục soát trụ sở đại sứ quán “dởm” nói trên, lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 150 visa và hộ chiếu của 10 quốc gia khác nhau. Theo hãng CNN, không phải đến bây giờ, tổ chức này mới lộ tẩy mà từ mùa hè năm 2015, nó đã rơi vào tầm ngắm của các cơ quan chức năng Ghana và Mỹ. Cũng  trong chiến dịch truy quét nói trên, cảnh sát còn phát hiện thêm một đại sứ quán Hà Lan “dởm” khác tồn tại ở Accra. Riêng vụ sau, cả Ghana lẫn Hà Lan chưa có ý kiến chính thức nên báo chí chưa vào cuộc.

Đại sứ quán Mỹ “dởm” (trái) và đại sứ quán Mỹ thật tại Accra.
Đại sứ quán Mỹ “dởm” (trái) và đại sứ quán Mỹ thật tại Accra.

BBC trích dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, việc điều hành đại sứ quán giả này do các thành viên băng nhóm tội phạm có tổ chức người Ghana và Thổ Nhĩ Kỳ và một số luật sư người Ghana. Phần lớn đều là công dân Thổ Nhĩ Kỳ nói thạo tiếng Anh và Hà Lan. Đại sứ quán “dởm” đặt tại tòa nhà tạm bợ, xập xệ khác hẳn với toà đại sứ quán thật của Mỹ ở Cantonments, ngoại ô Accra. Đề cập đến các hoạt động của đại sứ quán giả này, phóng viên Sammy Darko của BBC đã cho Chương trình truyền hình “Focus on Africa” hay, do không tìm hiểu nên rất nhiều người vẫn vô tư xếp hàng trước đại sứ quán giả để làm thủ tục, không hề hay rằng đại sứ quán Mỹ thật nằm ở Cantonments, ngoại ô Accra; nhất là khi thấy ở đại sứ quán “dởm” có những người da trắng nói tiếng Anh. Đại sứ quán Mỹ “dởm” còn đưa ra chiêu lừa cực kỳ tinh vi, không chấp nhận các cuộc gặp phỏng vấn xin thị thực mà không hẹn trước. Chưa hết, chúng còn cử người đến những nơi hẻo lánh, nhất là vùng Tây Phi để tìm khách hàng, đưa về Accra, thuê khách sạn gần đại sứ quán giả... tất cả những điều này đã làm cho các con mồi nhanh chóng sa bẫy", thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.

Để dễ bề hoạt động, đại sứ quán giả đã đút lót cho các quan chức tham nhũng để được làm ngơ. Bằng chứng, khi bị kiểm tra đột xuất vào hôm 2-11-2016, các nhà chức trách chỉ bắt giữ được vài nghi phạm là nhân viên quèn,  thu được 150 hộ chiếu từ 10 nước. Thực ra đây không chỉ là lần đầu vụ việc được cảnh báo mà trước đó, từ hồi tháng 6-2016, nhờ thông tin của nhân chứng cung cấp, dư luận đã biết được có tới hai đại sứ quán giả của Mỹ và Hà Lan cùng tồn tại ở thủ đô Ghana. Nhưng không hiểu sao mãi đến ngày 2-12-2016, khi trang tin Ghanabusinessnews.com dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ thì các báo lớn của Mỹ mới vào cuộc.  Theo tờ Washington Post, đại sứ quán Mỹ giả ở Ghana đã hoạt động suốt 10 năm, treo cờ Mỹ và cấp thị thực với giá 6.000 USD. Ngoài ra, nhiều giấy tờ khác như giấy ID (nhận dạng), hồ sơ ngân hàng, bằng cấp học tập, giấy khai sinh... cũng được đại sứ quán giả này cấp. Rất có thể những kẻ lừa đảo đã hối hộ quan chức chính phủ để có những giấy tờ hợp pháp này chưa ghi thông tin để bán khống cho khách hàng. Theo các chuyên gia về xuất nhập cảnh, việc di cư tới Mỹ là giấc mơ lớn đối với nhiều người Ghana, họ tin rằng đây là cơ hội để đổi đời, một khi bị từ chối có nghĩa giấc mơ bị tàn lụi nên đã làm mọi cách để đạt mục tiêu trong khi kiến thức xã hội của họ có hạn nên rất dễ bị lừa, mất tiền.

Ngược lại với thủ tục ở đại sứ quán “dởm”, đại sứ quán Mỹ thật ở Cantonments, ngoại ô Accra vẫn cấp visa nghiêm túc cho các đối tượng có  nguyện vọng đi lại giữa hai quốc gia với những thủ tục hết sức rõ ràng, minh bạch. Chị Adelaide Arthur, người Ghana đến làm việc tại đại sứ quán Mỹ thật ở Cantonments cho biết: "Các tòa nhà ở đây khang trang, sạch sẽ theo đúng tầm cỡ đại sứ quán, tại đây không chỉ có đại sứ quán Mỹ mà còn có đại sứ quán của các nước khác như Nam Phi, Italia và Hàn Quốc. Mọi việc đều công khai, minh bạch, không phải mất chi phí, nếu được chấp thuận đến Mỹ, thủ tục sẽ hoàn thành nhanh gọn theo đúng tiến độ do đại sứ quán Mỹ quy định”.

NKN (Dịch từ CNN/BBC-12/2016)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.