Thỏa thuận EU - Thổ Nhĩ Kỳ liệu có chết yểu?
Được kỳ vọng là giải pháp cho khủng hoảng di cư tại châu Âu nhưng Thỏa thuận EU - Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ bởi những bất đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phương Tây.
Ngày 18-3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết ông tin tưởng Quốc hội nước này sẽ thông qua quyết định khôi phục án tử hình sau cuộc cuộc trưng cầu dân ý vào tháng tới, trong một động thái có thể chấm dứt nỗ lực của Ankara gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Tuyên bố trên của Tổng thống Erdogan được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Ankara và châu Âu trở nên căng thẳng sau khi Đức và Hà Lan ngăn cản các bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch vận động cho cuộc trưng cầu dân ý dự kiến diễn ra vào ngày 16-4 nhằm tăng cường quyền lực cho ông Erdogan.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Ảnh: Sputnik) |
Thổ Nhĩ Kỳ đã bãi bỏ hoàn toàn án tử hình vào năm 2004 như một phần trong các nỗ lực gia nhập EU và khối này cũng tuyên bố rõ ràng rằng bất cứ động thái nào nhằm khôi phục hình phạt này sẽ đặt dấu chấm hết cho hy vọng trở thành thành viên EU của Ankara.
Tổng thống Erdogan đã đưa ra ý tưởng áp dụng trở lại án tử hình sau cuộc đảo chính quân sự bất thành hôm 15-7-2016, rằng hình phạt này sẽ mang lại sự công bằng cho các gia đình nạn nhân.
Các quan chức EU đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng việc khôi phục án tử hình sẽ đồng nghĩa với sự chấm dứt các nỗ lực trong hàng thập kỷ qua của Ankara nhằm gia nhập khối này. Tuy nhiên, ông Erdogan và các bộ trưởng trong Nội các Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố họ cần phải đáp ứng yêu cầu của dân chúng trong cách thức xử lý những kẻ cầm đầu vụ đảo chính hồi tháng 7 năm ngoái. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thêm ông không quan tâm đến việc châu Âu nghĩ gì về động thái này của Ankara.
Ngày 20-3 đánh dấu tròn một năm Thỏa thuận di cư gây tranh cãi giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ có hiệu lực. Không được như kỳ vọng, nhiều tổ chức cứu trợ cảnh báo, thỏa thuận vốn được đánh giá là yếu tố quan trọng trong chiến lược toàn diện của EU về vấn đề di cư lại đang đẩy những người khốn khổ vào đường cùng, trong khi con đường gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang xa vời hơn bao giờ hết.
Đánh giá 1 năm thực hiện thỏa thuận, người phát ngôn Ủy ban châu Âu Alexander Winterstein cho rằng, mặc dù còn nhiều thách thức nhưng năm đầu tiên thực hiện thỏa thuận EU - Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được những kết quả cụ thể. Theo đó, số người tị nạn cố gắng đến châu Âu thông qua các con đường nguy hiểm và số người thiệt mạng trên biển giảm đáng kể so với cùng kì năm trước. EU đã tích cực hỗ trợ tài chính khoảng 3 tỉ euro trong năm 2016 và 2017 cho Thổ Nhĩ Kỳ, thực hiện các dự án giúp đỡ người tị nạn.
Theo ông Winterstein, cùng với nỗ lực của EU và tất cả các bên liên quan, Thỏa thuận này đã trở thành một yếu tố quan trọng trong cách tiếp cận toàn diện của EU về vấn đề di cư.
Bên cạnh những kết quả mà Thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ mang lại sau 1 năm thực hiện, một điều mà các quan chức châu Âu không đề cập trong “chiến lược toàn diện” này là cuộc sống và sức khỏe của hàng nghìn người di cư vẫn đang bị mắc kẹt trên các hòn đảo của Hy Lạp. Nhiều tổ chức như Hội đồng cứu trợ quốc tế (IRC), Hội đồng cứu trợ Na Uy (NRC) hay Oxfam đều cho rằng, thỏa thuận này đã đẩy người di cư tới những rủi ro và nguy cơ bị lạm dụng, hay nói cách khác châu Âu đang tạo ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm.
Theo thỏa thuận, bất kể người di cư nào tới Hy Lạp mà không có giấy tờ hợp lệ đều sẽ bị trục xuất trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Song các quy trình xét duyệt tị nạn phức tạp, trong khi danh sách chờ đợi ngày càng dài hơn, khiến khoảng 14.000 người mắc kẹt tại 5 hòn đảo của Hy Lạp, gây ra tình trạng quá tải ở các địa phương. Theo các tổ chức cứu trợ, sự trì trệ khiến cơ hội được giúp đỡ "dần tuột khỏi tầm tay" những người cần được bảo trợ nhất. Những khó khăn nảy sinh kể từ khi thỏa thuận được thực hiện khiến nhóm người tìm kiếm tị nạn này suy sụp tinh thần nhanh hơn, họ dễ tuyệt vọng bế tắc hơn khi phải chờ đợi quá lâu trong điều kiện hết sức khó khăn.
Trong khi tương lai của những người di cư và tìm kiếm tị nạn cũng đối mặt với sự bấp bênh thì Thỏa thuận di cư luôn được đưa ra làm tối hậu thư, mỗi khi mối quan hệ giữa châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ gặp sóng gió.
Số phận của người di cư luôn được lấy ra làm quân bài mặc cả mỗi khi quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - EU gặp sóng gió. (Ảnh: DPA) |
Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước EU đang lún sâu vào "vòng xoáy" chỉ trích lẫn nhau sau khi một số quốc gia như Đức, Hà Lan, Đan Mạch không chấp nhận cho các bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tới vận động chính trị. Các quan chức Đức cho rằng, con đường gia nhập vào EU của Thổ Nhĩ Kỳ đang xa vời hơn bao giờ hết.
Đáp trả bước đi này của các nước châu Âu, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo, đã đến lúc nước này "cần xem xét lại" thỏa thuận với Liên minh châu Âu. Thậm chí, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu tối 16-3 đã đe dọa sẽ khiến châu Âu phải "đau đầu" bằng việc đẩy 15.000 người tị nạn mỗi tháng sang lãnh thổ EU.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas De Maiziere ngày 18-3 một lần nữa kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ hãy tôn trọng thỏa thuận di cư với Liên minh châu Âu: “Tôi đã nghe nhiều bình luận từ phía Thổ Nhĩ Kỳ và họ đang muốn gây sức ép với EU. Điều đó sẽ không xảy ra. Đây là một thỏa thuận và chúng ta phải tuân thủ nó. Tôi hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ làm như vậy”.
EU gần đây cũng bắt đầu tính đến "phương án B” nhằm đối phó với khả năng làn sóng người di cư tràn vào châu Âu nếu thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ thất bại, trong đó có khả năng hợp tác với Ai Cập và Tunisia.
Hà Dương (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc