Multimedia Đọc Báo in

Vụ tấn công ở sân bay Orly: Pháp lại "tê liệt" vì choáng váng

08:22, 21/03/2017

Không phải thương vong lớn hay kế hoạch tấn công tinh vi mà chính sự cực đoan, điên rồ, cùng quẫn của thủ phạm tấn công sân bay Orly làm giới chức Pháp một lần nữa lúng túng.

Tối 18-3, Công tố viên Paris Francois Molins tổ chức họp báo, thông báo kết quả điều tra ban đầu về đối tượng tấn công lực lượng quân đội làm nhiệm vụ tuần tra tại sân bay Orly, phía Nam Paris vào sáng cùng ngày và đã bị lực lượng này tiêu diệt.

Vào 6 giờ 50 ngày 18-3, kẻ tấn công đã dùng súng ngắn bắn vào một nhóm đi tuần tại khu Stains (Seine-Saint-Denis) thuộc ngoại ô phía bắc Paris, cách Orly khoảng 40 km, làm một cảnh sát bị thương nhẹ ở mặt, và chạy trốn trên một chiếc xe Clio mầu trắng.

Đối tượng Ziyed Ben Belgacem. (Nguồn: Uninas-Getty)
Đối tượng Ziyed Ben Belgacem. (Ảnh: Uninas-Getty)

Kẻ tấn công tên là Zyed Ben Belgacem, sinh ngày 14-2-1978 tại Paris. Tên của y không nằm trong hồ sơ S (An ninh quốc gia) của lực lượng tình báo Pháp nhưng nằm trong hồ sơ J (Justice), có nghĩa là hồ sơ về những người có tiền án tiền sự về các vấn đề hình sự. Hồ sơ của Belgacem ghi 8 loại tội, trong đó có các hành vi trộm cắp nguy hiểm và vận chuyển ma túy. Belgacem đã nhiều lần ở tù, lần cuối vào tháng 3-2016.

Theo Công tố viên François Molins, trong thời gian ở tù trong các năm 2011-2012, Zyed Ben Belgacem đã tiếp thu các tư tưởng cực đoan và đây là "con đường đã đưa y đến với bạo lực và cực đoan hóa". Từ năm 2015, hắn đã là đối tượng giám sát của chính quyền trong khuôn khổ của lệnh tình trạng khẩn cấp. Theo các nhân chứng, khi tấn công nữ bảo vệ, Belgacem đã hét lên: "Sẵn sàng chết vì thánh Allah".

Người ta tìm thấy trong túi của Belgacem một quyển kinh Koran, 750 euro tiền mặt và một can đựng xăng. Khám xét nhà đối tượng tại Garges-lès-Gonesse, người ta tìm thấy cocain và ngoại tệ.

Thực tế cho thấy, hành động của tên này phù hợp với lời kêu gọi các tổ chức khủng bố thánh chiến được tuyên truyền trên Internet và mạng xã hội. Đó là: Làm cho cái chết trở nên có ý nghĩa bằng hành động bạo lực nhằm gây hậu quả nghiêm trọng và reo rắc thêm nỗi sợ hãi cho người dân đồng thời thách thức các cơ quan chức năng.

Hiện Cơ quan công tố Paris vẫn đang tiếp tục cuộc điều tra y với tội danh "âm mưu giết người và trộm cắp có vũ khí" đồng thời xác định động cơ hành động của tên này và xác định xem y hành động một mình hay với ai khác. Vụ việc khiến sân bay Orly bị phong tỏa, trên 3.000 người phải sơ tán, 178 chuyến bay bị hủy hoàn toàn, 34 chuyến phải đổi hướng hạ cánh tại sân bay Roissy-Charles-de-Gaulle và Beauvais.

Vụ việc này xảy ra ngay sau 2 sự kiện thiếu niên 16 tuổi xả súng tại trường trung học Tocqueville, thành phố Grasse, miền nam nước Pháp, làm 8 người bị thương và  vụ nổ bom thư tại văn phòng Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ở Paris (cùng ngày 6-3) dấy lên sự lo lắng về an ninh trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Pháp.

Các ứng cử viên Tổng thống Pháp đã nhanh chóng phản ứng sau vụ tấn công này.

Ứng cử viên bảo thủ Francois Fillon cho rằng nước Pháp đang ở trong “tình trạng nội chiến ảo”, qua đó phản đối đề xuất dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp được áp dụng từ sau vụ tấn công tháng 11-2015. Ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, người chủ trương chống nhập cư và phản đối sự hội nhập sâu rộng hơn của Liên minh châu Âu (EU), cho rằng chỉ thiếu chút nữa kẻ tấn công ở sân bay Orly đã gây ra “một cuộc thảm sát” khác. “Chính phủ của chúng ta bị choáng váng, tê liệt như một chú thỏ trước ánh đèn” – bà Marine Le Pen nhận định.

Và nước Pháp đã nhiều lần choáng váng như thế trong 2 năm qua.

Giao thông ở sân bay Orly đã trở lại bình thường sau vụ tấn công ngày 18-3 song lực lượng an ninh vẫn cảnh giác cao độ. Ảnh: AFP.
Giao thông ở sân bay Orly đã trở lại bình thường sau vụ tấn công ngày 18-3 song lực lượng an ninh vẫn cảnh giác cao độ. (Ảnh: AFP).

Trong một diễn biến khác, theo hãng tin ANSA, nhà cầm quyền Italy dự kiến nhiều khả năng những phần tử cực đoan người nước ngoài sẽ trà trộn vào một cuộc biểu tình theo kế hoạch được tổ chức ở Rome vào ngày 25-3 để phản đối Liên minh châu Âu (EU) nhân dịp lễ kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước Rome.

Các nguồn tin cho biết, có nguy cơ những phần tử cực đoan từ Hy Lạp, Pháp và Đức có thể thâm nhập vào đoàn người biểu tình. 

Lực lượng an ninh Italy dự kiến sẽ tăng cường an ninh tối đa tại hai khu vực ở thủ đô để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh EU nhằm kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước Rome. Khu vực thứ nhất được gọi là vùng xanh da trời, nơi các nhà lãnh đạo EU có thể di chuyển, đi lại an toàn. Khu vực thứ hai được gọi là vùng xanh lá cây, hay còn gọi là vùng đệm, với 18 điểm kiểm soát an ninh ra vào.

Hồng Như (Theo VOV, Vietnam+)


Ý kiến bạn đọc