Multimedia Đọc Báo in

Diễn biến mới xung quanh sự kiện Brexit

20:55, 02/04/2017

Chính quyền Scotland ngày 31-3 đã chính thức thông báo với Thủ tướng Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland Theresa May về đề nghị của Scotland tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ 2 về nền độc lập.

Động thái này được cho là càng làm trầm trọng cuộc khủng hoảng khởi nguồn từ cuộc trưng cầu dân ý về việc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

Trong một tuyên bố, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon cho biết, Scotland có quyền lựa chọn cho tương lai của mình: “Tôi tôn trọng quan điểm của những người không lựa chọn độc lập. Một nguyên tắc cơ bản là hoàn cảnh thay đổi sẽ khiến một quốc gia thay đổi theo, tương lai của chúng ta sẽ quyết định bởi chính chúng ta. Khi thời cơ đến, người dân Scotland cần phải có được cơ hội để lựa chọn cho tương lai của mình”.

Những người ủng hộ độc lập tuần hành tại Quảng trường George ở Glasgow, Scotland. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Những người ủng hộ độc lập tuần hành tại Quảng trường George ở Glasgow, Scotland. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào tháng 6-2016, khác với cử tri Anh và xứ Wales, phần lớn cử tri Scotland và Bắc Ireland đã bỏ phiếu ở lại Liên minh châu Âu (EU). Ngày 28-3, Quốc hội Scotland nhất trí tiến hành cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2018 hoặc 2019; tuy nhiên, phải được Quốc hội Anh phê chuẩn thì cuộc bỏ phiếu này mới thành hiện thực.

Trước đó, chính quyền London đã nhanh chóng bác bỏ đề nghị của chính quyền Scotland và Thủ tướng Theresa tuyên bố, lúc này không phải là thời điểm thích hợp cho một cuộc trưng cầu dân ý, khi mà tiến trình đàm phán kéo dài hai năm về cuộc ly hôn giữa Anh và EU vừa được kích hoạt.

Dù trong cuộc trưng cầu đầu tiên về nền độc lập vào năm 2014, 55% cử tri Scotland đã bỏ phiếu phản đối, song bà Sturgeon cho rằng, tình hình đã thay đổi khi Anh buộc phải rời EU trong khi Scotland kiên quyết muốn ở lại “mái nhà chung”.

Cũng liên quan đến vấn đề Brexit, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker mới đây cho biết ông có thể khuyến khích hàng loạt bang của nước Mỹ ly khai. Lời bông đùa này được xem là để đáp trả việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai ủng hộ mạnh mẽ việc Anh rời khỏi EU vừa được chính thức khởi động ngày 29-3 vừa qua.

“Tân Tổng thống Mỹ lấy làm vui vì Brexit diễn ra và đang đề nghị những nước khác cũng làm như vậy”, ông Juncker chia sẻ với các chính trị gia thuộc nhóm Dân chủ Cơ đốc giáo của EU tại một cuộc gặp ở Malta. “Nếu ông ấy cứ như thế, tôi sẽ khuyến khích nền độc lập của bang Ohio và thủ phủ Austin của bang Texas ở Mỹ”.

Đằng sau lời nói đùa này là sự giận dữ thực sự của các quan chức EU khi ông Trump “đổ thêm dầu” vào ngọn lửa Brexit với việc kêu gọi các nước khác trong khối này nối gót nước Anh.

Các lãnh đạo của nhóm đảng Nhân dân châu Âu, bao gồm cả Thủ tướng Đức Angela Merkel and và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã nhóm họp ngày 30-3, một ngày sau khi Thủ tướng Anh Theresa May chính thức thông báo khởi động tiến trình Brexit dự kiến kéo dài trong 2 năm. “Brexit không phải là sự kết thúc của tất cả mọi việc, chúng ta phải xem nó như là một sự khởi đầu mới”, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker khẳng định.

Ông Donald Tusk thì cho rằng quyết định của Anh chỉ làm EU “thêm quyết tâm”, đồng thời khẳng định khối này sẽ duy trì sự đoàn kết “trong tương lai và trong suốt quá trình đàm phán khó khăn” với nước Anh. Trong khi đó, bà Merkel, lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất châu Âu và cũng là nước có tiếng nói lớn nhất trong thỏa thuận cuối cùng với Anh, đã không đề cập Brexit một cách trực tiếp trong bài phát biểu của mình nhưng cũng tái khẳng định sự đoàn kết của khối. “Nhiều người đang nói rằng thế giới và châu Âu đang đi chệch đường ray”, bà Merkel nói. “Nếu châu Âu cùng nhau hành động thì chúng ta có thể làm tốt hơn rất nhiều so với khi chúng ta tự hành động trong một thế giới không ngủ yên như hiện nay”.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng công bố kế hoạch sơ bộ về tiến trình đàm phán Brexit, theo đó khẳng định 27 nước thành viên đã sẵn sàng cho một thỏa thuận quá độ sau khi Anh có thể rời khỏi EU vào tháng 3-2019, song bác bỏ đề xuất của Thủ tướng Anh Theresa May về việc tiến hành đồng thời các cuộc đàm phán liên quan đến Brexit và thúc đẩy quan hệ tương lai giữa Anh và EU.

Kế hoạch sơ bộ của Chủ tịch Hội đồng châu Âu gửi đến 27 nước thành viên nêu rõ tiến trình đàm phán về Brexit giữa Anh và EU phải đạt được “tiến bộ cụ thể” trước khi hai bên tiến hành các cuộc thương lượng xây dựng quan hệ đối tác mới trong tương lai. Ông Tusk một lần nữa cảnh báo Anh phải thực hiện mọi cam kết và nghĩa vụ tài chính gắn liền với tư cách thành viên của EU trước khi hoàn tất “cuộc chia tay” với khối thị trường chung này. Kế hoạch sơ bộ nói trên có thể sẽ được điều chỉnh trong tháng 4 tới trước khi được trình tại Hội nghị đặc biệt của EU về Brexit, dự kiến diễn ra vào ngày 29-4.

Ảnh minh họa (Ảnh: BBC)
Ảnh minh họa (Ảnh: BBC)

Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh David Davis cũng đã công bố sách trắng giới thiệu dự luật “Hủy bỏ lớn” với nhiều kế hoạch khác nhau nhằm hủy bỏ và thay thế các luật lệ của Liên minh châu Âu (EU), bằng luật pháp Anh. Tuy nhiên, các phán quyết trước đây của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) vẫn tiếp tục có hiệu lực ở nước này.

Công bố sách trắng giới thiệu dự luật “Hủy bỏ lớn” là bước đi đầu tiên mà Anh triển khai nhằm chấm dứt thời kỳ độc tôn của luật pháp Liên minh châu Âu tại đảo quốc sương mù. Trong sách trắng, Chính phủ Anh nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tạo dựng cơ sở pháp lý vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp và cả các cá nhân trong và sau tiến trình Brexit.

Giới chuyên gia cảnh báo Quốc hội Anh có thể sẽ lâm vào tình trạng quá tải khi xem xét dự luật cả thời điểm trước và sau khi Anh rời khỏi EU. Các chuyên gia giải thích rằng Hạ viện Anh khó có thể xem xét thấu đáo toàn bộ các luật lệ mới. Trong khi đó, một số nước châu Âu lo ngại rằng phía Anh sẽ tìm cách điều chỉnh luật lệ và cắt giảm thuế để thu hút doanh nghiệp châu Âu sau khi hoàn tất tiến trình Brexit.

An Nhiên (Theo VOV, Vietnam+)




 


Ý kiến bạn đọc