Multimedia Đọc Báo in

Anh khởi động tiến trình lịch sử rời Liên minh châu Âu

14:28, 20/06/2017

Ngày 19-6, Liên minh châu Âu (EU) và nước Anh đã nhất trí được về các vấn đề ưu tiên, lịch trình và cách thức tổ chức đàm phán về việc nước Anh rời khỏi EU (gọi là Brexit), sau cuộc gặp đầu tiên tại Brussels giữa hai nhà đàm phán của phía EU Michel Barnier và phía Anh David Davis.

Phát biểu với báo giới sau khi kết thúc cuộc đàm phán đầu tiên, ông Barnier thông báo hai bên đã thiết lập được các nhóm làm việc, bao gồm các chuyên gia của cả hai phía, để xử lý các hồ sơ cần thiết nhất vào thời điểm này, đó là các nội dung liên quan đến quyền công dân, vấn đề tất toán tài chính cùng một số vấn đề khác nảy sinh từ cuộc "ly dị".

Theo thời hạn đã được hai bên thống nhất xác định, các cuộc đàm phán sẽ được tổ chức mỗi tháng một lần trong thời gian từ 17-7 đến 9-10 tới.

Mục tiêu được cả EU và Anh thống nhất vạch ra là đến mùa thu, hai bên sẽ chuyển sang giai đoạn đàm phán về các nội dung liên quan đến vấn đề quan hệ thương mại trong tương lai giữa EU với đất nước đã từng là thành viên của khối.

EU và Anh cũng đã thống nhất đặt vấn đề hóc búa về biên giới giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland trực tiếp dưới quyền của hai trưởng đoàn đàm phán Barnier và Davis.

Bộ trưởng phụ trách Brexit của nước Anh David Davis thông báo vấn đề về quyền công dân, chủ yếu liên quan tới khoảng 3 triệu công dân EU định cư tại Anh và hơn một triệu công dân Anh sinh sống trên lãnh thổ của EU sẽ được Thủ tướng Anh Theresa May đề cập tại Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra vào cuối tuần này tại Brussels. Ông Davis nêu rõ rằng bà May sẽ trực tiếp nêu ra đề xuất về vấn đề này với 27 người đồng cấp châu Âu trong dịp Hội nghị thượng đỉnh EU.

Ông Davis đánh giá đây là thời điểm bắt đầu "một hành trình dài" đối với Anh và Liên minh châu Âu, đồng thời đưa ra nhận định hành trình tuy dài nhưng có "điểm xuất phát đầy hứa hẹn".

Về phần mình, ông Barnier cho biết hai bên sẽ công bố vào ngày 26-6 tới một bản tài liệu chi tiết trình bày các đường hướng chính của cuộc đàm phán. Ông cũng bày tỏ tin tưởng đó sẽ là cơ sở tốt để đi đến đạt được một thỏa thuận chấp nhận được đối với cả hai bên. Các vấn đề ưu tiên sẽ được các bên thảo luận một cách chi tiết tại mỗi vòng đàm phán với ngôn ngữ sử dụng được xác định là tiếng Anh và tiếng Pháp. Ông Barnier nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán sẽ phải kết thúc từ nay đến tháng 10-2018 để cho phép các bên phê chuẩn thỏa thuận cuối cùng vào tháng 3-2019.

Trưởng đoàn đàm phán về Brexit của EU Michel Barnier (phải) và Bộ trưởng phụ trách Brexit của Anh David Davis. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trưởng đoàn đàm phán về Brexit của EU Michel Barnier (phải) và Bộ trưởng phụ trách Brexit của Anh David Davis. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond tuyên bố chính phủ nước này mong muốn Anh và EU có thể đạt được một thỏa thuận để hai bên cùng có lợi. Ông cho biết khi bước vào đàm phán, hai bên sẽ thảo luận trên tinh thần hợp tác chân thành, thông qua một cách tiếp cận thực tế để tìm ra một giải pháp có lợi cho cả nước Anh và EU. Theo ông Hammond, bức thư của Thủ tướng May thông báo về Brexit  gửi vào tháng 3 vừa qua là cơ sở cho các cuộc đàm phán của nước Anh, điều đó cho thấy khởi điểm của đàm phán là một Brexit “cứng”.

Tiến trình đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu dự kiến sẽ kéo dài 2 năm, với nhiều vấn đề phức tạp chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hình thành EU. Chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May từng lên các kế hoạch Brexit “cứng”, bao gồm rời khỏi thị trường chung EU, đạt một thỏa thuận hải quan mới và hạn chế người nhập cư từ châu Âu. Tuy nhiên, việc mất thế đa số trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua có thể sẽ định hình lại kế hoạch Brexit của Anh. Hiện bà May đang chịu áp lực ngày càng tăng từ phía các nhà lập pháp trong đảng Bảo thủ của bà yêu cầu bà có lập trường mềm mỏng hơn.

Trong khi đó, hôm 18-6, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho biết, cánh cửa vẫn để ngỏ cho người Anh nếu nước này thay đổi quyết định và tiếp tục ở lại Liên minh châu Âu. “EU vẫn để ngỏ cánh cửa cho người Anh. Tuy nhiên, đây là quyết định của Quốc hội Anh và người dân Anh. Có thể họ sẽ đảo ngược quyết định nhưng cũng có thể giữ nguyên quyết định Brexit. Đây là quyết định mà chỉ người Anh mới có thể đưa ra”, ông Gabriel nói. Ngoại trưởng Đức Gabriel cũng nói rằng, có cơ hội cho một kịch bản Brexit “mềm” để duy trì nước Anh trong thị trường đơn nhất của khối này, song cảnh báo Anh không thể tự lựa chọn các điều kiện của mình.

Ông cho rằng việc ở lại thị trường chung châu Âu sẽ đòi hỏi Anh chấp nhận sự tự do đi lại của các lao động EU. Nước Anh cũng sẽ phải chấp nhận quyền tài phán của Tòa Tư pháp châu Âu, hay ít nhất một tòa án chung của cả hai bên và về nguyên tắc phải tuân thủ các phán quyết của Tòa Tư pháp châu Âu.

Giới quan sát nhận định đối với nhiều người chủ trương Brexit, những điều kiện mà Ngoại trưởng Đức đưa ra sẽ không thể chấp nhận được vì chiến dịch trưng cầu ý dân của Anh hồi năm ngoái tập trung vào việc giành lại quyền kiểm soát đối với luật pháp và nhập cư từ EU.

Hồng Như (Theo VOV, Vietnam+)


Ý kiến bạn đọc