Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh vẫn chưa hạ nhiệt
Dù đã kéo dài 1 tuần nhưng cuộc khủng hoảng tại vùng Vịnh giữa Qatar và một số quốc gia láng giềng hiện vẫn chưa có nhiều dấu hiệu giảm nhiệt.
Ngoại trưởng Đức Gabriel ngày 11-6 cảnh báo, những xung đột mới nhất giữa Qatar với các nước có thể châm ngòi cho một cuộc chiến. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bày tỏ quan ngại rằng cuộc khủng hoảng ngoại giao đang diễn ra đã làm cản trở các hoạt động quân sự và kinh doanh của Mỹ trong khu vực, cũng như ảnh hưởng tới chiến dịch chống IS và gây ra nhiều hậu quả về mặt nhân đạo.
Hành khách tại sân bay quốc tế Hamad ở Doha, Qatar. (Ảnh: Reuters) |
Giữa lúc căng thẳng vùng Vịnh đang dâng cao, hải quân Iran thông báo triển khai 2 chiến hạm đến Oman, quốc gia có chung biên giới với 3 trong số nhóm nước căng thẳng với Qatar là Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất và Yemen. Sự can dự này của Iran được giới quan sát nhận định sẽ càng làm phức tạp thêm tình hình vốn đã “căng như dây đàn” khi vùng Vịnh đang chứng kiến một cuộc “tẩy chay” chưa từng có tiền lệ khi đồng loạt các nước cùng tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vì cáo buộc nước này tài trợ cho khủng bố. Bị 9 quốc gia “từ mặt”, Qatar đang đứng trước sức ép lớn từ cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất khu vực Trung Đông kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Cuộc khủng hoảng tại vùng Vịnh đang khiến nhiều quốc gia bày tỏ quan ngại về những bất ổn leo thang trong khu vực và nhiều nỗ lực ngoại giao vẫn đang được tiến hành.
Chủ tịch Liên minh Châu Phi (AU) Alpha Conde ngày 11-6 đã đề xuất làm trung gian cho cuộc khủng hoảng giữa Qatar và các nước vùng Vịnh, kêu gọi các bên đối thoại sau khi một số nước châu Phi cũng triệu đại sứ tại Doha về nước.
Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng hối thúc Qatar và các nước láng giềng ở Vùng Vịnh sớm có những bước đi nhằm giải quyết tranh cãi hiện nay. Lời kêu gọi này được ông Lavrov đưa ra trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Qatar đang có mặt ở Nga sau chuyến thăm Đức và Liên minh châu Âu trong một chiến dịch ngoại giao nhằm kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. “Chúng tôi không thể vui vẻ khi quan hệ giữa các đối tác đang xấu đi. Chúng tôi kêu gọi giải quyết tất cả các mâu thuẫn tại bàn đàm phán thông qua các cuộc đối thoại về những điều khoản bình đẳng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau giữa các bên”, ông Lavrov nói.
Kuwait cũng đang có nhiều nỗ lực xoa dịu căng thẳng tình hình khu vực. Ngoại trưởng nước này Sabah al-Khalid al-Sabah khẳng định, Qatar sẵn sàng lắng nghe quan ngại từ các bên khác. Trước mắt, chính quyền Qatar thông báo không trục xuất công dân các nước đã cắt quan hệ với mình.
Bộ Nội vụ Qatar khẳng định không thay đổi chính sách đối với người dân “các nước anh em và hữu nghị đã cắt hoặc giảm quan hệ ngoại giao sau các chiến dịch ác liệt và thù địch chống lại Qatar”.
Tuy nhiên bất chấp sự xuống thang của Qatar khi “dịu giọng” trong các chính sách ngoại giao của mình cũng như việc Kuwait đứng ra làm trung gian hòa giải, khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh tiếp tục trầm trọng hơn khi hàng loạt các ngân hàng Arab cắt quan hệ với Qatar. Ngày 11-6, Ngân hàng Trung ương Bahrain đã ra lệnh cho các ngân hàng đóng băng tài sản cũng như tài khoản của 59 cá nhân và 12 thực thể có liên quan đến Qatar.
Cuộc chiến tranh ngoại giao nhằm vào Qatar bùng phát trong khu vực Trung Đông, nơi đang chứng kiến liên tiếp những biến động chính trị, an ninh và kinh tế-xã hội vô cùng phức tạp, khiến các nhà quan sát đặt ra nhiều giả thuyết khác nhau để lý giải hiện tượng này.
Người dân Qatar mua lương thực tại một siêu thị ở Doha. (Ảnh: EPA) |
Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy những diễn biến gần đây ở Vùng Vịnh không diễn ra một cách độc lập mà là những mắt xích gắn kết với nhau. Trong thực tiễn quan hệ đối ngoại xưa nay gần như chưa từng xảy ra chuyện nhiều nước đồng thời cắt đứt quan hệ ngoại giao của họ với một nước mà thường chỉ thấy có một nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với một nước khác và sau đó có những nước khác làm theo. Chính vì vậy, làn sóng tẩy chay đồng loạt này lần này cho thấy nhiều khả năng cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar không đơn thuần là cuộc xung đột giữa các nước Arab, mà đây có thể là khúc dạo đầu của một cuộc chiến tranh lớn đã được dàn dựng.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh lần này còn được ví như một “cơn địa chấn”, vì mức độ nghiêm trọng của nó còn lớn hơn rất nhiều so với cuộc tranh cãi gây chấn động từng xảy ra giữa Qatar và các nước vùng Vịnh hồi năm 2014. Hiện dấy lên nhiều quan ngại, nếu cuộc khủng hoảng không sớm được hạ nhiệt, thì khu vực Trung Đông sẽ tiếp tục phải hứng chịu những hệ lụy khôn lường từ những bất ổn và chia rẽ ngày càng có xu hướng lan rộng.
Hồng Như (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc