Mỹ và Iran phô diễn sức mạnh, xung đột leo thang ở Syria
Trong một dấu hiệu cho thấy nấc leo thang căng thẳng mới tại Syria, liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu hôm 18-6 đã lần đầu bắn hạ một máy bay chiến đấu của quân đội Syria. Trong khi đó, quân đội Iran cùng ngày cũng thông báo lần đầu tiên nã tên lửa vào lãnh thổ quốc gia Trung Đông đang chìm trong nội chiến này.
AP đưa tin, lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã lên tiếng cảnh báo tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng rằng các vụ tấn công tên lửa của Iran nhằm vào khu vực miền Đông Syria vào ngày 18-6 có thể lặp lại nếu các phần tử cực đoan này có hành động chống lại an ninh nước này. Trang tin điện tử của kênh truyền hình nhà nước Iran dẫn lời Tướng Ramazan Sharif ngày 19-6 nêu rõ: "Nếu chúng (IS) có hành động xâm phạm an ninh, chắc chắn sẽ có thêm nhiều vụ phóng nữa với sức mạnh gia tăng". Tướng Sharif đánh giá cuộc tấn công bằng 6 quả tên lửa với tầm bắn lên tới 700 km hôm 18-6 là "thành công" nhưng "hạn chế”.
Các thành viên SDF tuần tra tại Hazima, ngoại ô phía bắc Raqa. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Cuộc tấn công này nhằm đáp trả một vụ tấn công trước đó trong tháng 6 nhằm vào Quốc hội Iran và một đền thờ Hồi giáo tại thủ đô Tehran, khiến ít nhất 17 người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương.
Quân đội Syria cho rằng, việc bắn hạ 1 máy bay của quân đội Syria tại vùng nông thôn thuộc tỉnh Raqqa khi máy bay này đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu chống các tay súng IS là âm mưu nhằm phá hoại các nỗ lực của quân đội, vốn là lực lượng hiệu quả duy nhất trong cuộc chiến chống khủng bố trên khắp lãnh thổ của đất nước. Trong khi đó phía Mỹ cáo buộc máy bay quân sự Syria ném bom vào những vị trí gần các tay súng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn.
Những diễn biến này đã đánh dấu một nấc leo thang căng thẳng mới trong cuộc xung đột Syria và một lần nữa cho thấy cuộc chiến tranh kéo dài hơn suốt 6 năm qua tại quốc gia Trung Đông này đã biến thành một cuộc xung đột phức tạp, với sự gia tăng hoạt động của các tay súng thánh chiến Hồi giáo, cũng như sự can dự ngày càng sâu của các cường quốc khu vực và quốc tế.
Và một điều ngày càng rõ ràng là cuộc chiến tại Syria không chỉ còn là cuộc chiến giữa chính quyền nước này với các lực lượng đối lập nữa mà đã xuất hiện ngày càng nhiều các cặp đối đầu về lợi ích và ảnh hưởng.
Nếu như tại Iraq, Mỹ và Iran cùng chống một kẻ thù dù chiến đấu độc lập và tách biệt, thì tại Syria lại khác. Từ trước khi Syria bị cuốn vào cuộc nội chiến, nước này là một đối tác trọng yếu của Iran, giúp Iran củng cố vị thế trong khu vực, nơi mà người Mỹ không để lại nhiều ấn tượng.
Kể từ năm 2011, nội chiến Syria nổ ra, lực lượng Hezbollah và quân đội Iran đã chiến đấu cùng quân Chính phủ Syria, kể cả khi chính quyền Mỹ dưới thời ông Obama khẳng định Tổng thống Al-Assad sẽ không còn tại vị được bao lâu nữa.
Trong khi đó, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump kể từ khi lên cầm quyền hồi đầu năm nay có phần kiềm chế hơn trong cách tiếp cận trước đây của người tiền nhiệm đối với Syria, song cũng cam kết sẽ đưa ra một hướng tiếp cận mạnh mẽ hơn đối Iran. Tổng thống Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran và đe dọa hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân. Ông cũng tăng cường ủng hộ các lực lượng Arab đang chiến đấu chống lại phe nổi dậy mà Iran hậu thuẫn ở Yemen.
Tất cả những nỗ lực ấy khiến Mỹ và Iran có nguy cơ đối đầu cao hơn tại Syria. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng, cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran tại Syria mới chỉ ở giai đoạn thăm dò và sẽ còn phụ thuộc nhiều vào những biến động tại khu vực và thế giới thời gian tới.
Dương Hà (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc