Qatar yêu cầu các nước láng giềng dỡ bỏ phong tỏa nếu muốn đàm phán
“Qatar vẫn bị bao vây thì sẽ không có cuộc đàm phán nào”, đây là tuyên bố ngày 19-6 của Qatar đối với các quốc gia láng giềng Arab đang tìm cách phong tỏa nước này.
Phát biểu với báo giới tại thủ đô Doha, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani tuyên bố các biện pháp nhằm cô lập Qatar của Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và các nước khác là hành động gây hấn đồng thời nhấn mạnh điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán là chấm dứt các biện pháp này. Ngoại trưởng Qatar cũng nêu rõ các cuộc đàm phán phải diễn ra văn minh với một nền tảng vững chắc, không phải chịu áp lực hay bị cô lập.
Một nhà máy lọc dầu ở ngoại ô Doha, Qatar. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Tuyên bố của Ngoại trưởng Qatar được đưa ra sau khi Ngoại trưởng UAE cảnh báo sự cô lập ngoại giao đối với Doha có thể kéo dài nhiều năm, đồng thời tuyên bố sẽ không có giải pháp nào nếu Qatar không chấm dứt việc hỗ trợ khủng bố.
Ngoại trưởng Qatar tuyên bố nước này không nhận bất kỳ yêu cầu nào từ các nước vùng Vịnh hay từ các nước làm trung gian hòa giải bao gồm Kuwait, Mỹ, Pháp hay Anh. Ngoại trưởng Qatar cũng cho biết ảnh hưởng kinh tế đối với nước này cho đến nay là rất nhỏ song thừa nhận nước này đang không trong điều kiện lý tưởng. Ngoài ra, ông cũng lưu ý Pháp, Anh hay Mỹ, những nước có mối quan hệ đồng minh tốt với Qatar với một loạt thỏa thuận, cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng vùng Vịnh này một cách gián tiếp.
Có thể nói, những căng thẳng ngoại giao hiện nay ở Vùng Vịnh khiến các nước trong khối GCC và Arab đều bị tổn thất ít nhiều.
Những căng thẳng này dù chưa có dấu hiệu leo thang thành một cuộc chiến, nhưng các bên cũng chưa chịu nhượng bộ để đối thoại giải quyết bất đồng mà cộng đồng quốc tế cho rằng đó là giải pháp duy nhất. Hai tuần khủng hoảng đã gây thiệt hại cả về kinh tế, uy tín, cũng như cuộc sống của công dân các bên liên quan.
Bên cạnh việc rút các nhà ngoại giao về nước, công dân của ba nước vùng Vịnh gồm Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain cũng được lệnh rời khỏi Qatar trong vòng 14 ngày. Hết ngày 18-6 (theo giờ địa phương) là thời hạn cuối cùng giành cho công dân Qatar phải rời khỏi Saudi Arabia, UAE và Bahrain. Đến thời điểm hiện tại, hơn 1 triệu công nhân từ các quốc gia Arab đang sống và làm việc tại Qatar đã được đưa ra khỏi đất nước này và ngược lại.
Cùng với các động thái trên, việc các nước đồng loạt đóng cửa đường hàng không, đường bộ và đường biển với Qatar gây ra những tổn thất lớn về kinh tế. Tổn thất rõ nhất là hãng hàng không Qatar Airways phải hủy bỏ các chuyến bay đến hoặc đi qua không phận các quốc gia vùng Vịnh Arab, đồng thời phải đổi lịch trình bay theo cung đường vòng xa hơn, chủ yếu qua các không phận của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ (hàng trăm chuyến bay mỗi ngày).
Chỉ số giá cổ phiếu chính của Qatar đã giảm hơn 7% hồi tuần trước do lo ngại về môi trường đầu tư. Trong khi đó, một số thông tin cũng cho thấy, dự trữ lương thực thiết yếu và ngoại tệ tại các ngân hàng của Qatar đang thiếu hụt dần do các biện pháp cấm vận, phong tỏa. Cuộc sống của cộng đồng người nước ngoài đang làm việc tại Qatar cũng bị ảnh hưởng và có đôi chút xáo trộn.
Theo các chuyên gia, với khoảng 335 tỉ USD trong Quỹ thịnh vượng, Qatar dường như có thể để tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Là nước giàu có nhất thế giới do nguồn thu từ xuất khẩu khí hóa lỏng và thu nhập bình quân đầu người hằng năm khoảng 130.000 USD, cùng với mối quan hệ song phương và đa phương chặt chẽ, Qatar đã tạo được ảnh hưởng và có vai trò quan trọng.
Căng thẳng ngoại giao ở Vùng Vịnh khiến các nước trong khối GCC và Arab đều bị tổn thất ít nhiều. (Ảnh minh họa: Reuters) |
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn, việc xuất khẩu khí đốt của Qatar có thể bị gián đoạn, từ đó làm tê liệt nền kinh tế của nước này.
Các chuyên gia nhận định, những căng thẳng hiện nay, khiến các nước trong khối GCC và Arab đều bị tổn thất ít nhiều. Nhiều ngân hàng ở khu vực có thể sẽ phải tăng chi phí đi vay nước ngoài nếu những căng thẳng ngoại giao tiếp tục.
Bên cạnh đó, cán cân thanh toán sẽ bị thâm hụt, giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và cản trở đầu tư ở khu vực và Qatar nói riêng. Bởi tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa Qatar năm 2016 khoảng 89 tỷ USD, trong đó các nước Arab chiếm 13,8%, khu vực GCC chiếm 11,7%. Đó là chưa kể Saudi Arabia, UAE xếp thứ nhất và thứ hai về nước xuất khẩu thực phẩm sang Qatar giá trị khoảng 310 triệu USD mỗi năm.
Ngoài ra, nếu căng thẳng leo thang và kéo dài sẽ tác động lớn đối với nền kinh tế khu vực và thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Cuộc khủng hoảng hiện nay chưa tác động ngay đến thị trường năng lượng thế giới. Tuy nhiên, căng thẳng kéo dài sẽ gây trở ngại cho các hoạt động khai thác, xuất khẩu dầu và khí đốt của Qatar, từ đó ảnh hưởng đến thị trường năng lượng, khiến giá dầu tăng theo. Được biết, hầu hết các quốc gia châu Âu là khách hàng khí đốt lớn của Qatar, cho nên bất cứ gián đoạn nào trong khẩu xuất khẩu mặt hàng này đều là vấn đề đáng lo ngại.
Dư luận khu vực và quốc tế cho rằng, giải pháp ngoại giao là con đường duy nhất mà các bên mong đợi.
An Nhiên (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc