Chia rẽ sâu sắc về kế hoạch lập vùng giảm căng thẳng ở Syria
Sau hai ngày đàm phán tại thủ đô Astana của Kazakhstan, ngày 5-7 đại diện các nước gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã không thể tìm được tiếng nói chung về chi tiết kế hoạch thiết lập 4 vùng giảm căng thẳng tại Syria.
Điều này cho thấy, bất đồng vẫn tồn tại giữa các quốc gia bảo trợ, gây cản trở cho việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột kéo hơn 6 năm qua tại Syria.
Trưởng đoàn đàm phán Nga Alexander Lavrentiev thừa nhận, các bên vẫn chưa thể hoàn tất các văn bản phác thảo cách thức 4 vùng giảm căng thẳng hoạt động mặc dù đã "nhất trí về cơ bản". Vấn đề cốt lõi mà các bên chưa nhất trí được hiện nay đó là ranh giới cụ thể của các vùng giảm căng thẳng, cũng như quyết định bên nào sẽ giám sát hoạt động ngừng bắn và thông qua phương thức nào.
Các đại biểu dự cuộc đàm phán quốc tế về Syria ở Astana, Kazakhstan ngày 4-5. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ông Lavrentiev cho rằng kế hoạch thiết lập vùng giảm căng thẳng vẫn cần sự tham gia của nhiều nước liên quan: “Nếu không có chi tiết kế hoạch tạo ra các vùng giảm căng thẳng, chúng ta không thể thông qua những tài liệu, văn bản nhằm bảo đảm hoạt động thông thường tại những khu vực giảm căng thẳng. Jordan và Mỹ có ảnh hưởng đến những nhóm đối lập ở phía nam Syria. Tất nhiên chúng ta không thể bàn đến chuyện thiết lập vùng giảm căng thẳng ở đó nếu không có sự tham gia của những nước này”.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới, Trưởng đoàn đàm phán Syria Bashar al-Ja'afari cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã chặn việc thông qua các văn bản nhằm thực thi kế hoạch thiết lập các vùng giảm căng thẳng tại Syria. Theo ông, chính lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến kết quả đàm phán "rất khiêm tốn". “Các bên tham gia đàm phán đã có sự khởi đầu rất tích cực, ngoại trừ phái đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ,” ông al-Ja'afari nói. “Đây là dấu hiệu cho thấy chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ đối với tiến trình ở Astana là một chính sách tiêu cực. Điều này đã dẫn đến kết quả khiêm tốn của cuộc đàm phán”.
Theo tuyên bố chung được đưa ra sau vòng đàm phán quốc tế thứ 5 về Syria này, 3 nước trên đã quyết định thành lập một nhóm làm việc nhằm hoàn tất thỏa thuận về việc thiết lập các vùng giảm căng thẳng tại Syria.
Vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra tại Astana vào tuần cuối tháng 8, trong khi cuộc họp tiếp theo của nhóm làm việc chung về vùng giảm leo thang ở Syria, bao gồm 3 nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 2-8 tại Iran.
Tại vòng hòa đàm lần này, không có sự tham gia của thủ lĩnh lực lượng vũ trang đối lập Syria Muhammad Alloush. Bởi theo một nhân vật cấp cao thuộc lực lượng đối lập Syria, thì hội nghị Astana lần này chỉ phục vụ lợi ích “tranh giành ảnh hưởng” giữa 3 quốc gia đang can dự nhiều nhất vào Syria là Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, kết thúc ngày làm việc đầu tiên, Trưởng đoàn đàm phán Nga Lavrentiev khẳng định ranh giới của 2 vùng giảm căng thẳng gồm khu vực trung tâm tỉnh Homs do phe đối lập kiểm soát và khu vực xung quanh Đông Ghouta gần thủ đô Damascus về cơ bản đã được thống nhất. Chỉ còn khu vực bao quanh tỉnh Idlib gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và các dải đất miền Nam Syria là chưa được quyết định.
Ngoài ra, vấn đề Nga có cử quân đội tới giám sát các vùng đệm giữa những khu vực do Chính phủ Syria kiểm soát và khu vực do quân đối lập kiểm soát theo yêu cầu hay không vẫn còn là những câu hỏi đang để ngỏ.
Như vậy, thêm một lần nữa đàm phán hòa bình Syria đã khép lại mà không đạt được kết quả như mong đợi bởi giữa các thành viên tham gia vẫn chưa thu hẹp được bất đồng và xóa bỏ được định kiến đối với đối tác. Trong khi đó, tình trạng bạo lực vẫn đang leo thang với các cuộc giao tranh dữ dội tại hàng loạt các khu vực ở Syria, trong đó có các vùng ngoại ô thủ đô Damascus, thành phố Aleppo và Raqqa.
Dân thường Syria chạy khỏi các khu vực IS chiếm đóng tại Raqqa ngày 8-6. (Ảnh: EPA/TTXVN) |
Phát biểu với báo giới ngày 5-7, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc, ông Stephan Dujarrik cho biết các vụ tấn công khủng bố xảy ra tại tỉnh Idlib đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều dân thường. Các cuộc tấn công và giao tranh tối 4-7 ở ngoại thành Damascus và Aleppo cũng khiến nhiều người thiệt mạng và phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng dân sinh.
Quan chức Liên hiệp quốc cũng quan ngại về sự an toàn của hàng chục nghìn dân thường không thể rời khỏi Raqqa, nơi đang diễn ra chiến dịch chống phiến quân tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Theo ông, từ ngày 1-4 đến nay, gần 190.000 người dân đã phải chạy trốn khỏi Raqqa.
Theo người phát ngôn Dujarrik, Liên hiệp quốc và các đối tác đang triển khai các đợt viện trợ nhân đạo cho những người dân phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn tại Syria, trong đó có người dân của tỉnh Raqqa, Hasek và Deir ez-Zor. Ông kêu gọi các bên xung đột tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cứu trợ nhân đạo và có trách nhiệm đối với sự an toàn của dân thường và cơ sở hạ tầng dân sinh.
Hồng Hải (Theo VOV, Vietnam+)
Ý kiến bạn đọc