Giải phóng Mosul - Bước ngoặt "lịch sử" trong cuộc chiến chống IS
Ngày 9-7, Thủ tướng Iraq Haider Al-Abadi đã tới thành phố Mosul để chúc mừng quân đội và người dân đã giành chiến thắng, giải phóng hoàn toàn thành phố, nơi từng được xem là thành trì quan trọng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Chiến thắng được xem là bước ngoặt “lịch sử” trong cuộc chiến chống IS tại Iraq nói riêng và toàn khu vực nói chung.
Mosul là thành phố lớn thứ hai của Iraq, cách thủ đô Baghdad khoảng 400km và có vị trí địa chiến lược hết sức quan trọng, kết nối miền Bắc Iraq và miền Đông Syria.
Từ khi bị IS kiểm soát vào tháng 6-2014, Mosul đã trở thành thành trì chủ chốt của lực lượng này tại Iraq. IS đã tuyên bố thành lập một “Vương quốc Hồi giáo” bao gồm cả các vùng đất chiếm được của Syria. Vì vậy, Mosul không chỉ là một thành phố lớn mà còn có ý nghĩa về tinh thần rất lớn đối với cả chính quyền Iraq lẫn lực lượng khủng bố.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi có mặt tại Mosul (Iraq) vào ngày 9-7. |
Từ tháng 10 năm ngoái, các lực lượng Iraq với sự yểm trợ của lực lượng Mỹ và các đồng minh, đã bắt đầu chiến dịch quy mô lớn nhằm giành lại thành phố Mosul.
Theo số liệu của Chính phủ Iraq, tham gia chiến dịch chống IS tại Mosul có 140.000 quân, trong đó có 60.000 quân của Lực lượng An ninh Iraq (ISF), 14.000 dân quân địa phương, 40.000 quân Peshmerga của lực lượng người Kurd và các chiến binh của các bộ tộc người Shiite. Đứng sau chiến dịch này là cả lực lượng binh sĩ và lính đặc nhiệm của hàng chục nước tham gia liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu gồm 9.000 người, trong đó có 5.200 lính Mỹ.
Trong khi đó, IS chỉ có khoảng 6.000 phiến quân, bao gồm cả 1.000 quân là “lính đánh thuê” thuộc các quốc tịch khác nhau và các tay súng khác ở các khu vực lân cận.
Mặc dù liên quân do Mỹ dẫn đầu có thế áp đảo về quân số, song nếu không có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các đơn vị tác chiến, thời gian giải phóng Mosul chắc chắn sẽ kéo dài hơn nữa.
Thủ tướng Haider Al-Abadi đã tới thành phố vừa được giải phóng Mosul để chúc mừng những “chiến binh anh hùng” và người dân Iraq vì chiến thắng “vĩ đại” này.
Tuy nhiên, khi phát biểu trước các lực lượng quân đội và cảnh sát tại Mosul, Thủ tướng Iraq Abadi vẫn chưa chính thức công bố việc giải phóng hoàn toàn thành phố này. “Hôm nay, tôi đến Mosul để theo dõi chiến thắng của chúng ta trong việc loại bỏ các tay súng IS. Chúng ta đang ở những khoảnh khắc cuối cùng. Các tay súng khủng bố IS đã chọn cái chết thay vì đầu hàng. Chúng ta không có nhiều lựa chọn và phải tiêu diệt chúng. Hầu hết các tay súng IS tại Mosul đã bị tiêu diệt”, ông Abadi nói.
Mặc dù vậy, Pháp và Anh - hai nước thành viên của Liên minh quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu đã lên tiếng ca ngợi thắng lợi của các lực lượng vũ trang Iraq tại Mosul.
Trên trang mạng Twitter, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, Mosul đã được giải phóng khỏi IS, nước Pháp xin được bày tỏ lòng kính phục với tất cả những ai đã cùng với các binh sĩ của Pháp đóng góp vào chiến thắng này.
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon đã ca ngợi lòng dũng cảm của các lực lượng vũ trang Iraq trong việc chống lại kẻ thù IS “tàn bạo”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehqan cũng đã gửi điện chúc mừng tới người đồng cấp Iraq, bày tỏ tin tưởng rằng việc đánh bại và tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố là hoàn toàn có thể, với sự quyết tâm chiến đấu chống khủng bố của các chính phủ trên một mặt trận thống nhất.
Các chuyên gia phân tích nhận định việc chính thức công bố chiến thắng và giành lại được thành phố Mosul, lực lượng chính phủ Iraq có thể thu hồi được 50% diện tích mà IS đã chiếm giữ ở miền Bắc nước này, từ đó có thể chặn đứng tuyến đường di chuyển của các tay súng và vận tải vũ khí của chúng. Rõ ràng, mất Mosul là một thiệt hại lớn đối với “thanh thế” của IS.
Ngược lại, đánh bại IS tại Mosul là thắng lợi lớn đối với chính quyền của Thủ tướng Haider al-Abadi trong bối cảnh đang phải nỗ lực để giành sự tín nhiệm của người dân. Kết thúc sự thống trị của IS ở Mosul cũng đồng nghĩa với việc Chính phủ Iraq lấy lại được một khu vực giàu tiềm năng dầu mỏ.
Không những thế, thắng lợi tại Mosul cũng sẽ giúp đưa ra những bài học về cách thức, quy mô và sự phối hợp cần thiết trong các chiến lược chống khủng bố trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, niềm vui giải phóng không đồng nghĩa với bình yên toàn vẹn, bởi tiếp sau chiến thắng là chồng chất thách thức không chỉ đối với chính quyền Iraq mà cả cộng đồng quốc tế. Các chuyên gia cảnh báo các lực lượng an ninh Iraq và liên quân không được phép "ngủ quên trên chiến thắng" và đây chưa thể coi là ngày tàn của IS khi có quá nhiều thách thức phía trước.
Trước tiên, đó là thách thức về khủng hoảng nhân đạo và tái thiết thành phố. Mosul đã được giải phóng, nhưng là một thành phố bị tàn phá nghiêm trọng còn các lực lượng an ninh tại đây đã kiệt sức.
Quân đội Iraq ăn mừng với chiến thắng giành lại quyền kiểm soát thành phố Mosul |
Chiến thắng đi cùng một cái giá không hề nhỏ: thành phố lớn thứ hai Iraq đã bị tàn phá gần như hoàn toàn, hàng nghìn người thương vong, trong khi hàng triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa. Báo cáo của Liên hiệp quốc cho biết khoảng 920.000 người đã phải rời bỏ quê hương kể từ khi cuộc chiến tại Mosul bắt đầu từ mùa thu năm ngoái.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia lo ngại về tiến trình hòa giải hậu chiến, điều có thể còn khó khăn hơn nhiều các chương trình tái thiết kinh tế. Tình hình tại Mosul và nhiều khu vực khác ở Iraq rất phức tạp bởi nhiều phe phái và cộng đồng sắc tộc sẽ nhanh chóng tìm cách tranh giành quyền lực.
Thù hận và mâu thuẫn đã bị khoét sâu từ khi IS kiểm soát Mosul, và việc IS bị đánh bại có thể sẽ dẫn đến bạo loạn cũng như các vụ giết chóc, đẩy thành phố lại rơi vào vũng lầy xung đột.
Bên cạnh đó, các phe phái ở Iraq có thể sẽ tìm mọi cách để tái chi phối tình hình chính trị theo hướng có lợi cho mình trong giai đoạn hậu IS.
Cần lưu ý tới thực tế là lực lượng giải phóng Mosul cấu thành từ nhiều phe phái, và họ đã nhiều lần xung đột do những mâu thuẫn vốn có xuất phát từ những nền tảng và quan điểm sắc tộc, tôn giáo khác biệt.
Một thách thức nữa đó là đối phó với sự hiện diện của IS ở khắp mọi nơi. Theo nhà phân tích Patrick Martin thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh, giải phóng Mosul không đồng nghĩa với việc xóa sổ IS. Trên thực tế, tổ chức khủng bố này “vẫn đang kiểm soát những vùng thành thị rộng lớn”, nhất là ở Syria và cả ngay tại Iraq.
Nếu các lực lượng an ninh không có những biện pháp ngăn ngừa hữu hiệu, IS vẫn có thể sẽ lại trỗi dậy. IS hiện vẫn đang kiểm soát các thị trấn ở phía Bắc Iraq như Tal Afar và Hawijah, cũng như phần phía Tây tỉnh Anbar của Iraq.
Để cố giữ tàn dư của “Vương quốc Hồi giáo”, tổ chức khủng bố này nhiều khả năng sẽ tập trung vào một chiến lược mà chúng đang theo đuổi là các cuộc tấn công nhỏ lẻ và đánh bom khắp nơi, thay vì tìm cách đánh chiếm các vùng lãnh thổ như đã làm trước đây. Mục tiêu của chúng là phủ nhận tuyên bố của Chính phủ Iraq về sự sụp đổ của “Vương quốc Hồi giáo” và Iraq có thể tiếp tục chìm trong bạo loạn.
Mối đe dọa IS chưa thể kết thúc trong một sớm một chiều, bởi chúng có thể sẽ tìm cách tái tập hợp lực lượng và tiến hành các vụ tấn công trả thù trên khắp thế giới. Thất bại tại Mosul có thể sẽ buộc IS phải tìm một mảnh đất khác để tiếp tục “giấc mơ thánh chiến” của chúng.
Các phiến quân IS có thể sẽ chạy trốn tới một số vùng lãnh thổ xa xôi và biệt lập tại Iraq, lợi dụng những phần tử đang lẩn trốn, trà trộn trong dân ở các vùng thành thị để tấn công trong tương lai.
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng thất bại trên các chiến trường Trung Đông sẽ trở thành động lực để IS tiến hành các cuộc tấn công trả thù, nhất là ở các nước phương Tây.
Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế Itler Turan, thuộc Đại học Istanbul Bilgi (Thổ Nhĩ Kỳ) cho rằng IS, cũng giống như các tổ chức khủng bố đang bị suy yếu khác, sẽ có những hành động để thể hiện rằng “chúng vẫn tồn tại và hoạt động tốt”.
Một loạt tay súng từng được đào tạo và chiến đấu sát cánh với IS ở Iraq và Syria đã trở lại châu Âu và hiện có khả năng đào tạo lại cũng như tuyên truyền tư tưởng cực đoan cho những đối tượng khác. Như vậy, bằng cách dựa vào các cuộc tấn công của những "con sói đơn độc", IS có thể vươn tầm với rộng hơn để tiếp tục gieo rắc nỗi sợ hãi.
Iraq đang là đại diện tiêu biểu của thế giới trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, và rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của quốc tế để chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến này, đem lại ổn định cũng như tái thiết các vùng đất bị tàn phá sau các chiến dịch truy quét IS. Và rõ ràng, cuộc chiến chống IS nói riêng và chống khủng bố nói chung vẫn tiếp diễn.
Hà Dương (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc