Không bên nào chịu bên nào, mâu thuẫn vùng Vịnh ngày càng khó hóa giải
Theo hãng Reuters/AP, ngày 30-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan để thảo luận về những bất đồng giữa Qatar và các nước láng giềng Arab vùng Vịnh.
Theo một tuyên bố của Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về cách thức giải quyết xung đột giữa các bên, đồng thời bảo đảm tất cả các nước sẽ hợp tác chống lại mọi hoạt động tài trợ khủng bố và tư tưởng cực đoan.
Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Qatar trong những bất đồng với các nước láng giềng vùng Vịnh, sau khi những nước này cáo buộc chính quyền Doha tài trợ khủng bố.
Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trong bối cảnh hai nước đang có nhiều căng thẳng liên quan đến việc Washington quyết định cung cấp vũ khí cho các lực lượng người Kurd tại Syria chiến đấu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Theo báo chí khu vực Trung Đông cho biết, ngày 30-6, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani đã đưa ra tuyên bố nước này khước từ yêu cầu 13 điểm của các nước vùng Vịnh và Ả-rập nhưng sẵn sàng thảo luận về các vấn đề hợp pháp.
Tuyên bố của ông Abdulrahman al-Thani đưa ra dù chưa hết thời hạn 10 ngày để trả lời việc có thực hiện yêu cầu 13 điểm của các nước vùng Vịnh và Ả-rập hay không. Ngoại trưởng Abdulrahman al-Thani nhấn mạnh, Qatar sẵn sàng đàm phán về những vấn đề chính đáng với các quốc gia Ả Rập để chấm dứt cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, ông này cho rằng, yêu cầu 13 điểm mà các nước vùng Vịnh và Ả-rập đưa ra hồi tuần trước (22-6) có một số yêu cầu không thể đáp ứng được bởi không đúng sự thật.
Ngoại trưởng Abdulrahman al-Thani nhấn mạnh, “Qatar không thể cắt đứt mối liên hệ với cái gọi là nhóm chiến binh IS, al-Qaeda và Hezbollah ở Liban vì không có mối liên hệ nào tồn tại. Qatar không thể trục xuất bất cứ thành viên nào của lực lượng bảo vệ Cách mạng Iran vì không có ai ở Qatar. Qatar không thể dừng việc làm mà họ chưa bao giờ làm. Mục đích tối hậu thư không nhằm giải quyết các vấn đề được liệt kê và đây là điều chúng tôi sẽ không làm".
Trong khi đó, các nước gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và UAE đang cân nhắc bước trừng phạt tiếp theo sau ngày 3-7 nếu Qatar không đáp ứng các yêu cầu. Các nước này cho rằng Qatar hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố và các nhóm cực đoan, can thiệp công việc nội bộ của các nước trong khu vực và đã đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Tuy nhiên, Qatar đã bác bỏ điều này. Ngày 22-6, 4 nước vùng Vịnh Ả-rập tiếp tục đưa ra yêu cầu 13 điểm trong vòng 10 ngày Qatar phải trả lời để xem xét đàm phán và bình thường hóa quan hệ hoặc tiếp tục gia tăng sức ép.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar tiếp tục lún sâu vào căng thẳng khi ba quốc gia vùng Vịnh là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain tiếp tục gây sức ép về mặt kinh tế và tài chính đối với nước này khi rút tới 16 tỷ USD tiền gửi ngắn hạn từ các ngân hàng Qatar. Trong khi đó Ai Cập cũng vừa lên tiếng cáo buộc Qatar hỗ trợ các tổ chức khủng bố tại Libya. Còn về phía Qatar, Ủy ban Nhân quyền nước này thông báo sẽ thuê luật sư Thụy Sĩ để đòi bồi thường cho những người bị ảnh hưởng bởi quyết định cắt đứt quan hệ của các nước vùng Vịnh.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc các quốc gia vùng Vịnh đưa ra các động thái mới nhằm vào các ngân hàng của Qatar sẽ càng làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm USD bắt đầu xuất hiện ở nước này sau khi bị một loạt các nước Arab tuyên bố “đoạn tuyệt” quan hệ.
Qatar đang bên bờ vực của một cuộc suy thoái kinh tế. Nếu xung đột ngoại giao vùng Vịnh không sớm được giải quyết thì sẽ để lại không ít những hệ lụy liên quan, mà trước mắt là tình hình kinh tế và tài chính của Qatar sẽ đứng trước nhiều thách thức lớn, trong đó có tình trạng giá cả leo thang hay những rủi ro từ lạm phát.
Bên cạnh những áp lực về mặt kinh tế, Qatar lại tiếp tục bị Ai Cập cáo buộc hỗ trợ các tổ chức khủng bố tại Libya. Trong một cuộc họp của Liên hiệp quốc về những trở ngại trong cuộc chiến chống khủng bố tại Libya, diễn ra ở New York tối 27-6 vừa qua, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập phụ trách các vấn đề Arab, Tarek al-Quni nhấn mạnh, các nhóm và tổ chức khủng bố tại Libya nhận trợ giúp đặc biệt từ Qatar và các nước khác trong khu vực. Tuy nhiên, phái đoàn Qatar tại Liên hiệp quốc ngay lập tức khẳng định, các tuyên bố của Ai Cập là “vô căn cứ”, viện dẫn một số báo cáo của các chuyên gia chứng minh rằng Qatar không tham gia bất kỳ hoạt động nào gây bất ổn tại Libya.
Trong một động thái mới nhất được cho là nhằm trả đũa việc bị một số quốc gia vùng Vịnh hùa nhau tẩy chay, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Qatar Ali bin Smaikh Al-Marri cho biết, nhóm của ông sẽ có hành động pháp lý chống lại Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain, những nước đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar trong tháng này.
Một góc Doha. (Ảnh: Getty Images) |
Dễ dàng nhận thấy, khủng hoảng vùng Vịnh đang có dấu hiệu leo thang khó kiểm soát. Và thực chất việc các nước đồng loạt chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar cũng chỉ như “giọt nước tràn ly” bởi mối bất hòa giữa Qatar với các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), nòng cốt là Saudi Arabia, cùng với Ai Cập không phải bây giờ mới hiện hữu mà vốn dĩ đã "âm ỉ" từ rất lâu. Chính sự rạn nứt giữa các đồng minh Arab như thế này đang là đòn giáng mạnh vào Mỹ trong bối cảnh chiến dịch chống lại nhóm IS đang lên đến đỉnh điểm ở Iraq và Syria. Bởi với Mỹ, việc hóa giải căng thẳng vùng Vịnh sẽ có ý nghĩa quan trọng, giúp bảo vệ nhiều lợi ích của Mỹ ở khu vực Trung Đông, trong đó có cuộc chiến chống khủng bố. Chính vì vậy, Mỹ thời gian gần đây liên tiếp xúc tiến các cuộc họp nhằm xoa dịu khủng hoảng vùng Vịnh cũng như tích cực liên lạc với các bên trung gian hòa giải như Kuwait và Liên hiệp quốc.
Dẫu vậy, theo các nhà quan sát, sức nóng từ cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar vẫn chưa giảm nhiệt. Điều này có thể thấy rõ qua việc Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh gần đây vẫn chưa chịu ngừng đấu khẩu xung quanh yêu sách để giải quyết cuộc khủng hoảng tại khu vực. Cùng với thái độ “không bên nào chịu bên nào” cũng như nguyên nhân cốt lõi sâu xa bắt nguồn từ mâu thuẫn nội bộ trong chính “đại gia đình” các nước Arab vùng Vịnh đang đẩy khu vực vốn đã rối ren, phức tạp và bất ổn đứng trước nấc thang căng thẳng mới.
Như Hồng (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc