Nhiều bất đồng trong ngày làm việc đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh G20
Ngày 7-7, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại thành phố Humburg (Đức) đã kết thúc ngày làm việc đầu tiên.
Nhiều vấn đề nóng như tự do hóa thương mại, biến đổi khí hậu, vấn đề hạt Triều Tiên, khủng hoảng Syria... đã được đưa ra thảo luận tại phiên họp chính thức và các cuộc gặp thượng đỉnh bên lề.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng các cuộc trao đổi cho thấy còn tồn tại những bất đồng và hội nghị diễn ra trong bầu không khí căng thẳng giữa các bên.
Vấn đề nổi bật được quan tâm là tự do hóa thương mại trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những tuyên bố và biện pháp ủng hộ bảo hộ mậu dịch.
Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg ngày 7-7. (Ảnh: EPA/TTXVN) |
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này, ngoại trừ Mỹ, 19 nước thành viên đã khẳng định ủng hộ tự do thương mại, trong đó cam kết tăng cường hợp tác, sử dụng đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ, cải cách cơ cấu, chống chủ nghĩa bảo hộ nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng.
Đối với vấn đề chống biến đổi khí hậu, Hội nghị kêu gọi tăng cường hợp tác triển khai phát triển bền vững; cắt giảm khí thải thông qua nghiên cứu, phát triển năng lượng sạch, sử dụng năng lượng hiệu quả...
Bất chấp quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biển đổi khí hậu, Hội nghị đã ghi nhận và nhấn mạnh các thành viên khác trong G20 tiếp tục thực hiện các cam kết theo thỏa thuận.
Tuy nhiên, các nước G20 đã ra tuyên bố chung nhất trí thúc đẩy các nỗ lực ngăn chặn tài trợ khủng bố. Đối với một kỳ họp được đánh giá là “bão táp” nhất trong lịch sử G20, với những bất đồng sâu sắc về thương mại và khí hậu thì đây là một trong những chủ đề hiếm hoi mà các nước đạt được đồng thuận.
20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới đã đạt được nhất trí về bản tuyên bố chung gồm 21 điểm lên án chủ nghĩa khủng bố. Trong đó khẳng định cam kết hành động mạnh mẽ để chặn đứng nguồn tài chính của các nhóm và tổ chức khủng bố.
Một trong những giải pháp được nêu ra là hỗ trợ hệ thống tài chính quốc tế chống lại việc tài trợ cho khủng bố và tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin. Các nước G20 cũng hối thúc các nước ủng hộ Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF), tổ chức quốc tế được thành lập năm 1989, gồm 37 quốc gia thành viên, ngăn chặn hiệu quả các nguồn tài trợ khủng bố.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói chuyện với nhau trước phiên làm việc. (Ảnh: Reuters) |
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “Chúng ta đã trải qua các cuộc thảo luận đầy căng thẳng song cũng rất thú vị. Bởi 20 quốc gia thành viên cũng là 20 quan điểm khác nhau, song tất cả chúng ta đều nhất trí rằng, chủ nghĩa khủng bố quốc tế là một đe dọa đối với tất cả chúng ta và chủ nghĩa khủng bố không có biên giới”. “G20 phải giải quyết được vấn đề này bởi vì nó có ảnh hưởng đến cả thương mại tự do toàn cầu và tăng trưởng kinh tế toàn cầu”, bà Merkel nhấn mạnh.
Tuyên bố chung đặc biệt này phần nào cho thấy mức độ quan tâm của các nhà lãnh đạo G20 đối với vấn đề đang gây lo ngại trên phạm vi toàn cầu, trong đó phát đi những thông điệp mạnh mẽ gửi tới các nhà điều hành mạng trong việc tiếp cận các nguồn dữ liệu, phát hiện và ngăn chặn những nội dung kích động hận thù và truyền bá tư tưởng khủng bố. Văn kiện cũng phản ánh những lo ngại chính của các nhà lãnh đạo thế giới trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là mối đe dọa từ những tay súng trở về từ các khu vực xung đột như Syria hay Iraq.
Dù vậy, việc các nhà lãnh đạo G20 gặp khó khăn trong nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung trên các lĩnh vực tự do hóa thương mại và chống biến đổi khí hậu trong ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh G20 cho thấy thế giới đang tồn tại những bất đồng sâu sắc và điều này ảnh hưởng đến vai trò liên kết các nền kinh tế của G20, cũng như mục tiêu "định hình một thế giới kết nối" mà nước Đức đã đề ra nhiệm kỳ làm Chủ tịch G20 năm nay.
Hà Như (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc