Sau cuộc gặp Trump - Putin: Mỹ quay sang "xoa dịu" Ukraine
Ngày 9-7, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã có chuyến thăm ngắn đến Ukraine, ngay trước thềm cuộc tập trận quân sự chung của hai nước tại Biển Đen. Những bước đi của Mỹ được coi là nhằm“ xoa dịu” và trấn an lo ngại của người dân Ukraine, sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hamburg, Đức, với cam kết thúc đẩy hợp tác hướng tới kỷ nguyên mới.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Ngoại trưởng Mỹ hối thúc Nga hành động để làm dịu xung đột tại miền Đông Ukraine. Ông Tillerson nhấn mạnh, Mỹ sẽ tìm các biện pháp để thay đổi hiện trạng của cuộc khủng hoảng Ukraine.
Ngoại trưởng Mỹ nói: “Tôi nghĩ quan trọng mục tiêu của Mỹ đó là khôi phục chủ quyền và hội nhập của Ukraine. Tôi nhấn mạnh nhiều lần rằng, Nga cần phải có bước đi đầu tiên để giảm căng thẳng tại khu vực phía Đông Ukraine, đặc biệt phải tôn trọng lệnh ngừng bắn, rút vũ khí hạng nặng và cho phép các quan sát viên OSCE thực hiện trách nhiệm của mình”.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. (Ảnh: AFP). |
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Poroshenko khẳng định: “Chúng tôi đã nhận được một thông điệp rõ ràng về sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine. Sự ủng hộ của Mỹ về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, độc lập và cải cách của Ukraine. Chúng tôi đánh giá sự ủng hộ này thông qua chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ đến Kiev”.
Mỹ và Ukraine ngày 10-7 cũng bắt đầu cuộc tập trận quân sự mang tên "Sea Breeze 2017" tại khu vực Biển Đen, dự kiến kết thúc vào ngày 23-7. Có 17 quốc gia châu Âu tham gia cuộc tập trận này. Các bên tham gia sẽ diễn tập một số nội dung liên quan đến xử lý khủng hoảng an ninh quốc tế.
Hàng loạt các bước đi và tuyên bố của Mỹ đưa ra sau cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ, nhấn mạnh về thời kỳ hợp tác "mang tính xây dựng" song phương. Với khẳng định lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga sẽ không được dỡ bỏ cho đến khi cuộc xung đột này được giải quyết, ông Tillerson muốn đưa ra một bảo đảm chắc chắn với người dân Ukraine về sự ủng hộ của Mỹ đối với Kiev sẽ không thay đổi.
Không chỉ tiếp tục trừng phạt Nga, giới chức Mỹ cũng đang tiếp tục hối thúc sửa đổi Luật Quốc phòng nhằm tới mục tiêu răn đe quân sự với Nga.
Rõ ràng, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với hàng loạt các thách thức như chống chủ nghĩa khủng bố, cuộc xung đột Syria, Ukraine… Tổng thống Mỹ Donald Trump hiểu rằng sự hợp tác Nga- Mỹ là vô cùng quan trọng và cần thiết.
Cuộc gặp thượng đỉnh cuối tuần qua được cho là viên gạch đặt nền móng cho một thời kì hợp tác song phương mới. Tuy nhiên, giới quan sát cũng nhận định, mặc dù khẳng định đã đến lúc cần phải tăng cường hợp tác với Nga, nhưng Tổng thống Mỹ sẽ không thể bỏ qua những đồng minh truyền thống và lợi ích bấy lâu nay của mình.
Quyết định của Mỹ chỉ định ông Kurt Volker- một cựu Đại sứ NATO là Đặc phái viên của Mỹ về Ukraine một lần nữa khẳng định sự can dự sâu hơn của Mỹ vào cuộc xung đột Ukraine. Giới quan sát cũng cho rằng, việc chỉ định Đặc phái viên Mỹ có thể khiến mối quan hệ với Nga căng thẳng hơn, bởi ông Volker là một người có lập trường khá cứng rắn với Nga. Ông này từng lên tiếng ủng hộ kế hoạch triển khai vũ khí hạng nặng để bảo vệ Ukraine.
Trong một diễn biến liên quan, theo Sputnik/AFP, ngày 10-7 Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine đang không được duy trì và các quan sát viên an ninh của châu Âu đang đối mặt với mối đe dọa ngày càng gia tăng.
Cũng tại buổi họp báo, Tổng Thư ký NATO cũng cam kết liên minh này sẽ hỗ trợ Ukraine, trong bối cảnh Kiev đang phải đối mặt với cuộc nổi dậy đẫm máu do các phần tử ly khai Nga tiến hành ở khu vực miền Đông Ukraine.
Theo Reuters, ngày 10-7, bình luận về tuyên bố của Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg trong đó nói rằng Nga phải rút hàng trăm binh lính khỏi Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov khẳng định Nga không có bất kỳ binh lính nào ở Ukraine.
Binh sĩ Ukraine tuần tra tại một khu vực miền Đông nước này. (Ảnh: businessinsider.com) |
Ông Dmitry Peskov cho rằng khả năng Ukraine gia nhập NATO sẽ không thúc đẩy ổn định và an ninh tại châu Âu.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết nước này và NATO sẽ bắt đầu các cuộc thảo luận về lộ trình cho phép Ukraine gia nhập liên minh quân sự này, trong đó có việc Kiev cam kết thực hiện những cải cách cần thiết trước năm 2020.
Trong một cuộc họp báo chung với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, Tổng thống Poroshenko cho biết NATO đã chấp thuận đề xuất của Ukraine chính thức khởi động đối thoại về tư cách thành viên của Ukraine. Ông Poroshenko phát biểu: "Ukraine đã xác định rõ ràng tương lai chính trị của đất nước và tương lai trong vấn đề an ninh. Chúng tôi thấy rằng cần phải tiến hành một cuộc thảo luận về vấn đề thiết lập một Kế hoạch hành động thành viên (dành cho Ukraine). Và đề xuất tiến hành cuộc thảo luận của chúng tôi đã được NATO chấp thuận".
Hồng Hải (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc