Thách thức lớn toàn cầu chờ đợi G20 tại Hamburg
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) sẽ được tổ chức tại Hamburg (Đức) từ 7 đến 8-7.
Diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt, khi thế giới đang đứng trước những thách thức lớn, đang trải qua những biến động chính trị mạnh mẽ ở những cực lớn nhất. G20 Hamburg là nơi người ta đặt hy vọng các nước lớn có thể vượt qua những bất đồng, đi tới những thỏa thuận có lợi cho sự phát triển chung, ngăn ngừa xung đột, chiến tranh, khủng hoảng.
G20 Hamburg đứng trước một loạt các thách thức trên thế giới, không chỉ về kinh tế - thương mại mà trên mọi phương diện như khủng bố, xung đột, người tị nạn, thất nghiệp, biến đổi khí hậu, môi trường... những vấn đề mà để giải quyết chúng, cần có sự đồng thuận và chung tay đóng góp của tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là của G20. Mong ước, vốn khó đạt ấy, nay lại càng trở nên mong manh khi ở những nước lớn, những cực quan trọng trên thế giới có những thay đổi mạnh mẽ, đào sâu những khác biệt.
Việc ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ khiến nhiều mục tiêu mà người tiền nhiệm Barack Obama theo đuổi đảo lộn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu chuyến công du châu Âu ngày 5-7. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Với khẩu hiệu "nước Mỹ trên hết", chính quyền của ông Donald Trump quay về với chủ nghĩa biệt lập, đề cao chính sách bảo hộ mậu dịch... từ đó, hủy bỏ và xem xét lại hàng loạt những thỏa thuận đã và đang trên đường hoàn tất như: rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP21 Paris); đình chỉ đàm phán Mỹ-EU để đi tới Hiệp định tự do thương mại song phương; xem xét lại "chiếc ô bảo trợ" của Mỹ tại NATO và yêu cầu trách nhiệm và sự đóng góp lớn hơn của các thành viên châu Âu; tăng cường các biện pháp ngăn chặn người tị nạn, gắn liền với thái độ phân biệt tôn giáo...
Cũng theo xu hướng ấy, nước Anh đã quyết định rút khỏi EU (Brexit) đặt liên minh này trước nguy cơ tan vỡ trước sự lên ngôi của chủ nghĩa dân túy và phái cực hữu. Mối quan hệ chiến lược Mỹ - EU do vậy xuất hiện những rạn nứt, trước hết là giữa Mỹ với 2 thành viên trụ cột của EU là Đức và Pháp.
Trong khi đó, người ta lại chứng kiến sự nổi lên của Trung Quốc, Nga, Ấn Độ..., can dự mạnh mẽ hơn vào đời sống chính trị, kinh tế thế giới và còn thể hiện nhiều khác biệt, bất đồng, mâu thuẫn với Mỹ.
Trong khung cảnh ấy, mối quan tâm, hy vọng tại G20 Hamburg tập trung ở những cuộc gặp gỡ bên lề giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo các nước lớn chủ chốt trên thế giới, tạo tiền đề cho những thỏa thuận chính thức.
Ngày 5-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu chuyến công du châu Âu để tham dự Hội nghị G20 tại Hamburg. Theo kế hoạch, chặng dừng chân đầu tiên của Tổng thống Trump là thủ đô Warszawa của Ba Lan. Sau đó, ông Trump dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20.
Trong đó, một trong những điểm nhấn là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Thái độ thân thiện ban đầu giữa 2 người đã nhanh chóng qua đi, thay vào đó là sự nguội lạnh khi ông Donald Trump vào ngày 7-4 quyết định bắn 59 quả tên lửa Tomahawk vào một căn cứ của quân Chính phủ Syria, vì cái cớ "sử dụng vũ khí hóa học" và mới đây là quyết định duy trì lệnh trừng phạt Nga do can thiệp vào Ukraine. Nhưng vị thế, vai trò của Nga tại Trung Đông, châu Âu và thế giới nói chung là không thể bỏ qua. Cuộc gặp Donald Trump - Vladimir Putin tại G20 Hamburg đem lại hy vọng về một sự hòa dịu để có thể đi tới sự đồng thuận trong việc giải quyết những hồ sơ phức tạp liên quan.
Theo Reuters, Điện Kremlin đã bày tỏ hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump sẽ giúp thiết lập một kênh đối thoại hoạt động hiệu quả giữa hai bên. Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn điện Kremlin, nêu rõ một kênh đối thoại như vậy là cần thiết giữa Mỹ và Nga nhằm giúp giải quyết các cuộc xung đột trên khắp thế giới.
Một điểm nhấn quan trọng khác là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel. Cuộc gặp thu hút sự quan tâm vì nó mang tính biểu tượng cao cho quan hệ Mỹ - EU. Tình hình có được cải thiện hay không vẫn là câu hỏi lớn bởi giữa Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Đức còn nhiều quan điểm khác biệt về các vấn đề quốc tế và song phương, thể hiện trong các lần gặp gỡ gần đây, khiến mối quan hệ giữa hai bên không mấy tốt đẹp.
Trước hết là vấn đề chống biến đổi khí hậu. Thủ tướng Đức, thành viên chủ chốt của EU kịch liệt phê phán việc Tổng thống Trump đột ngột rút Mỹ ra khỏi Thỏa thuận COP21, coi đây là thái độ vô trách nhiệm với một vấn đề lớn mang tính toàn cầu. Về quân sự, Đức là tâm điểm của việc xem xét lại sự bảo trợ của Mỹ với các thành viện châu Âu tại NATO. Cuối tháng 5-2017, Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích Đức không đóng góp tương xứng cho NATO, thậm chí yêu cầu sự bù đắp những nghĩa vụ chưa thực hiện. Về phần mình, bà Merkel bày tỏ sự thất vọng trước thái độ của Mỹ, quyết tâm xây dựng một quân đội độc lập của châu Âu, không tiếp tục trông chờ "cái ô" Mỹ.
Vấn đề người nhập cư cũng sẽ là một trọng tâm trong cuộc đối thoại giữa Mỹ và Đức. Chính sách tiếp nhận người nhập cư của Thủ tướng Đức Merkel đối lập với quan điểm “đóng cửa” nước Mỹ của Tổng thống Trump.
Về vấn đề thương mại, trong khi các quốc gia G20 chủ trương hình thành thị trường mở, ông Donald Trump lại theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Riêng với EU, Tổng thống Mỹ đã quyết định xem xét lại tiến trình đàm phán để đi tới Hiệp định tự do song phương mà người tiền nhiệm Barack Obama khởi động từ năm 2013.
Căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa EU và Mỹ đang gia tăng. Mặc dù chưa đến mức một “cuộc chiến” thương mại, nhưng đang xuất hiện nguy cơ “trừng phạt” và “trả đũa”. Ngòi nổ có thể phát ra từ cuộc điều tra mà ông Donald Trump đã yêu cầu tiến hành để xem xét các tác động của nhập khẩu thép đối với an ninh quốc gia của Mỹ.
Các nhà sản xuất sắt thép châu Âu đang lo ngại khả năng Mỹ quyết định giảm nhập hoặc đánh thuế nhập khẩu sắt thép. Đây sẽ là biện pháp bảo hộ mậu dịch theo đúng nghĩa đầu tiên của Tổng thống Mỹ. Mỹ cũng đang lên kế hoạch tăng thuế nhập khẩu xe Đức vào Mỹ tới 35%.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump sẽ gặp nhau ở Đức. (Ảnh: Daily Express) |
G20 Hamburg xuất hiện một khuôn mặt mới là tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Là người ủng hộ nhất thể hóa châu Âu, Emmanuel Macron như một “liều thuốc” lấy lại niềm tin vào EU sau cú sốc Brexit. Ông Macron cùng bà Angela Merkel đã tạo thành bộ đôi cùng thống nhất củng cố trục Pháp - Đức, tăng cường khối thống nhất EU. Nhờ đó, EU đang trở thành điểm hẹn của những ai muốn theo đuổi mục tiêu hội nhập.
Những cuộc gặp gỡ bên lề hội nghị giữa lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ...và cặp đôi lãnh đạo Pháp - Đức do vậy mang ý nghĩa như việc tìm kiếm đối tác xứng tầm, bù đắp cho sự thiếu hụt từ sự thoái lui của Mỹ, đồng thời gửi tới Tổng thống Trump thông điệp hãy điều chỉnh lại chính sách của mình cho phù hợp với thời đại, cho đúng với vị thế, bổn phận của cường quốc số một thế giới.
G-20 là diễn đàn của 20 nền kinh tế lớn gồm 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất (tính theo GDP (PPP)) và Liên minh châu Âu (EU). Thành lập từ năm 1999 và hiện chiếm 85% nền kinh tế thế giới, G20 bao gồm nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) là Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, Italy và Canada cùng một số thành viên khác như Liên minh châu Âu (EU) và các nước Argentina, Australia, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Hà Như (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc