Vòng hòa đàm thứ 7 về Syria sẽ có những bước tiến dù không đột phá
Vòng hòa đàm mới về Syria khởi động ngày 10-7 tại Geneva trong bối cảnh lệnh ngừng bắn tại khu vực Tây Nam Syria do Nga chính thức có hiệu lực trước đó một ngày.
Đặc phái viên Liên hiệp quốc về Syria Staffan de Mistura cho rằng, vòng hòa đàm lần này dù khó có khả năng tạo được sự đột phá do các bên vẫn còn “khoảng cách lớn” trong một số vấn đề, nhưng có thể có những bước tiến nhất định.
Trong ngày 10-7, Đặc phái viên Liên hiệp quốc về Syria Mistura đã có các cuộc gặp với đại diện lực lượng đối lập Syria và đại diện các nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Đặc phái viên Mistura cho biết, cuộc gặp với phái đoàn phe đối lập Syria diễn ra trong bữa ăn trưa nhằm thống nhất quan điểm chung của lực lượng này. Cùng ngày, ông cũng đã có cuộc gặp với phái đoàn chính phủ Syria.
Đặc phái viên Liên hiệp quốc về Syria Staffan de Mistura (giữa). (Ảnh: Reuters) |
Phát biểu họp báo sau các cuộc gặp, Đặc phái viên Liên hiệp quốc Mistura thừa nhận các bên vẫn tồn tại khoảng cách trong những vấn đề lớn và sự thúc ép về mặt thời gian đã cản trở tiến trình hòa bình. Do đó, việc tạo bước đột phá chỉ trong 5 ngày diễn ra hòa đàm là rất khó có thể xảy ra
“Chúng tôi không kỳ vọng sẽ có bước đột phá trong vòng hòa đàm lần này, nhưng sẽ có những bước tiến nhất định như chúng ta đã thấy ở Astana”, ông Mistura nói.
Vòng hòa đàm thứ 7 về Syria diễn ra chỉ một ngày sau khi lệnh ngừng bắn tại miền Tây Nam Syria do Mỹ, Nga và Jordan dàn xếp bắt đầu có hiệu lực kể từ trưa ngày 9-7. Thỏa thuận ngừng bắn này đánh dấu nỗ lực đạt hòa bình đầu tiên tại Syria dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây cũng là tín hiệu tích cực góp phần thúc đẩy tiến trình chính trị tìm kiếm giải pháp cho cuộc nội chiến kéo dài hơn 6 năm tại quốc gia Bắc Phi này.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã hoan nghênh việc thiết lập khu vực giảm thiểu leo thang ở Syria. Theo ông, đây là một bước đi đáng kể nhằm hướng tới giảm bớt bạo lực và gia tăng sự tiếp cận nhân đạo trên toàn Syria, phù hợp với việc theo đuổi mục tiêu thiết lập một lệnh ngừng bắn toàn diện và trên toàn quốc, như đã được phê chuẩn trong vô số nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Đặc phái viên Liên hiệp quốc về Syria Mistura cũng đánh giá các thỏa thuận nhằm giảm leo thang chiến sự sẽ dẫn tới một thời kỳ ổn định cho Syria. Tuy nhiên, những thỏa thuận như vậy chỉ là giải pháp tạm thời và cần phải tránh sự chia cắt đất nước này.
Ngày 10-7, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo ước tính cuộc nội chiến kéo dài 6 năm qua tại Syria đã tàn phá hệ thống cơ sở hạ tầng tại nước này và gây thiệt hại kinh tế lên đến 226 tỷ USD.
Khói bốc lên sau cuộc không kích ở Daraa, Syria ngày 9-6. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Theo báo cáo của WB, xung đột tại Syria đã cướp đi sinh mạng của 320.000 người và khiến hơn nửa người dân nước này phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi các cuộc giao tranh bắt đầu nổ ra hồi tháng 3/2011.
Báo cáo nêu rõ xung đột tại Syria đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế nước này, ước tính lên đến 226 tỷ USD, gấp 4 lần Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này trong năm 2010.
Phó Chủ tịch WB tại Trung Đông và Bắc Phi Hafez Ghanem nhấn mạnh "Cuộc chiến tại Syria đã hủy hoại nền kinh tế và xã hội của đất nước này". Ngoài ra, cuộc xung đột cũng đã phá hủy và làm hư hại khoảng 27% các tòa nhà và khoảng một nửa công trình giáo dục và y tế.
Thống kê dựa vào những hình ảnh vệ tinh tại một số thành phố và khu vực đang diễn ra giao tranh ác liệt tại Syria.
Hà Như (Theo VOV, Vietnam+)
Ý kiến bạn đọc