Chưa Nhà Trắng nào trong lịch sử Mỹ lại chia rẽ đến thế
Theo Reuters/AFP, ngày 18-8, tỷ phú Carl Icahn đã chấm dứt vai trò cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau khi đối mặt với chỉ trích rằng các lời cố vấn chính sách do ông đề xuất với tổng thống có thể giúp làm lợi cho hoạt động đầu tư cá nhân.
Trong một bức thư gửi cho ông Trump được đăng tải trên website của mình, ông Icahn cho biết: "Tôi chọn cách kết thúc vai trò này vì tôi không muốn những tranh cãi giữa hai đảng về vai trò của mình bằng cách này hay cách khác phủ bóng đen lên chính quyền của ông (Tổng thống Trump)".
Sự ra đi của ông Icahn diễn ra sau một loạt những thay đổi gây náo động ở Nhà Trắng.
Trước đó cùng ngày, ông Trump đã cách chức Cố vấn chiến lược Steve Bannon, 2 ngày sau khi giải tán hai nhóm cố vấn kinh doanh cấp cao.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters) |
Trong một diễn biến liên quan, trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg News, ông Bannon cam kết sẽ tiếp tục "chiến đấu" vì ông Trump từ bên ngoài Nhà Trắng. Đây là cuộc phỏng vấn đầu tiên của ông Bannon kể từ khi bị ông Trump cách chức. Ông Bannon trở về điều hành Breibart, tờ báo cánh hữu hết lòng xây dựng hình ảnh cho Tổng thống Donald Trump suốt thời gian qua.
Ông Steve Bannon tiết lộ rằng, chưa có Nhà Trắng nào trong lịch sử lại lục đục đến thế. “Không có chính quyền nào trong lịch sử lại bị chia rẽ nội bộ đến thế về đường hướng hoạt động”, ông Bannon chia sẻ với tờ Washington Post ngày 19-8. Theo ông Bannon, “căn cứ” của Tổng thống Mỹ (chỉ những cử tri ủng hộ ông Donald Trump) đang thất vọng vì chương trình nghị sự của Quốc hội, cho rằng nó vẫn lằng nhằng với những ưu tiên truyền thống của phe Cộng hòa hơn là những gì mà ông Donald Trump đã vận động trong suốt chiến dịch tranh cử.
Vị Chiến lược gia bị “thất sủng” này cho rằng, cả phe Dân chủ và Cộng hòa Mỹ cần phải tập trung vào những vấn đề mà tầng lớp lao động Mỹ quan tâm. Theo ông Bannon, lãnh đạo phe Cộng hòa cần phải thúc đẩy kế hoạch của Tổng thống Donald Trump về thuế, thương mại và xây dựng bức tường biên giới với Mexico, nếu không họ sẽ tự tách mình ra khỏi “căn cứ” của ông Trump. “Nếu phe Cộng hòa ở Capitol Hill (tức Quốc hội Mỹ) ủng hộ những kế hoạch của Tổng thống chứ không phải của chính họ thì đó sẽ là điều ngọt ngào và nhẹ nhàng nhất, một đại gia đình vui vẻ” – ông Bannon nói, đồng thời vẫn e ngại rằng “điều ngọt ngào” ấy sẽ không sớm trở thành hiện thực.
Nhưng ông Bannon cũng cho rằng, sự hằn học lẫn nhau đang diễn ra trong Nhà Trắng và giữa các lãnh đạo Cộng hòa không hoàn toàn phản ánh sự chia rẽ của đất nước. “Căng thẳng trong Nhà Trắng hơi khác so với căng thẳng ở đất nước này”, Bannon nói. “Đây vẫn là một đất nước bị chia rẽ. Khoảng 50% người dân không ủng hộ Tổng thống Donald Trump, phần lớn những người đó không ủng hộ chính sách của ông ấy dưới bất cứ cách thức hay hình thái nào”.
Ngoài sự chia rẽ trong Nhà Trắng, cho đến thời điểm này, có tới 74% vị trí trọng yếu tại Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn bị bỏ trống khiến Lầu Năm Góc bị ví như “thị trấn ma”.
Theo Sputnik, Thượng viện Mỹ mới chỉ thông qua việc chỉ định 65 chức vụ trong Bộ Quốc phòng Mỹ do Tổng thống Donald Trump đề xuất, trong đó có vị trí Thứ trưởng phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần do cựu CEO của Textron Ellen Lord đảm nhiệm và vị trí Bộ trưởng Hải quân do Giám đốc Tài chính của Intercontinential Exchange đảm nhiệm.
Tuy nhiên, con số này “vẫn chỉ như muối bỏ bể”. Đáng lo ngại hơn nữa, nhiều vị trí được coi là “không thể để trống” như Bộ trưởng Lục quân, Thứ trưởng phụ trách nhân sự và năng lực sẵn sàng chiến đấu hay Thứ trưởng phụ trách chính sách vẫn đang phải chờ “cái gật đầu” của Thượng viện. Ngoài ra, 4 vị trí khác được ông Donald Trump “chọn mặt gửi vàng” cũng không lọt qua được vòng bỏ phiếu đầu tiên của Quốc hội Mỹ. Những vị trí này bao gồm: Trợ lý Thứ trưởng phụ trách chính sách David Joel Trachtenberg, Cố vấn Tư pháp Cao cấp cho Bộ trưởng Hải quân Charles Stimson, Trợ lý về các chiến dịch đặc biệt và các cuộc xung đột cỡ nhỏ cho Bộ trưởng Quốc phòng Owen West và Phó Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng John H. Gibson II.
Trước tình hình “ảm đạm” tại Lầu Năm Góc, cựu Ủy viên Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, Tướng Thủy quân Lục chiến Arnold Punaro đã lên tiếng chỉ trích gay gắt sự chậm trễ của Thượng viện Mỹ trong việc thông qua những chức danh còn để trống, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp như hiện nay.
Steve Bannon (trái) và Chánh văn phòng Nhà Trắng (đã bị sa thải) Reince Priebus (phải) trong cuộc họp với Tổng thống Donald Trump ngày 1-2-2017. (Ảnh: Bloomberg) |
Không chỉ Lầu Năm Góc bị ảnh hưởng mà nhiều nhà thầu quốc phòng Mỹ cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại việc trì hoãn thông qua các vị trí trọng yếu trong Bộ Quốc phòng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm ăn của họ.
CEO của General Dynamics Phebe Novakovic cho biết, lợi nhuận trong quý 2 của Tập đoàn này đã bị tổn hại nghiêm trọng: “Khi những vị trí trọng yếu này không được lấp đầy thì chúng tôi rất khó có thể thông qua được những hợp đồng lớn cũng như nhận được các khoản giải ngân cho các hợp đồng này. Tại thời điểm này, mọi chuyện diễn ra chậm hơn nhiều so với những gì chúng tôi dự đoán. Dù vậy, chúng tôi vẫn tin tưởng vào việc chi tiêu quốc phòng sẽ nhanh chóng được thông qua”.
CEO của Tập đoàn Leidos Holdings Roger Krone cũng bày tỏ lo ngại về sự chậm trễ phê chuẩn nhân sự Bộ Quốc phòng của Quốc hội Mỹ: “Việc còn quá nhiều vị trí tại Bộ Quốc phòng còn bỏ trống trong năm 2017 sẽ gây ra những hệ lụy khó lường.
Quốc hội mất quá nhiều thời gian để thông qua một vị trí cao cấp trong Bộ Quốc phòng. Dự kiến, sẽ phải mất tới 2 năm tiếp theo, quân đội Mỹ mới có thể hoạt động trơn tru”.
Hồng Hải (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc