Rạn nứt trong liên minh nổi dậy làm phức tạp cuộc nội chiến ở Yemen
Cuộc tranh giành quyền lực vốn kìm nén lâu nay giữa lực lượng phiến quân Houthi theo dòng Hồi giáo Shiite ở Yemen và cựu Tổng thống nước này Ali Abdullah Sale đã bùng phát công khai, đe dọa đẩy liên minh này tới đổ vỡ.
Ngày 20-8, các tay súng được cho là phiến quân Houthi đã cướp xé các ảnh chân dung của cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh và Ahmed, con trai đồng thời là người thừa kế một thời của ông Saleh, tại một địa điểm ở thủ đô Sanaa, nơi đảng Hội nghị Nhân dân của ông Saleh dự kiến tổ chức các hoạt động kỷ niệm 35 năm ngày thành lập vào ngày 24-8.
Bên cạnh đó, trong ngày 20-8 các binh sĩ có vũ trang xuất hiện với số lượng đông đảo bất thường tại thủ đô Sanaa, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra đụng độ giữa phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Saleh.
Các lực lượng Yemen làm nhiệm vụ trong chiến dịch chống phiến quân Houthi tại tỉnh Taiz, Yemen ngày 28-7. (Ảnh: EPA/TTXVN) |
Ông Saleh cho rằng phiến quân Houthi đã gạt ông và các lực lượng trung thành với ông ra khỏi các quyết định chính trị và quân sự, cũng như các vòng hòa đàm do Liên hiệp quốc bảo trợ nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở Yemen.
Trong khi đó, người đứng đầu phái Houthi, ông Abdul-Malik Al-Houthi chiều 19-8 đã đưa ra các cáo buộc đối với ông Saleh, nói rằng lực lượng Houthi đã bị "đâm sau lưng" trong khi họ đang chiến đấu chống lại liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu.
Cựu Tổng thống Saleh đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc này, đồng thời cho rằng Ủy ban Cách mạng thuộc Houthi thâu tóm ảnh hưởng trong việc đưa ra các quyết định quan trọng, thay vì chính phủ bảo vệ quốc gia mà 2 bên nhất trí thành lập ra.
Rạn nứt giữa lực lượng Houthi và ông Saleh đang làm phức tạp thêm cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua tại Yemen.
Nội chiến ở Yemen bắt đầu vào năm 2014 khi phiến quân Houthi cùng các lực lượng đồng minh trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh tràn xuống từ phía Bắc và chiếm giữ thủ đô Sanaa.
Tháng 3-2015, liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu tiến hành can thiệp quân sự nhằm đánh bật phiến quân và khôi phục chính quyền của Tổng thống Mansur Hadi được quốc tế công nhận.
Theo báo cáo công bố ngày 14-8 của một cơ quan Liên hiệp quốc, số vụ không kích ở Yemen trong nửa đầu năm nay đã vượt quá tổng số vụ của cả năm 2016. Báo cáo không nêu rõ các tổ chức hay quốc gia nào trực tiếp hay gián tiếp thực hiện các vụ không kích này. Tuy nhiên, trên thực tế, liên minh quân sự Arab do Saudi Arabia dẫn đầu đang kiểm soát hầu như toàn bộ không phận Yemen.
Ngoài ra, quốc gia nghèo nhất khu vực Trung Đông này cũng là mục tiêu thường xuyên của các vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ chủ yếu nhằm vào mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda vốn lợi dụng sự hỗn loạn do chiến tranh tại Yemen để bành trướng và gia tăng ảnh hưởng tại đây.
Theo Protection Cluster Yemen - một cơ quan do Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) điều hành, số lượng các cuộc không kích trung bình mỗi tháng tại các tỉnh của Yemen trong những tháng đầu năm nay đã cao gần gấp 3 lần so với năm 2016.
Báo cáo dựa một phần vào dữ liệu do Liên hiệp quốc cung cấp này cũng ước tính rằng số lượng các cuộc đụng độ vũ trang giữa lực lượng ủng hộ chính phủ và phiến quân Houthi tăng trung bình gấp 2 lần so với năm ngoái.
Lực lượng Houthi. (Ảnh: Telegraph) |
Hôm 18-8 vừa qua, Liên hiệp quốc đã yêu cầu tất cả các bên tham gia cuộc nội chiến ở Yemen tạo điều kiện mở đường cho các hoạt động dân sự và thương mại vào các khu cảng và sân bay của nước này. Phó Tổng Thư ký Liên hiệp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Stephen O’Brien cho biết: “Tôi rất đau lòng với những gì mà người dân Yemen đang phải hứng chịu. Tôi rất buồn vì trong hai năm qua, chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều nhưng vẫn không có bất kỳ cải thiện đáng kể nào trong việc khắc phục thảm họa do chính con người gây ra cho đất nước Yemen”.
Chiến tranh và xung đột kéo dài hơn 2 năm qua tại Yemen đã khiến hơn 10.000 người thiệt mạng và khoảng 3 triệu người phải đi sơ tán để lánh nạn, đẩy nước này tới bờ vực của một nạn đói nghiêm trọng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dịch tả bùng phát ở Yemen cũng đã cướp đi sinh mạng của 2.000 người và ước tính nửa triệu người bị mắc căn bệnh nguy hiểm này.
Hồng Như (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc