Kiểm soát sở hữu súng đạn: Vấn đề muôn thuở tại nước Mỹ
09:45, 24/02/2018
Nước Mỹ trong hai tháng đầu năm nay không yên ổn khi xảy ra liên tiếp các vụ xả súng thảm khốc cướp đi sinh mạng của hàng chục người dân vô tội, trong đó các vụ bạo lực súng đạn xảy ra tại trường học khá nghiêm trọng. Tình trạng này lại dấy lên việc kiểm soát sở hữu súng đạn vẫn là vấn đề nhức nhối trong nhiều thập kỷ tại Mỹ.
Ngày 14-2 vừa qua, cả nước Mỹ bàng hoàng trước vụ xả súng tại trường Marjory Stoneman Douglas, Parkland, bang Florida của Mỹ, khiến ít nhất 17 người thiệt mạng. Thủ phạm là Nikolas Cruz, một học sinh cũ của trường. Tuổi đời khá trẻ, mới 19 tuổi, song Cruz đã biết sử dụng súng và "đam mê" súng đạn. Hồi cuối tháng 1 vừa qua, một học sinh mới 15 tuổi đã nã súng vào các bạn học tại một trường trung học ở thành phố Kentucky, miền Tây nước Mỹ, khiến hai học sinh thiệt mạng và 18 người bị thương.
Chỉ một ngày trước đó, một thiếu niên đã bị thương trong vụ xả súng tại căng tin trường học ở bang Texas, trong khi đó, một thiếu niên 14 tuổi bị thương do trúng đạn tại bãi đỗ xe của trường trung học New Orlean.
Người dân Mỹ chắc chắn không thể quên vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ ngày 1-10-2017 tại sòng bạc Mandalay Bay ở thành phố Las Vegas, khiến 59 người dân vô tội thiệt mạng và hơn 500 người bị thương. Mức độ thảm khốc của vụ việc này đã chấn động toàn nước Mỹ. Thảm kịch này đã gợi nhớ vụ tấn công một hộp đêm dành cho người đồng tính nam ở Orlando, bang Florida tháng 6-2016 làm 49 người thiệt mạng.
Sự hoảng loạn của phụ huynh và học sinh tại hiện trường vụ xả súng tại trường cấp 3 Marjory Stoneman Douglas. (Ảnh: AP) |
Những vụ việc trên đã khiến nước Mỹ, quốc gia luôn nhấn mạnh đặt an ninh và trật tự xã hội lên hàng đầu, ngày càng không an toàn, đồng thời khiến môi trường tại các trường học ở nước này dễ bị tổn thương hơn trước làn sóng bạo lực súng đạn.
Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) thừa nhận đây là những vụ xả súng đẫm máu nhất. Súng trường tự động AR-15 mà Nikolas Cruz sử dụng trong vụ thảm sát tại trường Marjory Stoneman Douglas ở Parkland mới đây nằm trong danh sách các vũ khí tấn công bị cấm mà Quốc hội Mỹ đã thông qua năm 1994 và được cựu Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton ký thành luật. Tuy nhiên, văn kiện này đã hết hiệu lực từ năm 2004, và cho tới nay chưa có dự luật nào thay thế. Điều này cho thấy lỗ hổng lớn trong quy trình cấp phép cũng như kiểm soát sở hữu súng đạn tại Mỹ, và gióng lên hồi chuông thúc giục giới chức Mỹ cần có biện pháp siết chặt việc quản lý súng đạn.
Trước sự giận dữ của dư luận sau vụ xả súng đẫm máu tại trường Marjory Stoneman Douglas ở Florida, Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 20-2 thông báo đã ký một bản ghi nhớ yêu cầu Bộ Tư pháp nhanh chóng soạn thảo luật cấm tất cả các thiết bị “độ súng” giúp chuyển đổi những khẩu súng bán tự động thành súng tự động có khả năng bắn nhanh. Đây được xem là tín hiệu tích cực trong nỗ lực kiểm soát súng đạn ở Mỹ bởi người đứng đầu Nhà Trắng vốn là người luôn bảo vệ quyền sở hữu súng đạn trong chiến dịch tranh cử của mình và kể cả khi nhậm chức người đứng đầu nước Mỹ.
|
Thiết bị độ súng mà Tổng thống Donald Trump đề cập tới là loại được hung thủ Stephen Paddock sử dụng trong vụ xả súng đẫm máu nhất lịch sử hiện đại ở Mỹ tại Las Vegas hồi tháng 10-2017. Mặc dù nghi can Nikolas Cruz trong vụ xả súng tại trường học ở Florida hồi tuần trước không sử dụng thiết bị độ súng, song vụ việc này đang khiến các nghị sĩ Quốc hội xem xét đến việc cấm loại thiết bị này.
Đây cũng là một điểm đồng thuận hiếm hoi giữa các nghị sĩ của đảng Dân chủ, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa và Hiệp hội Súng đạn quốc gia (NRA). Việc siết chặt các đạo luật súng đạn sẽ đánh dấu một sự thay đổi trong chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Theo kết quả một cuộc thăm dò được Đại học Quinnipiac công bố ngày 20-2, có tới 2/3 người dân Mỹ được phỏng vấn bày tỏ ủng hộ siết chặt kiểm soát súng đạn. Cụ thể, 66% người được hỏi cho rằng nên thắt chặt các đạo luật kiểm soát súng đạn, trong khi số người nói "không" chỉ chiếm 31%. Đây là tỷ lệ ủng hộ kiểm soát súng đạn cao nhất kể từ khi Đại học Quinnipiac bắt đầu thực hiện các cuộc khảo sát về vấn đề này hồi năm 2008 và tăng 19% so với con số thống kê hồi tháng 12-2015.
Ngoài ra, cuộc thăm dò cũng cho thấy phần lớn người sở hữu súng đều ủng hộ các đạo luật súng đạn nghiêm ngặt hơn. Đặc biệt, số người ủng hộ việc kiểm tra lý lịch người mua súng cũng lên tới 97%, trong khi chỉ có 3% phản đối điều này hoặc không có ý kiến.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế rằng việc kiểm soát súng đạn tại Mỹ không thể thực thi một sớm một chiều và phải vượt qua nhiều "ải", trong đó có giới Cộng hòa bảo thủ và Hiệp hội Súng đạn Mỹ (NRA) - nhóm vận động hành lang đầy quyền lực thường lôi kéo sự ủng hộ của các nghị sỹ Mỹ để bảo vệ lợi ích của mình. Với doanh thu 3,5 tỷ USD mỗi năm từ việc bán súng đạn, chắc chắn NRA không dễ dàng từ bỏ ngành kinh doanh đầy lợi nhuận này, thậm chí, nhóm này đang tìm cách nới lỏng một quy định siết chặt, trong đó có đạo luật cho phép người dân mang súng từ bang này sang bang khác.
Hồng Hà (
Theo
VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc