Ván cờ Syria và thế đối đầu giữa các cường quốc
Các cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Damascus sẽ phải "trả một giá đắt" cho hành động mà phương Tây quy kết là dùng chất độc thần kinh để tấn công tại Douma.
Trước đó, vào ngày 7-4, một số phương tiện truyền thông trích dẫn nguồn tin từ phe đối lập Syria cáo buộc chính phủ nước này tiến hành cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại Douma, Đông Ghouta, cách thủ đô Damacus 10 km về phía tây bắc. Mỹ và một số đồng minh phương Tây ngay lập tức lên án cuộc tấn công này đồng thời đe dọa sẽ có hành động quân sự đối với Syria.
Quân đội Chính phủ Syria và lực lượng đồng minh đang được đặt trong tình trạng báo động cao và thực hiện biện pháp đề phòng trên khắp đất nước sau lời đe dọa tấn công quân sự của Mỹ. Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, từ đêm 9-4, binh sĩ Syria đã nhận lệnh sẵn sàng chiến đấu kéo dài 72 giờ và đang củng cố hầm hào, công sự tại căn cứ. Truyền thông Syria cũng cho biết, lệnh cảnh báo cũng bao gồm tất cả các căn cứ và địa điểm quân sự tại tỉnh phía Nam Sweida, Aleppo, Latakia và Deir Az Zor. Hạm đội Biển Đen của hải quân Nga cũng đã được đặt trong tình trạng báo động cao sau khi một tàu chiến Mỹ được thông báo rời Cộng hòa Síp đến hải phận Syria. Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma Quốc gia Nga Vladimir Shamanov tuyên bố, Nga sẽ đưa ra các biện pháp trả đũa quân sự, ngoại giao và chính trị nếu Mỹ tiến hành tấn công Syria. Đại sứ Nga tại Lebanon Alexander Zasypkin cảnh báo, bất cứ tên lửa nào của Mỹ hướng vào Syria sẽ đều bị bắn hạ và nơi phóng tên lửa này sẽ bị tấn công đáp trả.
Một gia đình Syria trong vùng chiến sự. |
Diễn biến tại phiên họp bất thường của Hội đồng Bảo an về Syria không khiến giới phân tích ngạc nhiên khi nó phản ánh đúng vị thế vào thời điểm hiện tại của Nga và Mỹ trong “hồ sơ Syria”. Các nhà quan sát lưu ý nhiều hơn về thời điểm xảy ra vụ tấn công mà phương Tây cáo buộc quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học và “động cơ” của cáo buộc – thể hiện qua đe dọa tấn công quân sự ngay sau đó.
Sau những thắng lợi của quân đội Chính phủ Syria được Nga hỗ trợ, tình hình tại Syria đã có những bước chuyển tích cực, song dường như không theo “kịch bản” mà Mỹ và phương Tây mong muốn. Hơn 7 năm sau khi xung đột bùng nổ, Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đã kiểm soát được gần hết lãnh thổ Syria, quân đội nước này đang nỗ lực dẹp tan những thành trì còn lại của lực lượng khủng bố thánh chiến cũng như các nhóm phiến quân đối lập. Moskva tiếp tục khẳng định được vị thế của mình tại Trung Đông, và trong “hồ sơ Syria”, cùng các đối tác quan trọng là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, đang vạch ra một lộ trình cụ thể nhằm thúc đẩy giải quyết chính trị cuộc xung đột này.
Trong tình thế đó, các chuyên gia nhìn nhận “nghi án” quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học của phương Tây và cáo buộc “có bàn tay” của Moskva trong vụ này chỉ là “bổn cũ soạn lại” để kích hoạt một cuộc tấn công quân sự mới nhằm vào Syria, tương tự như một năm trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh bắn hơn 50 quả tên lửa hành trình vào căn cứ quân sự của chính quyền Syria để “đáp trả” một vụ tấn công nghi có sử dụng vũ khí hóa học ở Idlib.
Thế đối đầu không khoan nhượng giữa những “người chơi chính” tiếp tục bộc lộ rõ, còn đất nước Syria có chủ quyền lại trở thành “chiến trường ủy nhiệm”. |
Nhà phân tích chính trị Liban, ông Jana Nakah nhận định “chiêu bài” tấn công bằng vũ khí hóa học đã được phương Tây cùng các nhóm phiến quân và vũ trang đối lập tại Syria sử dụng nhiều lần để tạo cớ hợp lý cho sự can thiệp quân sự từ bên ngoài hòng thay đổi cục diện tình hình.
Đặt trong tình huống thực tế hiện nay, quan điểm này không phải là không có cơ sở, nhất là khi quân đội Syria đang trên thế thắng và trở thành một nhân tố quan trọng trên thực địa.
Giới chuyên gia cũng dự báo về các diễn biến kế tiếp theo hướng không thuận và đều thống nhất rằng một cuộc tấn công quân sự dưới hình thức nào cũng đều kéo theo những hậu quả nghiêm trọng. Tấn công quân sự đồng nghĩa với làm trầm trọng thêm sự khốn khổ của người Syria khi hàng triệu người rơi vào cảnh hỗn loạn và có thể khiến chiến tranh kéo dài. Tấn công quân sự cũng đồng nghĩa với cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa hai cường quốc Mỹ - Nga. Cũng không thể bỏ qua vai trò của những bên khác trong vấn đề Syria là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Tình hình tại đây leo thang căng thẳng sẽ khiến tất cả các nước liên quan sa lầy vào vòng xoáy khủng hoảng.
Một vụ tấn công quân sự của Mỹ nhằm vào Syria cũng đồng nghĩa với việc quân đội Mỹ sẽ không rút khỏi quốc gia Trung Đông, dù Tổng thống Trump đã vài lần đề cập khả năng này. Mỹ có những lợi ích đáng kể ở Trung Đông, không chỉ là địa chính trị, mà cả những lợi ích vật chất liên quan việc phân phối lại thị trường năng lượng.
Lợi ích và toan tính khác nhau của “những người chơi” trong “ván cờ” Syria rõ ràng đang khiến các cuộc họp Hội đồng Bảo an bàn về tình hình quốc gia Trung Đông này trở thành “cuộc đối đầu không khoan nhượng”. Cũng một lần nữa, người dân và chính thể hợp pháp tại Syria không được quyền làm chủ vận mệnh của mình.
Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc