Các nước Liên minh châu Âu vẫn bế tắc trong cải cách luật tị nạn
Các nước thừa nhận còn xa mới đạt được thỏa thuận giải quyết bế tắc trong cải cách hệ thống tị nạn của EU. Các bộ trưởng Nội vụ châu Âu đánh giá sự chia rẽ ngày càng sâu sắc bất chấp đề xuất thỏa hiệp được nước chủ tịch luân phiên Bulgaria đặt lên bàn thảo luận.
Sau cuộc họp, Bộ trưởng Nội vụ Bulgaria Valentin Radev tuyên bố việc tìm được một thỏa hiệp sẽ rất khó khăn, nhưng ông tin rằng tất cả đang đi đúng hướng và hy vọng các lãnh đạo các nước EU sẽ đưa ra quyết định hợp lý nhất vào cuối tháng 6.
Hội nghị cấp cao này là thời hạn chót mà Liên minh châu Âu đặt ra để đạt được sự đồng thuận về cải cách Hiệp ước Dublin - văn bản luật quy định quốc gia nào chịu trách nhiệm cho việc xin tị nạn - hiện đã lỗi thời, vốn bị coi là đang đẩy những nước cửa ngõ như Hy Lạp hay Italy lên tuyến đầu.
Tuy nhiên, tình hình cho thấy khó có đột phá tại Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra trong hai ngày 28 và 29-6.
Người tị nạn tại Đức. |
Ba năm sau giai đoạn đỉnh điểm hồi năm 2015, với số người xin tị nạn tại EU lên tới 1,2 triệu người, dòng người nhập cư đổ về các vùng bờ biển châu Âu đã giảm rõ rệt, song điều này không đồng nghĩa với việc châu Âu đã xây dựng được một hành lang bảo vệ giúp ngăn chặn nguy cơ tái diễn một cuộc khủng hoảng nhập cư tương tự.
Sự tái bố trí những người xin tị nạn trong EU từ những nước tiếp nhận tuyến đầu như Italy và Hy Lạp, từng quá tải vì dòng người di cư khổng lồ năm 2015, đang là vấn đề gây tranh cãi. Một số nước Đông Âu như Ba Lan và Hungary luôn phản đối mạnh mẽ giải pháp này và từ chối hạn ngạch tiếp nhận người di cư, một cơ chế đã chia rẽ EU từ 2015-2017.
Về phần mình, Italy luôn yêu cầu mạnh mẽ phải cải cách các quy định Dublin, vốn luôn giao phó chủ yếu gánh nặng tị nạn cho các nước nhập cảnh đầu tiên. Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini đã không đến họp tại Luxembourg, nhưng ông cảnh báo trước đó rằng Italy không thể là "trại tị nạn của châu Âu", thể hiện sự bất bình với tình trạng thảo luận hiện nay. Phát biểu đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu đau đầu, bởi Chính phủ hiện nay tại Italy có tư tưởng chống châu Âu khá mạnh mẽ, trong khi nước này lâu nay vẫn luôn cảm thấy bị EU bỏ mặc trong đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư.
Người di cư chờ làm thủ tục tại trung tâm đăng ký lưu trú ở Berlin, Đức ngày 15-10-2015. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Trong bài diễn văn đọc tại Thượng viện Italy ngày 5-6, tân Thủ tướng Italy, ông Giuseppe Conte khẳng định, Chính phủ của ông sẽ đấu tranh quyết liệt để buộc EU xây dựng một hệ thống phân bổ người tị nạn, tiếp nhận đơn xin tị nạn “một cách tự động” và “bắt buộc” đối với mọi quốc gia thành viên của khối. Theo ông Conte, nhiều năm qua Italy đã trở thành nạn nhân của sự ích kỷ của nhiều nước khác trong EU và phải một mình gánh chịu các chi phí tài chính cũng như gánh nặng an ninh đến từ dòng người tị nạn ồ ạt đổ về châu Âu từ Trung Đông và Bắc Phi. Trong năm 2017, chỉ riêng Italy đã phải tiếp nhận và xử lý gần 120.000 trong tổng số hơn 170.000 người tị nạn đổ về châu Âu. Trong khi đó, nhiều nước châu Âu khác như Hungary, Áo hay Ba Lan thì kiên quyết từ chối tiếp nhận người tị nạn vào nước mình.
Vì thế, Chính phủ mới tại Italy muốn EU hủy bỏ quy định Dublin về việc người tị nạn phải nộp đơn xin tị nạn tại nước châu Âu đầu tiên đặt chân đến, để qua đó buộc tất cả các nước khác thuộc Liên minh san sẻ trách nhiệm. Về phần mình, Chính phủ mới của Italy đang siết chặt các quy định về người tị nạn trên đất Italy và dự định trục xuất hàng trăm ngàn người trong 1 năm tới.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, EU sẽ chỉ có thể giải quyết vấn đề bằng cách làm việc cùng nhau để bảo vệ biên giới của châu Âu, cũng như cân bằng quy định luật pháp của các nước thành viên, đồng thời khẳng định muốn “tiếp tục đối thoại” với Italy.
Theo một nguồn tin ngoại giao, Áo - nước sẽ đảm nhận chức chủ tịch luân phiên từ tháng 7 tới - sẽ đưa ra những đề xuất cải tổ mới, đoạn tuyệt với những biện pháp đang được thảo luận. |
Bộ trưởng Thụy Điển Hélène Fritzon cho rằng không buông xuôi trước khi kết thúc đàm phán, nhưng có thể nói quan điểm của các bên hiện còn rất xa nhau và lo ngại trước một không khí chính trị nặng nề với khả năng thắng cử của phe cực hữu tại châu Âu.
Bộ trưởng Bỉ Theo Francken đánh giá cải tổ luật cư trú hiện đang rất bế tắc. Còn Bộ trưởng Đức Stephan Mayer thì nhấn mạnh ngay cả Chính phủ Đức cũng chỉ trích các điểm cụ thể của tình trạng đàm phán hiện tại, như việc đưa ra đánh giá "không thể chấp nhận" đối với bản thỏa hiệp do Tổng thống Bulgaria chuẩn bị.
Văn bản này bao gồm các biện pháp phân bổ người xin tị nạn ở EU và những biện pháp tái bố trí bắt buộc sẽ chỉ là phương sách cuối cùng với một cuộc bỏ phiếu của các quốc gia thành viên, nếu các biện pháp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật đầu tiên, được kích hoạt tự động trong thời gian khủng hoảng không đủ để giúp giải quyết tình hình.
Được biết, hiện số người di cư sang châu Âu đã bắt đầu giảm. Số người nộp đơn xin tị nạn được chấp nhận tại các quốc gia thành viên EU trong năm 2017 cũng đã giảm gần 25%, xuống còn 538.000 người. Trong số đơn xin tị nạn thành công vào EU, có 60% (tương đương 325.400 người) xin tị nạn ở Đức, tiếp đến là Pháp (40.600 người), Italy (35.100 người) và Áo (34.000 người). Số liệu thống kê của Eurostat công bố hồi tháng 3 vừa qua cho thấy trong năm ngoái có 650.000 đơn xin tị nạn ở các nước EU, giảm một nửa so với năm 2016. Số đơn xin tị nạn vào EU đạt kỷ lục vào năm 2015 khi có tới gần 1,26 triệu người nộp đơn.
Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc