Châu Âu chờ đợi Italy sớm vượt qua khủng hoảng chính trị
Ngay sau khi được Tổng thống giao trọng trách thành lập chính phủ mới, Thủ tướng tạm quyền Carlo Cottarelli thông báo sẽ tiến hành cuộc bầu cử mới vào đầu năm 2019. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Tổng thống Sergio Mattarella, ông Carlo Cottarelli cho biết: “Tôi sẽ sớm trình danh sách các Bộ trưởng lên Tổng thống. Tôi cũng sẽ trình lên Quốc hội một chương trình hành động, nếu giành được sự ủng hộ của Quốc hội sẽ bao gồm việc thông qua ngân sách năm 2019 và sau đó Quốc hội sẽ bị giải tán với các cuộc bầu cử bắt đầu vào năm 2019. Tuy nhiên nếu không được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ từ chức ngay lập tức và sẽ chỉ đảm nhiệm chức năng chính là quản lý các vấn đề cho đến khi các cuộc bầu cử được tổ chức sau tháng 8-2018”.
Cuộc khủng hoảng chính trị của Italy tưởng chừng tạm lắng đã bùng phát trở lại sau khi Thủ tướng được chỉ định Giuseppe Conte từ chức chỉ 5 ngày sau khi được Tổng thống Sergio Mattarella giao nhiệm vụ đứng ra thành lập một chính phủ liên minh.
Kết cục này một lần nữa cho thấy tình thế bấp bênh và chia rẽ trên chính trường Italy, đặc biệt khi cuộc bầu cử Italy ngày 4-3 vừa qua đã dẫn đến một "Quốc hội treo", không có đảng hoặc chính đảng nào giành được đa số phiếu cần thiết để tự thành lập chính phủ.
Ông Conte từ bỏ nỗ lực thành lập chính phủ liên minh giữa đảng Phong trào 5 Sao (M5S) và đảng Liên đoàn phương Bắc (LN) sau khi Tổng thống Mattarella “phủ quyết” và không chấp thuận việc đề cử cựu Bộ trưởng Công nghiệp Paolo Savona, nhân vật có quan điểm hoài nghi châu Âu, làm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính. Quyết định của Tổng thống Mattarella phần nào thể hiện quan điểm kiên quyết của ông tìm mọi cách tránh cho Italy kịch bản có một chính phủ phản đối và hoài nghi châu Âu, song cũng khoét sâu thêm những bất đồng giữa các phe phái ở Italy.
Thủ tướng mới được chỉ định của Italy Carlo Cottarelli. |
Lãnh đạo M5S Luigi Di Maio và người đứng đầu đảng Liên đoàn phương Bắc Matteo Salvini chỉ trích quyết định phủ quyết của Tổng thống là "chịu ảnh hưởng của nước ngoài". Ông Maio đã kêu gọi luận tội Tổng thống Mattarella theo điều 90 của Hiến pháp, trong khi ông Salvini cảnh báo sẽ tổ chức tuần hành quy mô lớn nếu như bầu cử sớm không được tiến hành.
Về phần mình, Tổng thống Mattarella kiên quyết từ chối nhượng bộ những mong muốn của M5S và LN mà ông cho là đi ngược lại lợi ích của đất nước, đồng thời khẳng định đã làm hết sức để hỗ trợ việc thành lập chính phủ mới, trừ việc chấp nhận một bộ trưởng có tư tưởng đưa Italy ra khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Trên thực tế, cuộc khủng hoảng chính trường hiện nay tại Italy đã được báo trước bởi kết quả cuộc bầu cử ngày 4-3 đã đẩy nền kinh tế lớn thứ ba trong Eurozone vào thế bế tắc chính trị mà giới phân tích cho rằng phải mất tới vài tháng mới có thể gỡ bỏ. Ngay cả việc đảng LN và đảng M5S ký thỏa thuận thành lập một liên minh cầm quyền hôm 18-5 vừa qua, dẫn tới ông Conte được chỉ định đứng ra thành lập chính phủ, cũng chỉ là lối thoát tình thế.
Trước đó, Tổng thống Mattarella đã chủ trì 3 vòng tham vấn với các chính đảng về việc thành lập một chính phủ liên minh sau bầu cử, song đều thất bại bởi các bên không đạt được đồng thuận. Tổng thống Mattarella cũng từng đề xuất thành lập một chính phủ "trung lập" để điều hành đất nước cho đến hết năm nay, ý tưởng bị cả đảng cực hữu LN lẫn đảng dân túy M5S phản đối, và đây là nguyên nhân khiến hai đảng này xúc tiến thỏa thuận liên minh.
Sau quyết định rời EU của Anh, Italy trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 của châu Âu. Do đó, tiến trình thành lập Chính phủ tại Italy có ý nghĩa rất quan trọng với nền kinh tế, thị trường chứng khoán cũng như chính sách nhập cư với người tị nạn của Liên minh châu Âu. |
Thủ tướng được chỉ định Carlo Cottarelli cho biết, Italy sẽ có đối thoại với Liên minh châu Âu (EU) và nhấn mạnh sự tham gia vào Eurozone của Italy là cần thiết.
Ngay sau quyết định của Tổng thống Sergio Mattarella, nhiều nước châu Âu lên tiếng ủng hộ quyết định này, đồng thời bày tỏ hy vọng Italy sẽ sớm có một chính phủ ổn định. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, Tổng thống Italy đang thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ hiến pháp quốc gia với sự "can đảm và tinh thần trách nhiệm". Ủy viên Ngân sách EU Guenther Oettinger kêu gọi các đối tác trong khu vực đồng tiền chung châu Âu nỗ lực để thuyết phục các cử tri Italy về giá trị của việc sử dụng đồng tiền chung, qua đó thể hiện sự ủng hộ với quan điểm thân EU của Tổng thống Italy. Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders cũng nhấn mạnh: “Để thành lập một Chính phủ sẽ cần thời gian. Tôi tin tưởng rằng chúng ta cần phải ưu tiên hàng đầu cho một Chính phủ ổn định. Tôi hy vọng Italy có thể hướng đến việc thành lập một Chính phủ, nếu không có sẽ có các cuộc bầu cử mới. Ý tưởng đó là cần một Chính phủ có thể làm việc hiệu quả với EU. Đó là nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo chính trị Italy”.
Triển vọng của các cuộc bầu cử mới tại Italy đang gây lo ngại cho các nhà đầu tư rằng cuộc bỏ phiếu có thể trở thành một cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của Italy trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Các đảng chính trị Italy cũng đang cân nhắc chiến thuật bầu cử.
Giới phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng lần này chỉ là phần nổi, còn mấu chốt vấn đề vẫn là sự "bế tắc" cố hữu trong hệ thống chính trị của Italy. Thậm chí, ngay trước cuộc bầu cử ngày 4-3, Giáo sư ngành chính trị học tại Đại học LUISS ở Rome, Roberto D'Alimonte, từng cảnh báo: “Cho dù cuộc bầu cử diễn ra như thế nào, tình hình sẽ vẫn u ám và mong manh”. Trong vòng 70 năm qua kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai, Italy đã trải qua không dưới 65 chính phủ, số lượng chính phủ có thể duy trì hoạt động ít nhất là một nhiệm kỳ trọn vẹn, có nghĩa là 5 năm kể từ sau một cuộc bầu cử quốc hội cho đến khi một quốc hội mới được bầu ra, thực sự hiếm hoi.
Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc