Căng thẳng Mỹ - Iran: Con đường duy nhất để đàm phán là Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân
Các nhà lãnh đạo Iran đã “tạt gáo nước lạnh” vào tuyên bố của Tổng thống Trump sẵn sàng gặp các lãnh đạo Iran vô điều kiện.
Ngày 31-7, giới chức Iran đồng loạt lên tiếng bác bỏ đề nghị đàm phán vô điều kiện của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho rằng đề nghị này là vô nghĩa, không có giá trị bởi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran. Giới lãnh đạo Iran khẳng định, con đường duy nhất để tiến tới đàm phán là Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.
Trước đó, trong một tuyên bố ngày 30-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi nhấn mạnh "không thể đối thoại hay tiếp xúc với Chính phủ Mỹ hiện nay do Washington chứng tỏ họ không đáng tin cậy”. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng "các chính sách thù địch của Mỹ”, trong đó có việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử, được Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015, cũng như việc Washington dự định áp đặt các biện pháp trừng phạt và gây sức ép đối với Tehran, đã cản trở đối thoại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cũng loại trừ khả năng xảy ra đối đầu quân sự giữa Iran và Mỹ. Tuy nhiên, theo ông, Tehran sẵn sàng đối phó với bất kỳ động thái gây chiến nào của Washington. Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei cũng cho rằng bất kỳ cuộc đối thoại nào với Mỹ nhằm giải quyết các vấn đề song phương hiện nay rõ ràng là một "sai lầm”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: Getty Images |
Các quan chức Iran thẳng thắn bác bỏ đề xuất của Tổng thống Mỹ là điều không quá ngạc nhiên bởi chỉ cách đó ít ngày, Tổng thống Mỹ còn “nhắn nhủ” Tổng thống Iran trên mạng Twitter về hệ quả nếu Iran tiếp tục đe dọa Mỹ. Thông điệp của Tổng thống Mỹ đã được truyền tải lại qua tuyên bố mới nhất của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo: “Ngay lúc này, Mỹ đang thực hiện chiến dịch gây sức ép về tài chính và ngoại giao nhằm cắt đứt nguồn tiền mà chính quyền Iran có thể sử dụng để làm giàu và thực hiện các hành vi hủy diệt. Mỹ có nghĩa vụ gây sức ép tối đa nhằm vào nguồn tài chính của Iran. Trọng tâm của chiến dịch là tái áp đạt các lệnh cấm vận và nhắm vào lĩnh vực năng lượng, ngân hàng của Iran. Như chúng tôi đã giải thích trong những tuần qua, trọng tâm của chúng tôi là phối hợp với các nước nhập khẩu dầu thô của Iran để đưa khối lượng nhập khẩu về số 0, chậm nhất vào ngày 4-11”.
Những tuyên bố mang tính “vừa đánh vừa đàm” của giới chức Mỹ cùng sự thay đổi chính sách đã bị các nhà lãnh đạo Iran phản ứng dữ dội. Lãnh đạo Hội đồng Chiến lược đối ngoại của Iran, ông Kamal Kharrazi tuyên bố, Iran “không thấy có bất kỳ giá trị nào” trong đề nghị đàm phán của Tổng thống Trump. Theo ông, Tổng thống Mỹ trước hết cần “sửa chữa” cho hành động rút khỏi thỏa thuận và chứng tỏ sự tôn trọng đối với những cam kết mà chính phủ tiền nhiệm đã đưa ra cũng như tuân thủ luật pháp quốc tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Iran, chính trị gia thuộc phe ôn hòa của Iran, ông Ali Motahari cho rằng, đàm phán với Tổng thống Mỹ vào thời điểm này là một “sự sỉ nhục”. Hãng thông tấn IRNA dẫn lời ông Motahari nói rõ rằng, nếu như Tổng thống Donald Trump không rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và không áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Iran thì đã không có vấn đề gì trong việc đàm phán với người Mỹ. Bộ trưởng Nội vụ Iran Abdolreza Rahmani Fazli thì tuyên bố Iran không tin tưởng Mỹ là đối tác đàm phán đáng tin cậy.
Nhà phân tích Mohammad Marandi thuộc Đại học Tehran, thành viên trong nhóm đàm phán thỏa thuận hạt nhân cho rằng Iran không thể đàm phán với người vi phạm các cam kết quốc tế, đe dọa hủy diệt các quốc gia và liên tục thay đổi lập trường.
Giới quan sát cho rằng đề xuất của Tổng thống Mỹ không những không xoa dịu được căng thẳng mà còn thúc đẩy chính sách cứng rắn của Iran. |
Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, tướng Mohammad Ali Jafari tuyên bố Iran không phải là Triều Tiên, trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi cho rằng, đề nghị của Tổng thống Mỹ mâu thuẫn với chính hành động của ông, bởi “trừng phạt và gây sức ép” không phải là ý định tiến tới đối thoại thực sự.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 29-7 tuyên bố người dân Iran có thể vượt qua giai đoạn "nguy cấp" hiện tại, bất chấp những biện pháp trừng phạt được sửa đổi của Mỹ. Theo Ngoại trưởng Zarif, Tehran có thể biến sức ép trở thành động lực để gia tăng sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng không phải dầu mỏ nhằm cho Mỹ thấy rằng Washington cần từ bỏ cách tiếp cận trừng phạt.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 31-7 cũng tuyên bố việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân là "bất hợp pháp”. Ông nêu rõ, Nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran không bao giờ muốn gây căng thẳng trong khu vực và không muốn có bất kỳ phiền nhiễu gì trên những vùng biển toàn cầu, song sẽ không dễ dàng từ bỏ những quyền xuất khẩu dầu mỏ. Tổng thống Rohauni và các chỉ huy quân sự cấp cao Iran còn tuyên bố, nếu Mỹ tìm cách bóp nghẹt xuất khẩu dầu của Iran thì nước này sẽ làm gián đoạn việc vận chuyển dầu lửa của các nước vùng vịnh Persia khi đi qua eo biển Hormuz và rằng, eo biển sẽ vẫn mở cửa chừng nào lợi ích quốc gia của Iran được bảo toàn. Iran cũng tuyên bố Mỹ sẽ sai lầm nếu trông đợi Saudi Arabia và các quốc gia sản xuất dầu lửa khác có thể bù đắp lượng dầu thiếu hụt một khi sản lượng dầu của Iran bị suy giảm do lệnh cấm vận. Phó Tổng thống Iran Eshagh Jahangiri tuyên bố chính phủ và Ngân hàng Trung ương cuối tuần này sẽ công bố kế hoạch kinh tế mới nhằm ứng phó với lệnh cấm vận của Mỹ và sự lao dốc của đồng nội tệ.
Trước phản ứng dữ dội của Iran, chính quyền Mỹ lập luận rằng, ý định sẵn sàng gặp các nhà lãnh đạo Iran của Tổng thống Donald Trump không có nghĩa là thay đổi chính sách gia tăng sức ép đối với Iran, mà mục tiêu sau cùng là “tìm cách thay đổi hành vi của Iran”. Sự leo thang căng thẳng khiến Ngoại trưởng Mỹ không có kế hoạch gặp người đồng cấp Iran tại Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra tại Singapore, cho dù cả ngoại trưởng Mỹ Pompeo và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đều dự phiên họp của ASEAN vào ngày 4-8.
Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc