Multimedia Đọc Báo in

Cộng đồng quốc tế chỉ trích Mỹ tái áp đặt trừng phạt Iran

08:03, 11/08/2018

Ngày 7-8, trên tài khoản Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp đặt trở lại lệnh trừng phạt đối với Iran, đồng thời cảnh báo "bất kỳ ai làm ăn với Tehran sẽ không được làm ăn với Mỹ".

Các doanh nghiệp lo lắng

Các biện pháp trừng phạt đợt đầu của Mỹ có hiệu lực từ 4 giờ 1 ngày 7-8 theo giờ GMT (11 giờ 1 theo giờ Việt Nam), nhằm vào các giao dịch mua USD, vàng và các kim loại quý, cùng một số ngành công nghiệp chủ chốt như than, nhôm, thép và phần mềm sử dụng trong công nghiệp của Iran. Dự kiến đến ngày 5-11 Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đợt hai nhằm vào các lĩnh vực cảng biển, năng lượng, vận tải biển và đóng tàu, các giao dịch dầu mỏ và các thỏa thuận kinh doanh giữa các thể chế tài chính nước ngoài với Ngân hàng trung ương Iran.

Thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa Iran với các cường quốc thế giới (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) đã “mở cửa” cho các doanh nghiệp châu Âu vào thị trường hấp dẫn như Iran. Nhiều công ty đã khởi động kế hoạch đầu tư, kinh doanh ở Iran. Khi đó chẳng mấy ai nghĩ rằng sẽ có ngày Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran. Vì vậy, những biện pháp trừng phạt này đánh dấu bước ngoặt đáng kể đối với các công ty đang theo đuổi cơ hội kinh doanh ở Iran. Nó ảnh hưởng không chỉ các doanh nghiệp Mỹ và Iran, mà cả các công ty và cá nhân ở các nước khác làm ăn kinh doanh với Iran.

Theo các biện pháp trừng phạt Mỹ, các công ty của các nước khác, trong đó có cả EU, làm ăn kinh doanh với Iran sẽ bị cấm làm ăn ở Mỹ. Các ngân hàng và các công ty tài chính có thể mất quyền tiếp cận thị trường tài chính Mỹ nếu họ tiếp tục làm ăn với Iran. Tình hình hiện nay khiến nhiều công ty châu Âu nghĩ đến việc chấm dứt các hoạt động của mình ở Iran. Các công ty Pháp như Total và hãng sản xuất ô tô PSA đã bày tỏ ý định nhiều khả năng sẽ rút khỏi quốc gia Trung Đông này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Tehran tại Washington, DC.  (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Tehran tại Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhiều công ty châu Âu khác, đặc biệt là ở Đức cũng lo ngại không kém. Khoảng 120 công ty Đức đang hoạt động tại Iran và khoảng 10.000 doanh nghiệp Đức làm ăn với Iran. Xuất khẩu của Đức sang Iran trong năm 2017 trị giá khoảng 3 tỷ euro (3,75 tỷ USD). Tuy nhiên, các đại diện công nghiệp lo ngại các công ty của Đức sẽ phải rời khỏi Iran nếu họ không được miễn trừ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Và khả năng này cũng khó xảy ra trong bối cảnh hiện nay.

Volker Treier, một chuyên gia về xuất khẩu tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu của Đức sang Iran giảm 4% và xu hướng này vẫn đang tiếp diễn. Điều này trái ngược hẳn so với năm ngoái, khi xuất khẩu tăng tới 16%. Đã có nhiều lời kêu gọi từ Berlin và Brussels về việc hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn với Iran bằng cách đặt các biện pháp đảm bảo các kênh tài chính hiệu quả với Iran.

Nhiều nước chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống Iran

Động thái của Washington đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, trong đó có các đồng minh châu Âu và những nước tham gia ký thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm 2015.

Chính phủ Đức ngày 6-8 nói rằng nước này sẽ tiếp tục đưa ra các biện pháp đảm bảo về đầu tư và xuất khẩu cho các công ty làm ăn với Iran. Họ cũng đang đàm phán với các đối tác Mỹ về việc loại trừ các công ty Đức khỏi lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.

Tổng thống Mỹ Donald Trump rõ ràng đã “phớt lờ” cảnh báo của cộng đồng quốc tế, không ngần ngại “đứng riêng một bên” trong vấn đề Iran, bất chấp quan hệ với các đồng minh truyền thống ở châu Âu vì động thái này của Mỹ càng thêm sứt mẻ.

Liên minh châu Âu cũng đã kích hoạt điều luật phòng vệ để bảo vệ các công ty châu Âu khỏi tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Nội dung chính của điều luật này là cấm các công ty châu Âu tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Điều luật này cũng cho phép các công ty phục hồi những thiệt hại do lệnh trừng phạt gây ra và vô hiệu hóa các phán quyết của tòa án nước ngoài đối với họ. Điều này có nghĩa là một công ty châu Âu sẽ bị trừng phạt nếu như rút khỏi các dự án kinh tế với Iran do sức ép từ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Đây được xem là phản ứng mạnh mẽ mà châu Âu muốn gửi đến chính quyền Mỹ của ông Donald Trump, nhằm phản đối chính sách đơn phương và độc đoán của Mỹ trong vấn đề hồ sơ hạt nhân Iran.

Công nhân làm việc tại nhà máy thép Alloy ở Yazd, Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Công nhân làm việc tại nhà máy thép Alloy ở Yazd, Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên hiệp quốc tiếp tục tái khẳng định sự ủng hộ đối với thỏa thuận hạt nhân Iran. Phát biểu ngày 7-8, phát ngôn viên Liên hiệp quốc Farhan Haq cho biết Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres luôn tin rằng văn kiện này xứng đáng tiếp tục nhận được sự ủng hộ và tất cả các bên tham gia thỏa thuận này cần tuân thủ các điều khoản được nêu trong thỏa thuận.

Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố Nga "thất vọng sâu sắc" về việc Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng đối với Iran. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cảnh báo quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump tái áp đặt trừng phạt Iran có thể làm gia tăng bất ổn tại Trung Đông và thúc đẩy các thế lực cực đoan trong khu vực này.

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko cho biết Nhật Bản sẽ phân tích kỹ lưỡng tình hình và kiên trì đàm phán với Mỹ để tránh các tác động tiêu cực đối với các hoạt động giao thương của Nhật Bản. Ông Seko nêu rõ Tokyo sẽ tiếp tục đàm phán với Washington về một sự miễn trừ, theo đó cho phép Nhật Bản mua dầu của Iran.

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi ngày 7-8 cũng tuyên bố nước này không đồng tình với các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Iran, song khẳng định Bagdad sẽ vẫn tuân thủ các lệnh trừng phạt này để bảo vệ những lợi ích của mình.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.