Multimedia Đọc Báo in

"Bão" lại nổi trên chính trường nước Đức

10:38, 02/11/2018
Sau cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội liên bang đầy sóng gió vào tháng 9-2017, phải hơn nửa năm sau một chính phủ đại liên minh mới có thể thành lập, chính trường Đức lại đứng trước một cuộc khủng hoảng mới khi kết quả cuộc bầu cử Nghị viện bang Hessen cho thấy uy tín của các đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã sụt giảm nghiêm trọng tới mức nào.

Thủ tướng Đức tuyên bố rút lui - sự kết thúc của “kỷ nguyên Merkel”

Tại bang Hessen, với việc chỉ giành được 27% phiếu bầu, CDU mất tới 11,3% số phiếu so với cuộc bầu cử năm 2013. Tương tự, SPD cũng mất tới 10,9% số phiếu, chỉ còn lại 19,8% phiếu bầu. Tổng cộng, hai trong số ba đảng tham gia chính phủ đại liên minh ở cấp liên bang đã bị mất tới 22,2% phiếu bầu ở bang Hessen. Kết quả đáng thất vọng này đến chỉ hai tuần sau một thất bại khác của chính phủ đại liên minh trong cuộc bầu cử bang Bayern, khi đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), đảng "chị em" với CDU và chỉ hoạt động tại Bayern, mất tới 10,5% số phiếu bầu.

Sau thất bại của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử tại bang Hessen, bà Merkel đã quyết định không tham gia tranh cử chức Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) tại đại hội đảng vào tháng 12 tới sau gần 20 năm lãnh đạo đảng này. Bà cũng khẳng định sẽ không tiếp tục đảm nhiệm cương vị người đứng đầu Chính phủ thêm một nhiệm kỳ nào nữa. Điều này có nghĩa là nếu không có bất ngờ nào khác, bà Merkel sẽ làm việc tối đa đến năm 2021 trước khi rút lui hoàn toàn khỏi chính trường. Mặc dù luật pháp Đức không bắt buộc thủ tướng phải là người đứng đầu một đảng phái chính trị nào đó, nhưng theo truyền thống, đây được coi là chìa khóa thành công cho bất kỳ cá nhân hay đảng phái nào trong lịch sử nước Đức.

Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại cuộc họp lãnh đạo đảng CDU tại Berlin ngày 29-10-2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại cuộc họp lãnh đạo đảng CDU tại Berlin ngày 29-10-2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuộc bầu cử ở bang Hessen được ví như một thước đo đối với nền chính trị ở thủ đô Berlin và thất bại của cả CDU lẫn SPD khiến uy tín của Chính phủ đại liên minh và cá nhân Thủ tướng Angela Merkel vốn dĩ đã thấp nay càng bị sứt mẻ.

Phản ứng trước quyết định của Thủ tướng, nhiều người dân Đức bày tỏ lấy làm tiếc vì bà Merkel đã làm tốt nhiệm vụ của mình, nhưng cũng cho rằng quyết định của Thủ tướng sẽ tạo nên một điều mới mẻ cho chính trường Đức.

Còn đối với châu Âu, việc bà Angela Merkel tuyên bố rút lui khỏi vị trí Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo và không tái tranh cử vào năm 2021 chắc chắn sẽ có những tác động lớn, nhất là trong bối cảnh sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đảng cực hữu và hoài nghi châu Âu. Là lãnh đạo của nền kinh tế lớn nhất trong khối, bà Merkel được coi như là lãnh đạo thật sự của Liên minh châu Âu và có những dấu ấn quan trọng về kinh tế và ngoại giao.

Tương lai nước Đức sẽ mang màu Nâu hay Xanh?

Một nhân tố đáng lưu ý, là đảng AfD (được gọi là đảng Nâu) đã giành thêm 9% để đạt tỷ lệ phiếu bầu 13,1% và có mặt tại nghị viện bang Hessen. Đây là bang cuối cùng mà đảng theo đường lối thiên hữu có nhiều biểu hiện cực hữu này giành được ghế tại nghị viện, đồng nghĩa với việc AfD đã có mặt tại cơ quan lập pháp của toàn bộ 16 bang của nước Đức, tại Quốc hội Liên bang Đức cũng như tại Nghị viện châu Âu. Như một hệ quả tất yếu, AfD sẽ đào sâu hơn nữa những chia rẽ trong xã hội Đức, đặc biệt trước những vấn đề nóng bỏng như cực đoan và bài ngoại. Nước Đức vốn đang chìm trong cuộc khủng hoảng người di cư và sự lớn mạnh thần tốc của AfD càng có nguy cơ khiến xã hội bất ổn.

 
Bà Merkel dường như không có lựa chọn nào khác khi phải đối mặt với sự bất mãn ngày càng tăng ngay trong chính nội bộ liên minh cầm quyền. Những tranh cãi không hồi kết với Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer, đồng thời là lãnh đạo đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo đã khiến liên đảng cầm quyền trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Sự nổi lên của một đảng nhỏ khác là đảng Xanh cũng phần nào làm mờ đi hình ảnh cầm quyền không thể thay đổi của các đảng lớn tại Đức. Trái ngược với xu thế tụt dốc thê thảm của CDU, CSU và SPD, đảng Xanh lại giành chiến thắng ngoạn mục trong hai cuộc bầu cử cấp bang vừa qua. Tại bang Bayern, đảng theo đuổi các mục tiêu bảo vệ môi trường, sinh thái và có thái độ chống phân biệt chủng tộc này giành 17,5% phiếu, tăng 8,9% so với năm 2013. Còn tại bang Hessen, đảng này vươn lên ngang hàng với SPD, tăng 8,7% phiếu bầu so với bốn năm trước.

Cử tri bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở Neukirchen, bang Bayern, Đức ngày 14-10.
Cử tri bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở Neukirchen, bang Bayern, Đức ngày 14-10.

Hàng chục năm kể từ khi được thành lập năm 1980, đảng Xanh đã dần dần vượt xa hơn nền tảng ban đầu là những nhà bảo vệ môi trường. Đảng Xanh đã thay đổi và mở rộng chính sách sang các vấn đề kinh tế và xã hội, sự phát triển của lực lượng lao động và vấn đề nhập cư. Và sự thay đổi chiến lược này có vẻ như đã đem lại hiệu quả trong tỷ lệ ủng hộ của đảng Xanh.

Câu hỏi không chỉ người dân Đức, mà cả châu Âu quan tâm lúc này là Chính phủ Đức hiện nay sẽ đi về đâu sau thông báo của bà Merkel? Nhìn vào kết quả các cuộc thăm dò dư luận đáng thất vọng thời gian gần đây, những người bảo thủ và dân chủ xã hội không còn quan tâm nhiều tới sự đổ vỡ của đại liên minh nữa. Chính vì thế theo các nhà phân tích, những diễn biến trên chính trường Đức thời gian tới chắc chắn sẽ có những tác động to lớn, có thể làm thay đổi bức tranh chính trị không chỉ của nước Đức, mà cả châu Âu.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)

 

 


Ý kiến bạn đọc