Multimedia Đọc Báo in

Bức tranh Trung Đông năm 2018: Nhiều gam màu "nóng"

09:22, 29/12/2018
Nếu dùng màu sắc để phác họa bức tranh Trung Đông trong năm 2018, thì ắt hẳn đó sẽ là gam “nóng”.
 
Sức nóng của chiến sự, đụng độ tại một số nơi trên “chảo lửa” Trung Đông, sức nóng của xung đột lợi ích giữa các phe phái và sức nóng của tranh giành ảnh hưởng quyết liệt giữa các cường quốc... khiến tình hình Trung Đông vẫn phức tạp và khó lường, mặc dù năm 2018 đã chứng kiến “ngày tàn” của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria.

Xét trên bình diện toàn thế giới, có thể nói năm qua Trung Đông là khu vực gắn với nhiều bất ổn và căng thẳng bùng nổ nhất. Nguy cơ an ninh, bất ổn chính trị, khủng bố cực đoan hay thảm họa nhân đạo tồi tệ do chiến tranh gây ra trở thành những vệt điểm xuyết càng làm tăng độ “chói gắt” của bức tranh Trung Đông 2018.

Sẽ không quá lời khi nói rằng Mỹ là “tay vẽ” chính tạo nên bức tranh Trung Đông “nóng”. Chính sách và chiến lược của Tổng thống Donald Trump đối với Trung Đông phần nào trở thành yếu tố chủ chốt gây bất ổn, trong nhiều trường hợp khiến tình hình thêm rối ren. Đơn cử như cuộc xung đột Israel - Palestine. Dải Gaza - vùng đất bị “nhuộm máu” vì xung đột khi căng thẳng Israel - Palestine không thể giải quyết với đỉnh điểm vào ngày 14-5-2018 khi Mỹ khánh thành Đại sứ quán tại Jerusalem – một động thái khiến giới chuyên gia cảnh báo có thể làm gia tăng căng thẳng tại khu vực, đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông vốn đã đình trệ tiếp tục lâm vào thế bế tắc. Trong khi đó, căng thẳng Mỹ - Iran một lần nữa đe dọa “khai tử” thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được giữa Iran và nhóm P5+1 vào năm 2015. Tháng 5-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận mà ông gọi là “tồi tệ nhất lịch sử”. Theo đó, Washington cũng tái áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh mẽ với Iran. Cùng với đồng minh Israel, Mỹ tìm mọi cách ngăn cản Iran mở rộng ảnh hưởng tại Trung Đông. Đêm 9-5-2018, Israel không kích Syria, tuy nhiên, các mục tiêu bị tấn công lại là cơ sở hạ tầng quân sự của Iran. Đây là hành động quân sự mạnh mẽ nhất của không quân Israel tại Syria kể từ năm 1973 và xảy ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Một cuộc không kích tại Daraa, Syria ngày 27-3-2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một cuộc không kích tại Daraa, Syria ngày 27-3-2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Những hành động của Mỹ trong vấn đề Iran hay xung đột Israel - Palestine được xem là sự “đảo ngược” chính sách tại Trung Đông, song đối với Tổng thống Donald Trump, nó phục vụ mục tiêu “Nước Mỹ trước tiên”. Mỹ luôn coi Iran là “mối đe dọa” đụng chạm đến các lợi ích chiến lược dài hạn của Washington tại Trung Đông, phá hỏng cấu trúc an ninh khu vực do Mỹ thiết lập dựa trên các đồng minh ở khu vực như Israel và Saudi Arabia. Một cuộc xung đột quân sự với Iran vào thời điểm này rõ ràng không phải là kịch bản mà ông chủ Nhà Trắng mong muốn, nhưng o ép về kinh tế, cô lập về ngoại giao hay răn đe về quân sự, như việc Mỹ điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS John C. Stennis tới vùng Vịnh, sẽ là những phương án Washington ưu tiên để tìm cách “khuất phục” Iran. Dù vậy, khi Iran từng có nhiều năm kinh nghiệm đối phó với các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây, thì Mỹ cũng không dễ đạt được mục đích.

Tình hình Trung Đông 2018 còn chịu sự chi phối của nhiều thế lực ở cả trong và ngoài khu vực và trở thành địa bàn “va chạm” lợi ích chiến lược quyết liệt giữa các cường quốc. Tiến trình hòa bình Syria bước vào năm 2018 đầy triển vọng với Đại hội Đối thoại dân tộc Syria tại Sochi vạch lộ trình thành lập Ủy ban Hiến pháp mới. Tuy nhiên, sự can dự của quá nhiều bên với những mục tiêu đối lập tại quốc gia này đang là yếu tố khiến tương lai chính trị Syria chưa thể định hình.

Nga, đồng minh chính của Chính phủ Syria, đang thể hiện vai trò dẫn dắt tiến trình hòa bình ở Syria thông qua phối hợp với các đối tác ở khu vực gồm Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, dù toan tính và lợi ích địa chính trị của nhóm “bộ ba” đàm phán Astana này nhiều khi vẫn mâu thuẫn. Trục bên kia, Mỹ và phương Tây, cùng các đồng minh của Washington như Israel, bảo vệ lợi ích của mình ở Syria thông qua việc hậu thuẫn phe đối lập Syria với mục tiêu không che giấu là thay đổi chế độ ở quốc gia này. Tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” của các bên can dự vào cuộc khủng hoảng Syria thực sự làm phức tạp và cản trở những nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình.

Có thể nói “bức tranh Trung Đông” 2018 là sự pha trộn của những mối mâu thuẫn âm ỉ và dai dẳng chưa có hướng hóa giải, của những tiến trình hòa bình vẫn còn dang dở.

Ngay cả việc Tổng thống Trump ngày 19-12 tuyên bố rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Syria có vẻ sẽ không làm thay đổi cục diện, bởi Mỹ hoàn toàn có thể can thiệp quân sự vào Syria từ khoảng 20 căn cứ quân sự của Washington tại Trung Đông, tương tự như chiến dịch không kích của liên quân Mỹ, Anh và Pháp nhằm vào Syria hồi tháng 4 vừa qua. Nói cách khác, Mỹ không từ bỏ lợi ích của mình ở Trung Đông, mà sẽ chuyển sang chiến lược can thiệp có lựa chọn, thay vì “nhúng tay” toàn diện vào các công việc ở Trung Đông, phần còn lại sẽ dựa vào các đồng minh thân cận trong khu vực như Israel hay Saudi Arabia.

Xung đột giữa người biểu tình Palestine và binh sĩ Israel ở phía bắc Dải Gaza ngày 19-11-2018. (Ảnh: THX/TTXVN)
Xung đột giữa người biểu tình Palestine và binh sĩ Israel ở phía bắc Dải Gaza ngày 19-11-2018. (Ảnh: THX/TTXVN)

Khi các thế lực bên ngoài mới là nhân tố quyết định lộ trình hòa bình ở Syria, thì hy vọng về một nền hòa bình lâu dài cho Yemen, vừa được nhen nhóm sau vòng đàm phán do Liên hiệp quốc bảo trợ diễn ra ở Thụy Điển trung tuần tháng 12 vừa qua, cũng như “chỉ mành treo chuông”. Xung đột Yemen đang được xem là “cuộc chiến ủy nhiệm” tiếp theo ở Trung Đông, nơi mà vòng đấu tranh giành ảnh hưởng giữa hai cường quốc khu vực Saudi Arabia và Iran càng lúc càng khó khoan nhượng. Sự can thiệp của liên minh quân sự các quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu vào cuộc nội chiến ở Yemen từ năm 2015 thậm chí càng khiến cuộc xung đột khó giải quyết. Cuộc nội chiến tranh giành quyền lực kéo dài từ 2015 đến nay với sự can thiệp của các lực lượng nước ngoài đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người dân Yemen vô tội và đẩy hơn 3 triệu người rơi vào cảnh ly tán. Theo ước tính của Liên hiệp quốc, có khoảng 20 triệu người đang cần viện trợ và có tới 13 triệu người, đặc biệt là trẻ em đang đối mặt với nạn đói. Gần 8,5 triệu người Yemen hiện đang tồn tại nhờ vào nguồn cứu trợ của Chương trình Lương thực thế giới.

Diễn biến Trung Đông năm 2019 còn chứa đựng nhiều ẩn số khó lường với những nguy cơ lúc nào cũng có khả năng bùng nổ, khi các cường quốc đều đang tìm lời giải cho “bài toán” lợi ích địa chiến lược của riêng mình tại khu vực quan trọng này.

Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.