Multimedia Đọc Báo in

Cuộc "chia ly" Anh - EU với tương lai chưa ngã ngũ

08:13, 02/12/2018
Ngày 25-11, các nước Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã ký thỏa thuận lịch sử dài gần 600 trang để nước Anh rút khỏi EU (gọi là Brexit) với các điều kiện chi tiết của “cuộc chia ly” cùng với một tuyên bố chính trị về quan hệ tương lai Anh - EU và một số phụ lục về vấn đề chủ quyền Gibraltar, đánh bắt cá cũng như chống bán phá giá.

Văn bản thỏa thuận, là kết quả cuộc đàm phán 17 tháng ròng căng thẳng EU và Anh, sẽ được chuyển cho Quốc hội Anh và sau đó là Nghị viện châu Âu để phê chuẩn trước khi có hiệu lực ngày 29-3-2019, thời điểm nước Anh chính thức “dứt áo ra đi”.

27 nước EU hẳn hài lòng khi đạt một thỏa thuận bảo toàn được lợi ích và tôn trọng các “ranh giới đỏ” như sự toàn vẹn của thị trường nội địa, quyền của các kiều dân, sự tôn trọng các cam kết tài chính từ phía Anh và tránh được một đường biên giới cứng tại đảo Ireland. Thỏa thuận cho phép EU giảm thiểu được ảnh hưởng do Brexit gây ra cho các quốc gia thành viên, bảo đảm đầy đủ quyền lợi của công dân EU.

Sau khi dự thảo thỏa thuận Brexit được toàn thể các nước thành viên EU thông qua, Thủ tướng Anh Theresa May ngày 27-11 chính thức bước vào “cuộc chiến cân não” ở trong nước nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nghị sĩ. Làm thế nào để thuyết phục các nghị sĩ tại Nghị viện Anh là một thách thức lớn đối với bà May khi chỉ còn hơn hai tuần nữa sẽ diễn ra cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện (11-12).

Chủ tịch  Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (giữa) và Thủ tướng Anh Theresa May (trái) tại Brussels, Bỉ ngày 24-11-2018.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (giữa) và Thủ tướng Anh Theresa May (trái) tại Brussels, Bỉ ngày 24-11-2018.

Thực tế thì nữ Thủ tướng Anh đã không còn đường lùi bởi thời hạn Anh rời EU vào ngày 29-3-2019 đã tới quá gần. Trong bối cảnh nước Anh chia rẽ sâu sắc về Brexit, việc không đạt được thỏa thuận chia tay với EU chẳng khác nào một “ngón đòn hiểm”, một mặt gây tổn hại nặng nề cho nền kinh tế Anh, vốn nằm trong số ba đối tác thương mại lớn nhất của EU, chiếm 13% thương mại hàng hóa và dịch vụ của khối, mặt khác làm xói mòn nghiêm trọng uy tín chính trị của bà May. Để đi tới thỏa thuận này, Thủ tướng May đã phải nhượng bộ không ít trong các cuộc thương lượng với EU, hứng chịu khá nhiều “búa rìu” chỉ trích, bản thân nội các do bà đứng đầu cũng bị sứt mẻ khi hàng loạt bộ trưởng từ chức để phản đối chính sách Brexit của bà May.

Có vẻ những tuyên bố và hành động của giới lãnh đạo EU là ngầm biểu đạt một tuyên ngôn: “Đây là thời điểm để tất cả mọi người có trách nhiệm”, mà ở đây “quả bóng trách nhiệm” đã được chuyền cho Quốc hội Anh, nơi chắc chắn là cửa ải khó khăn nhất của Thủ tướng May và thỏa thuận Brexit. Căn cứ tình hình chính trị tại Anh hiện nay thì kết quả của cuộc bỏ phiếu giữa tháng 12 tới vẫn còn là một ẩn số khó lường, số phận của thỏa thuận vẫn còn rất bấp bênh.

Trong trường hợp thỏa thuận được phê chuẩn thì sau ngày 29-3-2019, Anh rời khỏi EU, nhưng trên thực tế nước này vẫn tiếp tục tham gia vào thị trường chung, tự do đi lại, đóng góp ngân sách nhưng không tham dự ra quyết định. Lúc này Anh và EU bắt đầu đàm phán về mối quan hệ tương lai.

Có thể nói Thủ tướng Anh Theresa May gần như đã “đặt cược” cả tương lai chính trị của mình khi nỗ lực kêu gọi nội các Anh thông qua, cũng như người dân Anh ủng hộ bản dự thảo thỏa thuận Brexit này, xem đây là một quyết định mang lại những lợi ích tốt nhất cho đất nước.

Trong trường hợp Quốc hội Anh từ chối thỏa thuận, tùy theo tiến triển của tình hình, Ủy ban châu Âu tuyên bố sẽ sẵn sàng tại bất cứ thời điểm nào để công bố kế hoạch về các biện pháp khẩn cấp. Tuy nhiên, không một quan chức nào của EU đề cập đến vấn đề này trong hội nghị thượng đỉnh bất thường vừa diễn ra.

Trường hợp sau đêm định mệnh 29-3-2019 mà vẫn không có thỏa thuận, Anh sẽ trở thành một nước thứ ba đối với EU và luật pháp EU sẽ ngừng áp dụng tại Anh. Công dân EU sống ở Anh không được hưởng các quyền lợi như trước. Thương mại giữa Anh và EU sẽ được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới. Một loạt tác động xấu sẽ xảy ra như các hãng hàng không Anh sẽ không thể hạ và cất cánh trong không gian EU; bằng cấp và chứng chỉ nghề nghiệp của Anh không được công nhận tại EU; người tiêu dùng đột ngột mất quyền chuyển vùng điện thoại miễn phí tại Anh; các dự án được Quỹ châu Âu tài trợ sẽ lập tức bị ảnh hưởng…

Toàn cảnh hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ ngày 25-11-2018.
Toàn cảnh hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ ngày 25-11-2018.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, cơ hội đối với Thủ tướng Anh vẫn rất lớn bởi Ngân hàng Trung ương Anh vừa đưa ra dự báo thỏa thuận Brexit mà Chính phủ Anh và EU vừa đạt được bị Nghị viện Anh bác bỏ và nước Anh rời khỏi EU vào ngày 29-3-2019 tới mà không có thỏa thuận nào, đồng bảng Anh có thể sụt giảm 25% giá trị. Ngoài ra, một loạt các chỉ số khác cũng trở nên tồi tệ hơn: GDP của Anh vào thời điểm cuối năm 2023 sẽ giảm từ 7,8 - 10,5% so với thời điểm tháng 5-2016, tức ngay trước khi diễn ra cuộc trưng cầu ý dân về Brexit. Tỷ lệ thất nghiệp cũng sẽ tăng vọt lên mức 7,5% và lạm phát sẽ ở mức 6,5%.

Số phận của thỏa thuận sơ bộ cũng như tương lai mối quan hệ Anh - EU cho tới nay vẫn chưa thể ngã ngũ. Và dù gì đi chăng nữa, trong trường hợp Anh ra đi mà không có thỏa thuận, các cuộc đàm phán giữa EU và Anh sẽ phải được khởi động để hai bên cố gắng cùng nhau giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.