Hội nghị COP 24: Cộng đồng quốc tế nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu
Hội nghị đã tiến được một bước rất dài khi vượt qua rất nhiều bất đồng để thống nhất Chương trình nghị sự thực hiện Thỏa thuận Paris 2015. Đây được xem là cột mốc đánh dấu việc thỏa thuận đạt được tại Pháp cách đây 3 năm về ứng phó với biến đổi khí hậu chính thức có giá trị, với những quy tắc cụ thể ràng buộc trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới trong nỗ lực chống lại sự ấm lên của Trái đất. Theo đó, mỗi quốc gia sẽ được hướng dẫn để xây dựng các báo cáo về phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính một cách minh bạch và cách thức để giảm mức phát thải này. Thị trường trao đổi tín chỉ carbon cũng sẽ có những quy tắc mới, rõ ràng hơn. Các nước phát triển cùng các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư quốc tế sẽ chung tay nhiều hơn để hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc ứng phó biến đổi khí hậu.
Các đại biểu tại phiên họp bế mạc Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 24. |
Trước đó, đa số các nước thành viên đều tái khẳng định sự ủng hộ đối với báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ LHQ về biến đổi khí hậu (IPCC). Tuy nhiên, bất đồng đã nảy sinh giữa các nước phát triển và đang phát triển, đặc biệt liên quan tới cách diễn đạt trong báo cáo của IPCC, vạch ra những lý do cần phải giới hạn sự ấm lên của Trái đất ở dưới ngưỡng 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp cũng như giảm lượng khí phát thải nhà kính. Một bất đồng nữa là cách thức xác định mức độ hỗ trợ cho các nước đang chịu nhiều thiệt hại do tình trạng biến đổi khí hậu khi mà cam kết xây dựng ngân sách trị giá 100 tỷ USD hằng năm (tới năm 2020) khó có thể được thực hiện sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút nước này ra khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Trước nguy cơ COP24 thất bại sau 10 ngày làm việc, Tổng Thư ký LHQ Anonio Guterres đã một lần nữa quay trở lại Katowice để hối thúc các nhà lãnh đạo và các đoàn đàm phán thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong việc bảo vệ Trái đất trước hiện tượng ấm lên toàn cầu. Ông đã có một bài phát biểu thứ hai ở COP24, sau lần phát biểu ở ngày khai mạc, với những lời lẽ mạnh mẽ hơn, thôi thúc các quốc gia tìm tiếng nói chung trong những ngày ngắn ngủi còn lại của hội nghị. Quyết tâm ấy của Liên hiệp quốc còn được thể hiện thông qua việc kéo dài chương trình làm việc của COP24 thêm một ngày, để các nhà đàm phán có thêm thời gian thảo luận, giải quyết những khúc mắc còn tồn đọng. Để rồi, nút thắt cuối cùng ấy cũng được tháo gỡ, với việc các nhà lãnh đạo thông qua Chương trình nghị sự thực hiện Thỏa thuận Paris.
Khí thải bốc lên từ nhà máy ở Saint-Avold, miền đông Pháp. |
Kết thúc hội nghị, các nước cam kết xây dựng và hoàn thành chương trình nghị sự thực hiện Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2015. Đồng thời nỗ lực hoàn tất một bộ quy chuẩn nhằm kìm hãm sự tăng nhiệt của Trái đất ở dưới mức 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp và tiếp tục nỗ lực để hạn chế sự gia tăng nhiệt đến 1,5oC. Các nước tham dự cũng đã cam kết thúc đẩy những nỗ lực cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - một trong những nguyên nhân khiến nhiệt độ Trái đất ấm lên - thông qua việc chuyển đổi sử dụng các nguồn năng lượng, chú trọng tới nguồn năng lượng tái tạo, xanh và sạch hơn. Nhân dịp này Ngân hàng Thế giới đã công bố khoản đầu tư vào kế hoạnh hành động chống biến đổi khí hậu trị giá 200 tỷ USD trong giai đoạn từ 2021-2025, đồng thời nhấn mạnh rằng con số này gấp đôi so với khoản ngân sách 5 năm hiện nay.
Hội nghị COP 24 diễn ra trong bối cảnh hàng loạt báo cáo mới nhất cho thấy những thách thức về khí hậu vẫn chưa được giải quyết và lượng khí thải carbon toàn cầu được dự báo tăng lên mức cao nhất mọi thời đại trong năm nay. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), 20 năm nóng nhất trong lịch sử đều xảy ra trong vòng 22 năm qua. Trong khi đó, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu toàn cầu, đang ở mức cao kỷ lục, dẫn đến hậu quả là thế giới có thể sẽ chứng kiến mức tăng nhiệt độ từ 3-5oC vào cuối thế kỷ này.
Các nhà khoa học cũng đã cảnh báo việc khí hậu biến đổi nhanh chóng đang tác động đến mọi mặt của đời sống con người. Môi trường sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến bùng phát dịch bệnh, làm thay đổi cấu trúc gen của các virus bệnh truyền nhiễm tạo ra những biến thể nguy hiểm hơn. An ninh lương thực, nguồn nước sạch bị đe dọa nặng nề. Hàng chục địa điểm trên thế giới có nguy cơ bị đại dương nhấn chìm. Cháy rừng làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí trên diện rộng. Năm 2017, biến đổi khí hậu đã khiến thế giới thiệt hại hơn 320 tỷ USD trong khi 41 triệu người dân ở Nam Á và 900.000 người ở châu Phi phải sống trong cảnh lụt lội.
Tuy nhiên, thành công của COP24 ở Katowice là không thật sự trọn vẹn, khi trong suốt thời gian hai tuần diễn ra hội nghị, những bất đồng sâu sắc giữa các quốc gia đã được phơi bày. Việc Mỹ - một trong những quốc gia có lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính hàng đầu thế giới - tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris, hay một số nước khác như Brazil, Nga, Saudi Arabia, Trung Quốc... bảo vệ quan điểm khá cứng rắn trong việc ưu tiên phát triển kinh tế... đã để lại những dư vị không mấy ngọt ngào cho COP24, có thể cản trở nhiều đến nỗ lực chung của toàn nhân loại.
Theo WMO, nhiệt độ Trái đất đã tăng thêm 1OC chỉ trong 3 năm qua cùng với mực nước biển dâng cao, cháy rừng nghiêm trọng tại nhiều quốc gia, các hình thái thời tiết cực đoan như thiên tai gây thiệt hại nặng nề cả người và của, các đợt nóng kéo dài và các cơn bão hung dữ có sức tàn phá lớn cũng xuất hiện với tần suất ngày một dày hơn, diễn biến phức tạp và khó lường hơn... |
Hồng Hà (Theo TTXVN, SGGP)
Ý kiến bạn đọc