Multimedia Đọc Báo in

Thông qua Hiệp ước toàn cầu về di cư

09:10, 15/12/2018
Ngày 10-12, Hiệp ước Toàn cầu về di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên đã chính thức được thông qua tại Hội nghị Liên hiệp quốc (LHQ) diễn ra tại Marrakesh (Maroc) với sự tham dự của các nhà lãnh đạo và đại diện của khoảng 150 nước trên thế giới.

Hiệp ước toàn cầu về người di cư được xây dựng trên cơ sở Tuyên bố New York về Người di cư và Người tị nạn được thông qua tại Phiên họp 71 Đại hội đồng tháng 9-2016 (Tuyên bố New York). Sau 18 tháng tham vấn và đàm phán với sự tham gia tích cực và trách nhiệm của đa số quốc gia thành viên LHQ, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, cơ quan chuyên môn LHQ, tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng kiều dân, người di cư và các bên liên quan, Hiệp ước được đánh giá là sự dung hòa quan tâm và lợi ích của các quốc gia thành viên, bao trùm tất cả các khía cạnh của di cư trong đó người di cư là trung tâm. Hiệp ước không mang tính ràng buộc pháp lý, được xây dựng trên cơ sở tôn trọng chủ quyền quốc gia, chia sẻ trách nhiệm, không phân biệt đối xử và các quyền con người cơ bản; đưa ra khuôn khổ tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý di cư vì di cư hợp pháp, an toàn và trật tự phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình Nghị sự 2030.

Người di cư trong hành trình vượt eo biển Manche từ Pháp tới Anh ở ngoài khơi bờ biển Calais,  Pháp ngày 4-8-2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người di cư trong hành trình vượt eo biển Manche từ Pháp tới Anh ở ngoài khơi bờ biển Calais, Pháp ngày 4-8-2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh Hiệp ước này là lộ trình để ngăn chặn "sự hỗn loạn và nỗi thống khổ". Ông Guterres tuyên bố Hiệp ước này là cơ cấu khung cho sự hợp tác quốc tế, không mang tính ràng buộc về pháp lý và bao gồm một vài điều khoản cụ thể về chủ quyền, khiến việc thực thi Hiệp ước này chỉ dựa vào thiện chí của những quốc gia ủng hộ.

Người đứng đầu LHQ đưa ra tuyên bố trên nhằm bác bỏ một số chỉ trích cho rằng Hiệp ước này sẽ cho phép LHQ áp đặt các chính sách về người di cư đối với các nước thành viên.

Hiệp ước ra đời trong bối cảnh làn sóng người di cư đổ tới châu Âu với quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trong đó đa số trốn chạy khỏi các cuộc xung đột và nạn nghèo đói ở các nước Trung Đông và châu Phi.

Theo kế hoạch, sau khi được phê chuẩn, Hiệp ước Toàn cầu về di cư sẽ được đưa ra bỏ phiếu thông qua tại Đại Hội đồng LHQ dự kiến diễn ra trong ngày 19-12 tới.

Khi được tất cả các quốc gia thành viên LHQ, trừ Mỹ, thông qua hồi tháng 7 vừa qua, Hiệp ước này được hoan nghênh là một thành công ngoại giao của LHQ. Tuy nhiên, mới đây, các nước Hungary, Áo, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Bulgaria và Australia đã liên tiếp tuyên bố rút khỏi hiệp ước này. Chile là quốc gia mới nhất theo sau một số nước đồng loạt tuyên bố rút khỏi hoặc không thông qua Hiệp ước toàn cầu về di cư. Trước thời điểm diễn ra Hội nghị cấp cao của LHQ về Hiệp ước này, chỉ có hơn 150 nước đăng ký tham gia sự kiện nói trên, mặc dù đã được tất cả 193 quốc gia thành viên LHQ, trừ Mỹ, nhất trí hồi tháng 7 vừa qua.

Ngày 7-12, trong một tuyên bố dài 3 trang, Mỹ đã lên tiếng chỉ trích, coi Hiệp ước là “một nỗ lực của LHQ nhằm tăng kiểm soát toàn cầu và giảm quyền tự quyết của các nước đối với hệ thống nhập cư của chính mình”.

Được coi là văn kiện quốc tế đầu tiên về quản lý người di cư, Hiệp ước đặt ra 23 mục tiêu  bảo đảm di cư hợp pháp và quản lý dòng người di cư tốt hơn trong bối cảnh số người di cư trên toàn thế giới đã tăng lên mức 250 triệu người, tương đương 3% dân số toàn thế giới. Hiệp ước này bao gồm các nội dung như làm cách nào để bảo vệ người di cư, giúp người di cư hòa nhập tại môi trường sống mới hay đưa người di cư trở lại quê nhà.

Trong khi đó, tại châu Âu, mặc dù lượng người di cư qua đường biển đã giảm rõ rệt, nhưng “dư chấn chính trị” do làn sóng này gây ra đang gây chia rẽ trên chính trường nhiều nước. Ngày 9-12, Chính phủ của Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã rơi vào vị thế thiểu số sau khi một loạt các bộ trưởng dân tộc chủ nghĩa thuộc đảng Liên minh Flemish mới (N-VA) từ chức vì bất đồng sâu sắc đối với hiệp ước trên.

Tại Đức, cùng ngày 9-12, tân Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) Annegret Kramp-Karrenbauer đã lên kế hoạch nhằm thay đổi các chính sách di cư của đảng trước các cuộc bầu cử ở châu Âu năm 2019 - một động thái được xem là dấu hiệu có thể “phá vỡ” cách tiếp cận tự do về chính sách di cư của Thủ tướng Đức. Chính sách di cư đang là một trong những vấn đề gây chia rẽ sâu sắc nhất trong nội bộ đảng CDU.

Xe chở người di cư Honduras tại khu vực Mapastepec, bang Chiapas, Mexico trong hành trình tới Mỹ.
Xe chở người di cư Honduras tại khu vực Mapastepec, bang Chiapas, Mexico trong hành trình tới Mỹ.

Rất nhiều cử tri Đức đã chuyển hướng sang ủng hộ đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo đường lối bài ngoại vì lo ngại trước sự hội nhập của người di cư. Tại Hà Lan, một cuộc khảo sát gần đây đã chỉ ra rằng 41% người được hỏi phản đối việc ký kết Hiệp ước so với 34% ủng hộ.

Làn sóng những người phản đối gia tăng khiến châu Âu ngày càng lạnh nhạt trong tiếp nhận người di cư. Theo Reuters, ít nhất 6 quốc gia EU đã bày tỏ ý định rút khỏi Hiệp ước toàn cầu về di cư, một dấu hiệu cho thấy khối này đang ngày càng siết chặt việc chấp nhận người tị nạn và người di cư.

Mặc dù thỏa thuận này không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, song có thể được xem như “kim chỉ nam” đối với các quốc gia đang phải giải quyết vấn đề di cư. Tuy nhiên, như thừa nhận của đặc phái viên LHQ phụ trách vấn đề di cư quốc tế, bà Louise Arbour, sẽ có nhiều thách thức trong quá trình thực thi Hiệp ước này.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.