Chính phủ Mỹ "kẹt" trong "bức tường chính trị"
Trong bài phát biểu gần 10 phút vào sáng 9-1 (giờ Việt Nam), Tổng thống Trump không ngần ngại vẽ lên bức tranh “khủng khiếp” về “cuộc khủng hoảng nhân đạo và an ninh” mà nước Mỹ đang phải đối mặt do tình trạng nhập cư trái phép ở biên giới với Mexico. Đó là vấn nạn buôn lậu ma túy qua đường biên giới khiến mỗi tuần có tới 300 công dân Mỹ thiệt mạng vì hêrôin, là nhiều vụ án giết người man rợ mà thủ phạm đều là những người nhập cư trái phép, là những cơ hội việc làm đã bị mất, tiền lương bị giảm sút và gánh nặng đối với nguồn lực cộng đồng mà mọi người dân Mỹ đều phải gánh chịu.
Với những lập luận đó, ông chủ Nhà Trắng tiếp tục nhắc lại yêu cầu Quốc hội thông qua khoản ngân sách 5,7 tỷ USD để xây dựng bức tường biên giới. Ông còn khoét sâu thêm mâu thuẫn với đảng Dân chủ khi quy toàn bộ trách nhiệm cho đảng này vì không chịu chi ngân sách cho vấn đề an ninh biên giới, khiến một phần chính phủ cho tới nay vẫn bị đóng cửa.
Sự kiên định và quyết không “xuống nước” của nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục khiến thế giằng co với các nghị sĩ đảng Dân chủ ngày càng quyết liệt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng sau cuộc họp với các nghị sĩ cấp cao đảng Dân chủ về vấn đề ngân sách ở Washington DC., ngày 4-1-2019. (Nguồn: THX/TTXVN) |
Ít phút sau phát biểu của ông Trump, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cũng đăng đàn trên sóng truyền hình trực tiếp cáo buộc ông Trump gieo rắc sự sợ hãi khi vẽ nên một bức tranh sai lệch về một quốc gia đang bị đe dọa. Hai lãnh đạo Dân chủ này chỉ trích chính Tổng thống Trump là người tạo ra cuộc khủng hoảng nước Mỹ đang đối mặt.
Bầu không khí đối đầu căng thẳng trên tiếp tục hạ thấp triển vọng đạt được một thỏa thuận nhằm sớm chấm dứt việc đóng cửa một phần chính phủ trong các cuộc đàm phán giữa Nhà Trắng và phe Dân chủ sắp tới. Cả hai có vẻ đang cùng xây một “bức tường chính trị” mà những nỗ lực vượt qua nó để mở cửa trở lại chính phủ hầu như đều đang “húc đầu vào đá”.
Một số nhà phân tích ước tính đợt đóng cửa lần này gây thiệt hại 6 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ, một món tiền còn lớn hơn cả ngân sách mà Tổng thống Trump đòi có được để xây bức tường ở đường biên giới với Mexico. |
Chưa rõ liệu hai bên sẽ tìm kiếm được một sự thỏa hiệp như thế nào, song tác động của tình trạng chính phủ đóng cửa bắt đầu đè nặng lên đời sống hằng ngày của người dân Mỹ.
Không chỉ là những nhân viên thuộc hệ thống công quyền, chính những người nghèo, những người phải nhận trợ cấp từ các Quỹ của liên bang cũng đang là nạn nhân chính của cuộc chiến ngân sách này.
Bộ Nông nghiệp Mỹ hôm 7-1 thông báo, hệ thống tem phiếu của cơ quan này để hỗ trợ hơn 38 triệu người có thể bị giới hạn kể từ tháng 2 nếu không được tiếp tục nhận được nguồn vốn từ ngân sách. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, 38 triệu người Mỹ này nằm trong số những người có thu nhập thấp được nhận hỗ trợ từ Chương trình trợ giúp dinh dưỡng bổ sung. Mỗi tháng chương trình này tiêu tốn ngân sách khoảng 4,8 tỷ USD. Nếu Chính phủ bị đóng cửa tới tháng 2, đồng nghĩa với việc ngân sách của Chương trình này sẽ thiếu khoảng 1,8 tỷ USD và số tiền trợ cấp cho mỗi người sẽ giảm đi 1/3 một tháng. Thậm chí nếu Chính phủ đóng cửa kéo dài đến tháng 3 thì mọi người sẽ không còn nhận được trợ cấp.
Nếu nguồn trợ cấp bị cắt giảm, sẽ dẫn tới hiệu ứng domino là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ và các chuỗi bán lẻ như siêu thị cũng bị ảnh hưởng. Theo một báo cáo của Trung tâm Ưu tiên chính sách và ngân sách Mỹ (CBPP), trong năm tài khóa 2017, Chương trình trợ giúp dinh dưỡng bổ sung đã tạo ra 63 tỷ USD lợi nhuận cho khoảng 260.000 nhà bán lẻ từ hoạt động mua thực phẩm, 80% trong số đó là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.
Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết các Tòa án liên bang đang phải dùng đến những đồng quỹ ngân sách cuối cùng và sẽ cạn kiệt vào tuần tới nếu Chính phủ bị đóng cửa. Những người làm công ăn lương trong các cơ quan Chính phủ đang lo ngại, nếu tình trạng này không được giải quyết, họ sẽ không còn khả năng thanh toán các khoản chi trả hằng tháng. Hãng tin AFP hôm 8-1 đưa tin, rác chất đống trong các công viên quốc gia và các điểm công cộng do thiếu nhân viên dọn vệ sinh. Hoạt động an ninh tại các sân bay cũng bị ảnh hưởng do nhân viên của Cục an ninh Vận tải không đến làm việc.
Việc chính phủ Mỹ đóng cửa cũng đã gây ra những tác động dây chuyền tới cộng đồng khoa học nước này. Hội nghị thường niên lần thứ 233 của Hiệp hội Thiên văn học Mỹ (AAO) diễn ra tại thành phố Seattle nhưng vắng bóng các đại diện đến từ Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), một trong những cơ quan chịu ảnh hưởng do Chính phủ Mỹ hết ngân sách hoạt động. Trong khi đó, tại thành phố Phoenix, hàng trăm chuyên gia thuộc Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ và nhiều cơ quan chính phủ khác cũng đã bất ngờ báo vắng mặt vào phút chót khi không thể đến tham dự một hội thảo về khí hậu và thời tiết quy tụ hàng nghìn nhà khí tượng học. Trong số những người vắng mặt có nhiều chuyên gia Cơ quan Khí quyển và dại dương quốc gia (NOAA), cơ quan bảo trợ cho Cơ quan Thời tiết quốc gia, nơi các nhân viên có nhiệm vụ cảnh báo và dự báo thời tiết. Các nhân viên cơ quan này hiện đang làm việc mà không được trả lương. Cùng chung cảnh ngộ là Quỹ Khoa học quốc gia, một trong những nguồn tài trợ nghiên cứu chính ở Mỹ. Hiện cả NASA và Quỹ Khoa học quốc gia đều không có kế hoạch cử các chuyên gia tới tham dự các cuộc hội thảo sắp tới cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc