Multimedia Đọc Báo in

Dự báo thế giới năm 2019: Những nguy cơ an ninh tiềm tàng

13:45, 04/01/2019

Với cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine và một ông chủ Nhà Trắng khó đoán định nhất từ trước tới nay, giới chuyên gia quốc tế dự báo sẽ không có nhiều bất ngờ về những "điểm nóng" an ninh trên bản đồ chính trị thế giới trong năm 2019.

Các nước châu Âu đã trải qua một năm 2018 nhiều biến động và điều này được dự báo tiếp diễn trong năm 2019 khi nhiều sự kiện tác động đến tình hình chính trị "lục địa già”.

Năm 2019 đánh dấu việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit - vào ngày 29-3 tới. Nếu tránh được kịch bản "cứng" - không thỏa thuận - với EU, London sẽ bước vào giai đoạn chuyển tiếp trong tiến trình này. Nước Pháp cũng là một trong những thách thức an ninh trên bản đồ châu Âu khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đối mặt với sức ép gia tăng từ làn sóng biểu tình "Áo vàng", vốn kéo dài nhiều tuần qua tại nước này. Ngoài ra, một số sự kiện khác cũng gây chú ý như cuộc bầu cử nghị viện châu Âu vào tháng 5 tới, vốn được xem là sẽ đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của các đảng cánh hữu; sự bất ổn của chính trường Đức trước thời điểm Thủ tướng Angela Merkel mãn nhiệm; hay Italy hiện bị coi là quốc gia dễ bị tổn thương nhất trong Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurzone).

Năm 2019 được đánh giá là năm thách thức trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.  (Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại cuộc gặp ở Singapore ngày 12-6-2018). Ảnh: AFP/TTXVN
Năm 2019 được đánh giá là năm thách thức trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. (Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại cuộc gặp ở Singapore ngày 12-6-2018). Ảnh: AFP/TTXVN

Nơi có nguy cơ xung đột leo thang hơn cả là Ukraine sau khi Nga bắt giữ 3 tàu hải quân cùng thủy thủ Ukraine ở Biển Đen hồi tháng 11-2018, cáo buộc Kiev xâm nhập trái phép lãnh hải của Nga, điều mà Ukraine bác bỏ. Cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine vào ngày 31-3 sắp tới có thể sẽ không tạo ra biến động lớn nào ở Ukraine nhưng hoàn toàn có thể gây ra sự thiếu chắc chắn. Do căng thẳng liên tục giữa Nga và Mỹ, ngay cả một sự thay đổi nhỏ cũng có thể đe dọa sự cân bằng mong manh vốn đã tồn tại trong nhiều năm qua, có khả năng khiến khu vực Đông Âu rơi vào hỗn loạn.

Thế giới năm 2019 liệu có phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn hơn trong năm 2018? Câu trả lời có thể là không, bất chấp việc quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ xấu đi có thể mang lại dự cảm không mấy tốt lành cho tương lai. Sự suy yếu của Mỹ trong vai trò cường quốc quân sự số 1, đi kèm với đó là sự thay đổi trật tự toàn cầu vẫn sẽ là gốc rễ khiến cho thế giới ngày càng trở nên bất ổn.

Tình hình Biển Đông trong năm 2019 được dự báo vẫn phức tạp khi Trung Quốc nhiều khả năng tiếp tục có các động thái làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Biển Đông đã trở thành một trong những “trận địa” của cuộc đối đầu Mỹ - Trung trong bối cảnh cọ xát thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới không ngừng gia tăng.

Đối với Trung Đông, giới phân tích nhận định năm 2019 sẽ là năm then chốt đối với cuộc xung đột tại Yemen và Syria, đặc biệt là sau khi Tổng thống Trump quyết định rút toàn bộ quân (khoảng 2.000 binh lính) khỏi Syria và ngừng hỗ trợ Saudi Arabia trong cuộc chiến tại Yemen.

Giống như lò than âm ỉ cháy, ngọn lửa chiến tranh ở Trung Đông có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Bất ổn chính trị ở Iran có thể gây bất ổn cho toàn khu vực hoặc khiến Iran trở nên hung hăng hơn hoặc biến nước Cộng hòa Hồi giáo trở thành mục tiêu hấp dẫn cho kẻ thù. Căng thẳng giữa người Kurd, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq có thể bùng phát thành xung đột bất cứ lúc nào. Cuối cùng, nhà lãnh đạo của Saudi Arabia đã hết lần này đến lần khác chứng minh tuyên bố chấp nhận rủi ro khi hành động không phải lời nói suông, ngay cả khi ngày càng có nhiều những lời xì xào về sự ổn định của vương quốc này. Có thể thấy, do tầm quan trọng chiến lược của khu vực nên bất kỳ sự bất ổn nào cũng có thể dẫn đến xung đột giữa Mỹ, Nga hoặc thậm chí là cả Trung Quốc.

Sau những đột phá ngoại giao chưa từng thấy trong năm 2018 với các cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Triều Tiên - Hàn Quốc và Triều Tiên - Mỹ, năm 2019 được đánh giá là năm thách thức trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Hồ sơ hạt nhân Triều Tiên phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Nếu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể giảm leo thang căng thẳng thương mại, Trung Quốc có thể duy trì sức ép để đảm bảo sự bình yên cho bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, nếu ngược lại, việc Triều Tiên quay trở lại thử nghiệm vũ khí hạt nhân khó có thể tránh khỏi và có thể dẫn tới hành động quân sự của Mỹ và gây ra cuộc chiến tranh trên diện rộng hơn tại khu vực này.

Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.