Multimedia Đọc Báo in

Những sóng gió trong câu chuyện "Brexit"

08:34, 19/01/2019
Chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May hôm 16-1 đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội nước này, qua đó dọn đường để nhà lãnh đạo Anh nỗ lực thiết lập sự nhất trí của các nghị sĩ về một thỏa thuận Brexit.

Với 325 phiếu thuận và 306 phiếu chống, các nghị sĩ Anh đã thể hiện sự tín nhiệm với Chính phủ, chỉ 24 giờ sau khi Quốc hội Anh không thông qua thỏa thuận Brexit do bà May đề xuất, khiến việc “ra đi” của Anh rơi vào hỗn loạn.

Ngay sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, Thủ tướng Anh Theresa May đã khởi động các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo các đảng phái chính trị khác nhau của Anh, nhằm thúc đẩy việc thỏa thuận Brexit sẽ được các nghị sĩ thông qua trong lần trình tới. Thủ tướng May khẳng định nước này sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 29-3 tới bất chấp việc Hạ viện Anh bác bỏ thỏa thuận Brexit mà nội các của bà và các lãnh đạo Liên minh châu Âu đã nhất trí hồi cuối năm ngoái.

Trước đó, thỏa thuận Brexit đã bị bác bỏ trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Anh tối 15-1 – được đánh giá là thất bại cay đắng của Thủ tướng Theresa May. Với số phiếu chênh lệch quá lớn, 423 phiếu chống và chỉ có 202 phiếu ủng hộ, không chỉ kế hoạch Brexit rơi vào khủng hoảng mà toàn bộ Chính phủ Anh cũng có thể hứng chịu tương lai bấp bênh. Tuyên bố của bà May về việc nhanh chóng trở lại Brussels để thương lượng nhằm có được sự nhượng bộ lớn hơn từ EU khi cuộc bỏ phiếu thất bại giờ đây cũng không đem lại hy vọng rõ rệt nào.

Những người ủng hộ và phản đối Brexit tuần hành bên ngoài Hạ viện Anh tại thủ đô London ngày 15-1-2019.
Những người ủng hộ và phản đối Brexit tuần hành bên ngoài Hạ viện Anh tại thủ đô London ngày 15-1-2019.

Thực ra, kịch bản thỏa thuận Brexit mà Chính phủ Anh đạt được với EU tháng 11 năm ngoái bị bác bỏ đã được dự đoán từ ban đầu, song tỷ lệ chênh lệch quá lớn, tới 230 phiếu, là hoàn toàn nằm ngoài sức tưởng tượng. Hơn 100 nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ của bà May, cả những người ủng hộ Anh rời EU lẫn những người ủng hộ Anh tiếp tục là thành viên liên minh này, hợp lực bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận, dẫn tới thất bại tồi tệ nhất của Chính phủ trong lịch sử 95 năm tại Quốc hội, là một đòn “chí tử” giáng vào nỗ lực của “người chèo lái con thuyền” nước Anh trong suốt gần 2 năm qua để đưa xứ sở sương mù ra khỏi châu Âu một cách có trật tự. Kết quả này còn cho thấy quyền lực kiểm soát đàm phán Brexit đang được chuyển dần từ Chính phủ sang Quốc hội, cũng tức là quyền điều hành của Chính phủ sẽ bị suy yếu khi phải chịu sự can thiệp mạnh mẽ từ Quốc hội.

Việc Quốc hội Anh, trong đó gồm cả các nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền và Công đảng đối lập, thể hiện quan điểm dứt khoát bác bỏ thỏa thuận Brexit, càng cho thấy nỗ lực thuyết phục của bà May vào thời điểm trước khi diễn ra bỏ phiếu là hoàn toàn không hiệu quả. Việc trấn an các nghị sĩ rằng điều khoản “chốt chặn” vấn đề gây tranh cãi nhất liên quan đến đường biên giới với Bắc Ireland, chỉ mang tính tạm thời và EU sẽ làm rõ hơn “giá trị pháp lý” của điều khoản này, đã không làm thay đổi được quyết định trong nghị trường.

Thời điểm Anh phải chính chức chia tay EU ngày càng đến gần nhưng hiện vẫn không có gì bảo đảm cho giai đoạn chuyển tiếp sắp diễn ra. Hậu quả lớn nhất lúc này mà người ta tính đến sau ngày 29-3-2019 là London sẽ mất hết mọi lợi thế trong quan hệ với EU.

Nội bộ nước Anh đang chia rẽ về kế hoạch Brexit, trong khi đa số người dân ủng hộ việc rời liên minh trong cuộc trưng cầu dân ý lần một hồi tháng 6-2016 thì nhiều người bắt đầu lung lay quan điểm và hoài nghi về tương lai của Anh sau khi rời EU. Trong khi những người ủng hộ Brexit cho rằng các đảng nước này nên tiếp tục thương lượng để có một thỏa thuận rời EU suôn sẻ thì không ít ý kiến ủng hộ việc tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai.

Không đạt được thỏa thuận cũng đồng nghĩa với việc không có giai đoạn chuyển tiếp, Anh phải lập tức ra khỏi liên minh thuế quan châu Âu. Với kịch bản này, London mặc nhiên phải từ bỏ 750 thỏa thuận quốc tế, kể cả thỏa thuận về thị trường chung châu Âu. Điều đó cũng có nghĩa là Brussels sẽ tái lập các hàng rào thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu đối với hàng hóa của Anh bán sang thị trường chung châu Âu. Dĩ nhiên mọi chuyện sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều cho cả đôi bên.

Các nhà lãnh đạo EU đã bày tỏ sự lo ngại sau khi thỏa thuận Brexit đã bị bác bỏ trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Anh tối 15-1. Trong một tuyên bố ngắn vào tối cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố "lấy làm tiếc" về việc Quốc hội Anh bác bỏ thỏa thuận, vốn được Brussels đánh giá là công bằng và tốt nhất có thể. Ông kêu gọi người Anh làm rõ quan điểm của mình sớm nhất có thể và cho rằng nguy cơ Anh rời EU trong hỗn độn vì một Brexit không có thỏa thuận đang hiện hữu hơn bao giờ hết khi mà chỉ còn hai tháng rưỡi nữa là đến thời điểm nước Anh chính thức rời EU.

Toàn cảnh phiên họp bỏ phiếu của Hạ viện Anh về thỏa thuận Brexit đạt được giữa Chính phủ và EU tại London ngày 15-1-2019.
Toàn cảnh phiên họp bỏ phiếu của Hạ viện Anh về thỏa thuận Brexit đạt được giữa Chính phủ và EU tại London ngày 15-1-2019.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng cảnh báo về một cuộc chia tay "nhiều sóng gió" giữa Anh và EU. Tuy nhiên, Brussels sẽ tiếp tục quá trình phê chuẩn thỏa thuận và đây là "cách tốt nhất và duy nhất" để đảm bảo cho một Brexit diễn ra có trật tự.

Lãnh đạo nhiều nước châu Âu cũng chia sẻ quan điểm lo ngại của mình về diễn biến mới này. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz tái khẳng định là sẽ không có việc đàm phán lại thỏa thuận, trong khi Chính phủ Cộng hòa Ireland tuyên bố đang tăng tốc chuẩn bị cho một tình huống theo đó nước Anh rời EU không có thỏa thuận. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định Anh sẽ là bên chịu thiệt hại lớn nhất nếu xảy ra tình huống "Brexit cứng". Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhận định việc Anh rời EU trong hỗn độn sẽ tác động tiêu cực đến EU và là một thảm kịch đối với Vương quốc Anh. Trong khi đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho rằng ngày 15-1 là ngày "cay đắng cho châu Âu" sau khi thỏa thuận Brexit bị Quốc hội Anh bác bỏ sau những nỗ lực của EU nhằm hoàn tất một thỏa thuận "ly dị" tốt nhất có thể cho tất cả đã trở nên vô ích.

Giới lãnh đạo tài chính tại Anh đang kêu gọi chính phủ cần khẩn trương vạch ra một kế hoạch mới nhằm tránh kịch bản Brexit không thỏa thuận cũng như tránh nguy cơ gây bất ổn các thị trường. Nguy cơ Anh sẽ rời EU mà không có thỏa thuận vào ngày 29-3 tới là một kịch bản mà giới doanh nghiệp rất lo ngại, với nguy cơ là đồng bảng Anh sụt giá mạnh và thất nghiệp tăng vọt.

Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.