Nga - Mỹ tranh cãi không hồi kết về cáo buộc vi phạm INF
Những lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Âu đang gia tăng sau khi Mỹ bắt đầu tiến trình rút khỏi INF với cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận khi phát triển một hệ thống tên lửa mới.
Trong phát biểu mới nhất tại trụ sở NATO ở thủ đô Brussels (Bỉ), ông Stoltenberg tuyên bố NATO sẽ đáp trả điều mà họ cáo buộc Nga vi phạm INF, song khẳng định sẽ không bố trí thêm các đầu đạn hạt nhân mới ở châu Âu. Ông nhấn mạnh liên minh quân sự này sẽ tăng cường năng lực phòng thủ nhằm chuẩn bị thích nghi với "một thế giới không có INF và các tên lửa ngày càng nhiều của Nga".
Trước đó một ngày, Bộ Ngoại giao Nga đã đáp trả những cáo buộc của Mỹ khi khẳng định Washington chưa đưa ra được bất cứ bằng chứng nào cho thấy Moskva vi phạm INF. Thông cáo báo chí đăng tải trên trang web Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh Mỹ chỉ đưa ra những cáo buộc Nga phát triển tên lửa 9M729 vi phạm INF dựa trên những thông tin tình báo không rõ ràng. Theo thông cáo, Washington đã không xác định tầm xa chính xác của loại tên lửa này.
INF được Mỹ và Liên Xô ký ngày 8-12-1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).
Tuy nhiên, vào tháng 10-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729”. Trong khi đó, Nga tuyên bố không tiêu hủy “Novator 9M729", đồng thời khẳng định loại tên lửa này không vi phạm INF. Theo Moskva, Mỹ tạo cớ rút khỏi hiệp ước để có thể tự do phát triển những loại tên lửa mới.
Hệ thống Iskander-K có khả năng phóng tên lửa 9M729, loại vũ khí tối tân khiến Mỹ luôn cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Ảnh: Sputnik/TTXVN |
Hôm 1-2-2019, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF với Nga kể từ ngày 2-2 và bắt đầu tiến trình rút khỏi INF.
Liên tiếp bị Mỹ tố không tuân thủ INF và thậm chí còn bị trả đũa bằng cách xé bỏ INF, Nga đã tố ngược lại Mỹ và kiên quyết không lùi bước.
Trong một tuyên bố ngày 2-2, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Mỹ đã bắt đầu chuẩn bị cho việc sản xuất tên lửa tầm trung và tầm ngắn - những vũ khí bị cấm theo INF - trong 2 năm qua, trước khi Mỹ cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này. Theo dữ liệu từ Bộ Quốc phòng Nga, Tập đoàn công nghiệp quân sự "Raytheon", đặt tại Tucson, Arizona đã đưa ra một chương trình vào tháng 6-2017 nhằm mở rộng và hiện đại hóa năng lực sản xuất nhằm chế tạo các tên lửa tầm trung và tầm ngắn bị cấm theo INF. Hai năm qua, diện tích của nhà máy này đã tăng 44%, từ 55.000 lên 79.000 m2, số lượng công nhân tăng lên gần 2.000.
Ngày 6-2, Nga thông báo sẽ rút khỏi INF trong vòng 6 tháng, như một câu trả lời tương xứng đối với việc Mỹ rút khỏi hiệp ước này.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 7-2 cũng đã triệu tập tùy viên quân sự Mỹ ở Moskva để chuyển một tài liệu liên quan tới INF. Theo đó, trong nhiều năm qua Mỹ đã vi phạm INF và phải trở lại tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận này trước khi hết thời hạn 6 tháng mà Washington đã đưa ra: phá hủy các bệ phóng thẳng đứng MK-41 (đa năng) được thiết kế để khai hỏa tên lửa hành trình Tomahawk (tầm bắn 2.500 km) và các loại tên lửa có cùng thông số với các tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn bị cấm theo INF. Phía Nga cũng nhấn mạnh các máy bay không người lái (UAV) tấn công của Mỹ cũng cần được phá hủy bởi chúng có những tính năng tương đương với tên lửa hành trình phóng từ mặt đất được quy định trong INF.
Một loại tên lửa của quân đội Mỹ. (Ảnh: The Moscow Times/TTXVN) |
Ngày 9-2, Đại sứ Nga tại Mỹ Atonov cáo buộc Mỹ có ý định phá vỡ cấu trúc kiểm soát vũ khí vốn được xây dựng nhiều năm qua giữa hai nước. Các bước đi của Mỹ cho thấy nước này có kế hoạch xóa bỏ hiệp ước INF ngay từ đầu và không có ý định đạt thỏa hiệp với Nga. Các hành động của Washington đặc biệt nguy hiểm do ảnh hưởng tới sự ổn định chiến lược, không chỉ trong mối quan hệ với Moskva.
Việc Mỹ rút khỏi INF tuy không phải là bước đi bất ngờ, song những hệ lụy mà nó gây ra chưa thể lường hết được. Quyết định của Mỹ khiến mối quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới Nga - Mỹ có nguy cơ càng lún sâu vào vòng xoáy khủng hoảng, đồng thời tạo ra một “vùng trống” trong hệ thống kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược quốc tế, trở thành mối đe dọa đối với an ninh và ổn định toàn cầu.
Một loạt quốc gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi Nga - Mỹ đối thoại để "đảo ngược" quyết định đã đưa ra và tránh một cuộc chạy đua vũ trang mới. Dư luận hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Nga sẽ sớm được thu xếp để hai bên có thể hóa giải bất đồng, cùng đem lại sự ổn định cho thế giới, mặc dù tâm lý bài Nga tại Mỹ cản trở nghiêm trọng việc tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh mới giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Trump.
Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc