Multimedia Đọc Báo in

Đàm phán thương mại Mỹ - Trung vẫn đối mặt với nhiều thách thức

10:52, 08/03/2019
Triển vọng đạt được một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang trở nên mơ hồ khi giới chức hai nước liên tục phát đi hàng loạt tín hiệu không đồng nhất về tiến trình đàm phán thời gian gần đây.

Dù Mỹ đã hoãn kế hoạch tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1-3 như một động thái thúc đẩy đàm phán, kịch bản về một lễ ký kết thỏa thuận giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-lago ở Florida (Mỹ) nhằm kết thúc cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Ngày 5-3, phát biểu bên lề kỳ họp thường niên Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc, Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn nhấn mạnh, hiện tại mặc dù hai bên gặp nhiều khó khăn nhưng các cuộc đàm phán thương mại đã đạt được tiến triển trong một số lĩnh vực. Theo ông, cả Trung Quốc và Mỹ cũng như nền kinh tế toàn cầu sẽ được lợi nếu cả hai nước có thể đạt được một thỏa thuận thương mại. “Trung Quốc và Mỹ nên tìm kiếm điểm chung và gạt bất đồng sang một bên nếu muốn đạt được sự đồng thuận. Hiện tại, các nhóm đàm phán vẫn đang tiếp tục làm việc, vì chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm. Thậm chí, Trung Quốc và Mỹ cần phải tiến hành thêm một vòng đàm phán nữa”, Bộ trưởng Chung Sơn nói.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng phát từ giữa năm 2018, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã liên tiếp trả đũa nhau bằng các mức thuế mới. Mỹ lâu nay yêu cầu Trung Quốc có sự điều chỉnh về quy định pháp luật và các quy tắc để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Mỹ và chấm dứt việc ép buộc chuyển giao công nghệ Mỹ cho các công ty Trung Quốc, chấm dứt hoạt động trợ giá ngành công nghiệp và mở cửa thị trường đối với hàng hóa Mỹ. Ngoài ra, Mỹ muốn Trung Quốc tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ để giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước mà theo ước tính của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ đã lên tới 417 tỷ USD trong năm 2018.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc gặp Phó Thủ tướng, Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc Lưu Hạc (trái) tại Nhà Trắng ngày 22-2-2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc gặp Phó Thủ tướng, Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc Lưu Hạc (trái) tại Nhà Trắng ngày 22-2-2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các cuộc gặp gần đây giữa Washington và Bắc Kinh đã dẫn tới sự thống nhất sơ bộ về cam kết ổn định tỷ giá và phần nào là về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, dịch vụ và hàng rào phi thuế quan. Dù vậy, đến nay hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận về việc Trung Quốc phải mở cửa một số ngành mà Bắc Kinh cho rằng vẫn cần sự bảo hộ từ sức ép cạnh tranh của doanh nghiệp nước ngoài, ví dụ như ngành viễn thông và ngân hàng.

Ngoài ra, Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thống nhất được việc xem xét lại mức độ can thiệp của chính quyền Bắc Kinh ở một số lĩnh vực quan trọng vốn được thực hiện thông qua các doanh nghiệp quốc doanh. Mục tiêu của chiến lược “Made in China 2025”, được kỳ vọng sẽ giúp Trung Quốc trở thành một nền kinh tế chiếm ưu thế trong những ngành công nghệ cao và trực tiếp thách thức vị thế số một của kinh tế Mỹ, vẫn không thay đổi.

Có thể nói với mục tiêu cân bằng những lợi ích thương mại và giảm mức thặng dư gần nửa nghìn tỷ USD của Trung Quốc trong giao thương với Mỹ, Washington đang chạm vào những “lằn ranh đỏ” nhạy cảm nhất mà Bắc Kinh không dễ dàng nhượng bộ, dù chịu sức ép lớn từ thuế quan của Mỹ.

Do đó, giới chức Mỹ vẫn tỏ ra lạc quan thận trọng trước thông tin Quốc hội Trung Quốc trong kỳ họp thường niên đang diễn ra, sẽ thông qua một dự luật đầu tư nước ngoài sửa đổi, theo đó loại bỏ yêu cầu các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ độc quyền cho các đối tác liên doanh Trung Quốc.

Trong bối cảnh vẫn còn nhiều hoài nghi, thông tin tập đoàn viễn thông công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei chuẩn bị phát đơn kiện Chính phủ Mỹ liên quan đến việc Washington cấm các cơ quan liên bang nước này sử dụng thiết bị của Huawei, đang có nguy cơ làm sôi động trở lại cuộc chiến thương mại. Trong khi đó, hiện đã xuất hiện một vài dấu hiệu cho thấy nội bộ chính quyền Tổng thống Trump đang bất đồng về việc liệu đây có phải là thời điểm thích hợp để ký một thỏa thuận với Bắc Kinh hay không.

Mặc dù hai bên được cho sẽ có những nhượng bộ nhất định trong cuộc đàm phán, song căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là một vấn đề dài hạn bởi những xung đột cốt lõi giữa hai nền kinh tế đầu tàu thế giới vẫn còn nguyên vẹn. Do đó, quyết định trì hoãn tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trong khi vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết đang là những thách thức đè nặng lên hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo sắp tới tại Florida.

Một số cố vấn kinh tế cho rằng thuế quan chỉ nên được gỡ bỏ hoàn toàn một khi Bắc Kinh tuân thủ tất cả các cam kết của mình và để làm được điều đó có thể sẽ phải mất vài tháng hoặc nhiều năm.

Thậm chí, ngay cả khi một số hoặc hầu hết các mức thuế quan được gỡ bỏ, Mỹ vẫn có thể lật lại quyết định, như một phần của cơ chế thực thi, để trừng phạt Trung Quốc nếu nước này vi phạm các điều khoản của bất kỳ thỏa thuận thương mại nào như lời cảnh báo của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.

Giới chuyên gia nhận định nếu tình hình tiến triển thuận lợi, trong vài tuần tới, Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ thống nhất các vấn đề còn tồn tại liên quan đến cơ chế thực thi và các bộ chỉ số giám sát. Kết quả này chí ít có thể giúp giảm nguy cơ các bên tiếp tục áp đặt thêm thuế nhập khẩu trong vòng 18 tháng tới. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phương án tạm thời. Nếu Bắc Kinh không thể thực hiện được những cam kết về cải cách trước thời điểm bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020, Washington sẽ tiếp tục các biện pháp đáp trả thương mại.

Công nhân làm việc bên trong một cơ sở sản xuất của Huawei tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 6-3-2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Công nhân làm việc bên trong một cơ sở sản xuất của Huawei tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 6-3-2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Với những khác biệt còn tồn đọng, Trung Quốc khó có khả năng đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu của Mỹ, thay vào đó Bắc Kinh có thể chỉ đáp ứng những mục tiêu dễ dàng hơn như mua thêm hàng hóa từ Mỹ, mở cửa thị trường Trung Quốc cho công ty Mỹ, cũng như một số biện pháp giám sát vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và việc buộc chuyển giao công nghệ cho công ty Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng kỳ vọng Mỹ sẽ dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng cụ thể. Nếu điều này không được thực hiện, sẽ rất khó để Trung Quốc chấp nhận một thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.