Multimedia Đọc Báo in

Hòa bình cho Syria: Vẫn còn xa vời

08:43, 24/03/2019
Cuộc xung đột tại Syria đã chính thức bước sang năm thứ 9. Qua 8 năm bị tàn phá bởi những cuộc giao tranh dai dẳng, bởi các vụ tấn công khủng bố và cả những đợt không kích của lực lượng nước ngoài, nhiều thành phố ở Syria đã bị tàn phá và câu chuyện hòa bình cho nước này vẫn còn xa vời.
 
Cuộc xung đột Syria khó giải quyết bởi những tác nhân đan xen, chồng chéo khiến mọi thứ luôn rối loạn. Mâu thuẫn sắc tộc tôn giáo, bất đồng phe phái, sự tranh giành ảnh hưởng của các thế lực bên ngoài, lợi ích của các bên liên quan đối nghịch nhau. Ở Syria, ngoài lực lượng chính phủ và phe đối lập, sự tham gia của các cường quốc thế giới và khu vực, từ Mỹ, Nga tới Iran, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ, với mỗi thế lực hậu thuẫn một bên, mỗi thế lực lại có mục tiêu khác nhau, khiến xung đột ở quốc gia Trung Đông luôn phức tạp.
 
8 năm xung đột ở Syria, người dân nước này nói riêng chính là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất. Thống kê cho thấy giao tranh đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 500.000 người, trong đó có tới hơn 1.100 trẻ em vô tội thiệt mạng riêng trong năm 2018. Hơn 5,6 triệu người Syria đã phải tị nạn ở Jordan, Liban, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, trong khi 6,6 triệu người phải đi lánh nạn ngay trong lãnh thổ nước này. Thậm chí, dòng người Syria còn bất chấp nguy hiểm ùn ùn tìm đường đến châu Âu, kéo theo cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng với các nước ở “lục địa già”. Đó là chưa kể 11,7 triệu người, trong đó chủ yếu là trẻ em, sinh sống ở Syria đang cần viện trợ khẩn cấp.
 
Những trận giao tranh khiến nhiều thành phố tại Syria bị tàn phá. Ảnh: Sputnik
Những trận giao tranh khiến nhiều thành phố tại Syria bị tàn phá. Ảnh: Sputnik
Về kinh tế, cuộc xung đột này được cho là đã khiến nền kinh tế Syria tụt hậu 3 thập niên, khi nhiều cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ngành sản xuất dầu mỏ và điện lực bị phá hủy và tê liệt. Liên Hiệp Quốc coi cuộc xung đột tại Syria là thảm họa tồi tệ nhất do con người gây ra kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, đồng thời tổ chức này còn ước tính cần tới 388 tỷ USD để tái thiết quốc gia Trung Đông hậu xung đột.
 
Bất ổn nghiêm trọng không chỉ đẩy đất nước Syria rơi vào cảnh chiến tranh loạn lạc, mà còn tạo khoảng trống để các tổ chức cực đoan, trong đó có tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhanh chóng chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ, biến quốc gia Trung Đông này thành một mặt trận của khủng bố.
 
Nhiều giải pháp nhằm tìm ra lộ trình chính trị, chấm dứt xung đột tại Syria đã được xúc tiến, trong đó phải kể đến các vòng đàm phán hòa bình do Liên Hiệp Quốc bảo trợ tại Geneva (Thụy Sĩ), bắt đầu từ năm 2012, với vai trò trung gian đàm phán của phái viên Liên Hiệp Quốc phụ trách vấn đề Syria, cũng như các vòng đàm phán trong khuôn khổ “định dạng Astana”, do bộ ba bảo trợ thỏa thuận ngừng bắn gồm Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng kể từ tháng 12-2016.
 
Hòa bình cho Syria vẫn xa vời khi vận mệnh của quốc gia này vẫn chưa thực sự do người dân quyết định, đất nước vẫn đang bị bủa vây bởi các lệnh bao vây, cấm vận về kinh tế và Syria vẫn là tâm điểm “cuộc đấu” giữa các cường quốc.
 
 
 

Tuy nhiên, cho đến nay các cuộc đàm phán dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc vẫn chưa đạt được nhiều đột phá, nếu không muốn nói là thất bại khi giao tranh vẫn tiếp diễn, trong khi các bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề then chốt là số phận của Tổng thống Assad. Trong khi đó, 11 hội nghị được tổ chức theo “định dạng Astana”, đặc biệt là Đại hội Đối thoại dân tộc Syria tại thành phố Sochi của Nga đầu năm 2018 và 4 cuộc gặp thượng đỉnh ba bên giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt kết quả khả quan với một số bước tiến tạo xung lực cho việc giải quyết hòa bình vấn đề Syria, đặc biệt là việc nhất trí thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria. Sự ra đời của ủy ban này được cho là sẽ đóng góp lớn cho tiến trình hòa bình do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, mở đường để Syria tiến hành các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội trong tương lai.

Bước sang năm thứ 9, dư luận đang kỳ vọng về một nền hòa bình sẽ sớm trở lại với Syria cùng với những tín hiệu tích cực rõ nét trên thực địa như: chiến thắng của Chính phủ Syria trên thực địa, người dân Syria bắt đầu quay trở lại quê hương và những khoản tài trợ quốc tế liên tiếp cho hoạt động tái thiết Syria.
 
Ước tính cho đến nay, các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã kiểm soát 2/3 lãnh thổ Syria và các tuyến đường thương mại huyết mạch. Ưu thế trên thực địa đã mang lại tiếng nói có sức nặng cho Chính phủ trên các bàn đàm phán hòa bình so với lực lượng đối lập. Sau nhiều năm di tản, chạy trốn chiến tranh, người dân Syria đã bắt đầu quay trở lại quê hương.
 
Tại các khu vực biên giới của Syria, mỗi ngày, các đoàn xe chở người dân Syria xếp hàng dài, nối đuôi nhau, chờ được thông quan. Theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), trong năm 2019 sẽ có khoảng 250.000 người Syria tiếp tục trở về quê hương. Bên cạnh đó, hơn 10 hội nghị tài trợ cho Syria liên tiếp được tổ chức trong thời gian qua, trong đó mới nhất là hội nghị các nhà tài trợ quốc tế diễn ra tại Bỉ hôm 14-3 vừa qua, với cam kết viện trợ gần 7 tỷ USD trong năm 2019, là bằng chứng cho thấy, thế giới đã đặt niềm tin vào Syria.
 
Tuy nhiên, trong những năm qua, ở Syria luôn tồn tại một thực tế rằng khi những khó khăn cũ vừa được hóa giải thì những thách thức mới lại xuất hiện. Mặc dù về cơ bản, quy mô các cuộc giao tranh vũ trang trên lãnh thổ Syria đã giảm bớt khi quân đội chính phủ giành chiến thắng trên thực địa trước cả lực lượng đối lập lẫn các tổ chức khủng bố, đồng thời hàng loạt lệnh ngừng bắn và các khu vực giảm xung đột đã được thiết lập tại Syria, song mảnh đất Syria vẫn chưa im hẳn tiếng súng, hòa bình vẫn chưa hiện hữu trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia Trung Đông.
 
Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.