Thỏa thuận Brexit lại thất bại: Tương lai khó đoán định cho nước Anh
Với 321 phiếu chống so với 278 phiếu thuận, các nghị sĩ Anh trong ngày 13-3 đã tiếp tục bỏ phiếu loại bỏ phương án nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu mà không có bất cứ thoả thuận nào. Đây là kết quả đã được dự đoán từ trước bởi từ cuối tháng 1-2019, các nghị sĩ Anh cũng đã tiến hành một cuộc bỏ phiếu tương tự nhằm mục đích loại trừ kịch bản được xem là thảm họa đối với nền kinh tế Anh.
Dù được cho là khó có khả năng gây bất ngờ nhưng cuộc bỏ phiếu cũng đã diễn ra trong căng thẳng. Lý do là vì trong bản dự thảo mà bà Theresa May đưa ra để bỏ phiếu vẫn có nội dung rằng “việc rời EU không thỏa thuận vẫn là một lựa chọn trong trường hợp Anh và EU không phê chuẩn một thỏa thuận nào”.
Các nghị sĩ Anh đã tổ chức một cuộc bỏ phiếu khác, với 312 phiếu thuận so với 308 phiếu chống, để loại bỏ hoàn toàn nội dung này, đồng nghĩa với việc phản đối tất cả các kịch bản rời EU mà không có thỏa thuận, dù ở bất cứ thời điểm nào chứ không chỉ vào ngày 29-3 tới.
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu tại Hạ viện. |
Đây được xem là một thất bại lớn tiếp theo của Thủ tướng Anh Theresa May, người vẫn luôn muốn giữ “Brexit không thỏa thuận” như một phương án nhằm gây sức ép với Hạ viện Anh.
Thủ lĩnh Công đảng đối lập Anh Jeremy Corbyn ngay lập tức tuyên bố, giờ là lúc Hạ viện Anh phải điều khiển tiến trình Brexit.
“Mặc dù việc gia hạn điều 50 Hiệp ước Lisbon bây giờ là không thể tránh khỏi nhưng trách nhiệm đó hoàn toàn thuộc về bà Thủ tướng và việc gia hạn mà không có một mục tiêu cụ thể không phải là một giải pháp. Vì thế, Hạ viện Anh cần phải nắm lại quyền điều hành trong ngày tới và phải bàn thảo để tìm ra một giải pháp đồng thuận”, ông Corbyn nói.
Tuy nhiên, bà Theresa May không chấp nhận bỏ cuộc. Thủ tướng Anh yêu cầu các nghị sĩ Anh từ nay cho đến trước ngày 20-3 phải bỏ phiếu lại một lần nữa về thỏa thuận Brexit mới bị bác bỏ hôm 12-3. Nếu Hạ viện Anh ủng hộ lại thỏa thuận này thì bà sẽ yêu cầu EU một sự gia hạn kỹ thuật trong thời gian ngắn đối với điều 50 Hiệp ước Lisbon. Nếu Hạ viện Anh lại bác bỏ thỏa thuận thì bà sẽ phải yêu cầu lùi thời hạn thực thi Brexit xa hơn, đến tận ngày 30-6-2019 và khi đó Vương quốc Anh sẽ phải tham dự cuộc bầu cử châu Âu vào cuối tháng 5-2019.
Liên quan đến sự kiện Brexit, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho biết, Anh đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2019. Bộ trưởng Hammond dự báo kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 1,2% trong năm nay, giảm mạnh so với mức dự báo trước đó của Chính phủ vào tháng 10-2018 là 1,6%. Ông nhấn mạnh ngoài vấn đề Brexit, kinh tế Anh còn bị tác động bởi căng thẳng thương mại và kinh tế Trung Quốc bị giảm tốc.
Toàn cảnh một phiên họp tại Hạ viện Anh ở London. |
Bộ trưởng Hammond khẳng định ông có thể tăng chi tiêu công thêm hàng tỷ bảng Anh hoặc thậm chí là giảm thuế nếu Quốc hội phá vỡ thế bế tắc về Brexit. Ông cũng cảnh báo rằng việc Anh cắt giảm các khoản vay sẽ đối mặt với rủi ro, nếu nước này không rút khỏi EU theo đúng trình tự với giai đoạn chuyển tiếp. Bộ trưởng Hammond nhấn mạnh việc rút khỏi EU mà không có thỏa thuận đồng nghĩa với sự gián đoạn lớn trong ngắn hạn và trung hạn, dẫn đến nền kinh tế kém thịnh vượng hơn trong dài hạn. Theo ông, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, lương thấp đi và giá cả tăng thêm không phải là những điều người dân Anh mong muốn khi bỏ phiếu ủng hộ Brexit vào năm 2016. Ông cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Anh trong năm 2020 là 1,4%.
Bộ trưởng Nông nghiệp Ireland Michael Creed cho rằng các kế hoạch của Anh nhằm đánh thuế nhập khẩu thịt bò, cừu và các sản phẩm sữa khi không đạt được thỏa thuận với EU về Brexit sẽ là thảm họa đối với nông dân Ireland. Trước đó, Anh đã vạch kế hoạch nhằm tạm thời ngừng đánh thuế nhiều mặt hàng và không kiểm tra hải quan giữa CH Ireland và Bắc Ireland, trong bối cảnh các nghị sĩ Anh đang chuẩn bị bỏ phiếu về Brexit. Tuy nhiên, hàng rào thuế quan vẫn còn được duy trì đối với xe hơi, thịt và sữa.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã cam kết bồi thường cho nông dân Ireland và các doanh nghiệp khác trong trường hợp Brexit mà không có thỏa thuận. London cũng từng khẳng định Bắc Ireland sẽ không nằm trong diện bị đánh thuế, một lợi thế mà vùng này cho là sẽ bị các nhà xuất khẩu Ireland tận dụng để né thuế. Tuy nhiên, Chính phủ Anh cho biết cách giải quyết này chỉ là tạm thời và đang khẩn trương thảo luận với Ủy ban châu Âu và Dublin để đạt được nhất trí về biện pháp lâu dài, tránh để xảy ra tình trạng Brexit "cứng".
Đàm Thuần (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc