Multimedia Đọc Báo in

Việt Nam "được rất nhiều" sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2

09:04, 04/03/2019

"Chúng ta thu được rất nhiều, có cái nhìn thấy, có cái không nhìn thấy”, đây là khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 khi trả lời phóng viên báo chí về chi phí và khoản thu sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2.

Theo dõi những gì mà truyền thông trong nước và thế giới phản ánh những ngày qua có thể thấy cái được đầu tiên, quan trọng nhất là vai trò, vị thế chính trị trong khu vực cũng như trên thế giới của Việt Nam được khẳng định và tiếp tục nâng lên.

Trong thời gian rất gấp, chỉ khoảng 10 ngày nhưng nước chủ nhà Việt Nam đã làm rất tốt, chu đáo, bảo đảm an toàn tuyệt đối và tròn vai là “cầu nối” cho sự kiện này. “Sự kiện đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của người dân Việt Nam trong các sự kiện quốc tế. Dù gấp gáp, nhưng công tác chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh được thực hiện rất tốt, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Vị thế, vai trò, công tác tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam được các nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên cũng như dư luận, cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn lại lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Không còn là “chuyện của người ta”, sự kiện này cũng khẳng định sự nỗ lực của Việt Nam trong việc hiện thực hóa phương châm “Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” đã được Đảng ta triển khai từ Đại hội Đảng XI (2011).

Trung tâm báo chí những ngày diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 có rất đông phóng viên báo chí  tác nghiệp. Ảnh: tienphong.vn
Trung tâm báo chí những ngày diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 có rất đông phóng viên báo chí tác nghiệp. Ảnh: tienphong.vn

Dù chưa đạt thỏa thuận như mong muốn, song chính Nhà Trắng khẳng định hai bên đã đạt được những bước tiến thực sự và tầm nhìn về phi hạt nhân hóa “xích lại gần hơn” so với một năm trước. Đây là tín hiệu tích cực trong việc thúc đẩy hòa bình tại Bán đảo Triều Tiên. Điều đó cũng chứng tỏ Việt Nam trở thành địa chỉ tin cậy có khả năng đóng góp giải quyết cho nhiều vấn đề quốc tế, hội nghị quốc tế lớn của khu vực và toàn cầu trong tương lai.

Cái được nữa là không chỉ mang ý nghĩa về đối ngoại chính trị đơn thuần, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều thực sự là cơ hội quý báu để Việt Nam quảng bá về hình ảnh, đất nước, con người và những thành tựu phát triển trên tất cả các lĩnh vực, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy du lịch. Hà Nội - Việt Nam trở thành tâm điểm của truyền thông trong nước và thế giới trong suốt những ngày diễn ra Hội nghị. 

Hàng nghìn phóng viên báo chí tác nghiệp trên đường phố Hà Nội trong những ngày diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2.  Ảnh: tienphong.vn
Hàng nghìn phóng viên báo chí tác nghiệp trên đường phố Hà Nội trong những ngày diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2. Ảnh: tienphong.vn


Đó là hình ảnh một Việt Nam với nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế; một Việt Nam với nền văn hóa đặc sắc, ẩm thực phong phú, con người thân thiện, mến khách. Mảnh đất và con người ở đất nước hình chữ S này đã mang đến cảm giác tuyệt vời cho hàng nghìn quan khách, phóng viên nước ngoài; đồng thời thu hút một lượng lớn du khách trong dịp này.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 đạt gần 1,59 triệu lượt, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là tháng Việt Nam đón lượng khách quốc tế lớn nhất từ trước đến nay, trong đó có sự tác động, hiệu ứng lan tỏa tích cực từ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2.

Còn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thì đánh giá cao và khẳng định cái được từ truyền thông khi ông đưa ra câu chuyện: Bình thường để quảng bá hình ảnh Việt Nam trên các hãng truyền thông lớn, chúng ta phải bỏ ra hàng triệu USD cũng chỉ được vài giây, vài phút. Nhưng lần này, hơn 200 hãng thông tấn đến Việt Nam đưa tin, điều này mang lại những lợi ích rất lớn cho chúng ta.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.