Multimedia Đọc Báo in

Đánh bom đẫm máu ở Sri Lanka: Cú sốc với nền hòa bình mong manh

08:33, 27/04/2019
Cảnh sát Sri Lanka ngày 24-4 cho biết số người thiệt mạng trong 8 vụ đánh bom liên tiếp xảy ra ngày 21-4 vừa qua tại các nhà thờ Công giáo, khách sạn hạng sang mà người nước ngoài hay lui tới và những địa điểm khác trong và ngoài thủ đô Colombo đã tăng lên 359 người. Đây là vụ bạo lực nghiêm trọng nhất ở Sri Lanka kể từ khi cuộc nội chiến ở nước này kết thúc một thập kỷ trước đây.

Trong một tuyên bố, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nêu rõ, các vụ tấn công nhằm vào nhà thờ và khách sạn trên khắp cả nước Sri Lanka là cực kỳ "tàn ác và đê hèn". Các nước thành viên Hội đồng Bảo an cũng nhấn mạnh cần phải sớm đưa các thủ phạm, các đối tượng tổ chức, hỗ trợ tài chính và tiếp tay cho những hành động tội ác khủng bố này ra xét xử trước pháp luật. Hội đồng Bảo an cũng hối thúc các nước, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an, chủ động hợp tác với Chính phủ Sri Lanka và các tổ chức liên quan khác trong vụ việc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 22-4 đã gọi điện cho Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe để bày tỏ sự chia buồn. Nhà Trắng gọi loạt vụ tấn công ở Sri Lanka là "vụ khủng bố đẫm máu nhất kể từ các vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ". Tại cuộc điện đàm, Tổng thống Mỹ cam kết sẽ hỗ trợ Sri Lanka điều tra, đưa thủ phạm ra ánh sáng.

Lãnh đạo hai nước cũng tái khẳng định cam kết chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Mỹ cam kết hỗ trợ điều tra và cử các nhân viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tới hỗ trợ cảnh sát Sri Lanka điều tra vụ việc. Bên cạnh Mỹ, Australia cũng cam kết hỗ trợ điều tra vụ tấn công tại Sri Lanka. Thủ tướng Australia Scott Morrison xác nhận, các sĩ quan chống khủng bố của Australia sẽ hỗ trợ các đối tác Sri Lanka điều tra các vụ tấn công. Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) cho biết sẽ cử một đội đặc nhiệm tới Sri Lanka để hỗ trợ điều tra các vụ đánh bom ở nước này.

Thân nhân  của một  nạn nhân  thiệt mạng trong vụ nổ  tại nhà thờ  ở Batticaloa,  Sri Lanka,  ngày 21-4-2019.
Thân nhân của một nạn nhân thiệt mạng trong vụ nổ tại nhà thờ ở Batticaloa, Sri Lanka, ngày 21-4-2019.

Trong khi đó tại Sri Lanka, giới chức nước này đã phát động một chiến dịch an ninh quy mô lớn. Hơn 60 nghi phạm đã bị bắt giữ kể từ khi loạt vụ tấn công xảy ra. Cảnh sát Sri Lanka xác nhận có 9 kẻ tấn công liều chết liên quan tới loạt vụ đánh bom nhằm vào các nhà thờ và khách sạn ngày 21-4, trong đó, 8 đối tượng đã được nhận dạng và một phần tử là nữ. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận thực hiện vụ tấn công tại Sri Lanka, dù không cung cấp được bằng chứng liên quan.

Mô tả đây là một trong những vụ tấn công tồi tệ nhất trong lịch sử nước này, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe kêu gọi người dân hãy mạnh mẽ và đoàn kết. Nhưng đối với nhiều người ở đất nước được coi là “Hòn ngọc trên Ấn Độ Dương” này, chiến tranh vẫn là một quá khứ còn dang dở, xung đột bạo lực đang là câu chuyện chưa có điểm dừng.

Với con số thương vong hơn 800 người, đây là một trong những cuộc tấn công đẫm máu nhất trong nhiều năm qua ở Sri Lanka, phá vỡ một thập niên hòa bình dù mong manh sau khi kết thúc cuộc nội chiến ác liệt ở nước này.

Sri Lanka vốn có một lịch sử dài chống chủ nghĩa khủng bố và ly khai. Cuộc chiến gần 30 năm chống tổ chức ly khai cực đoan “Những con hổ giải phóng Tamil” (LTTE) đã cơ bản chấm dứt năm 2009. Tuy nhiên, ở một đất nước đa tôn giáo, đa sắc tộc với nhiều biến cố trong lịch sử như Sri Lanka, có lẽ những mầm mống xung đột luôn tiềm ẩn và dễ dàng bùng phát. Cộng đồng người Cơ đốc giáo chỉ chiếm khoảng 7 - 8% dân số nước này, người Hồi giáo 10%, Hindu giáo 13%, còn lại là Phật giáo.

Xung đột giáo phái và sắc tộc trở thành vấn đề dai dẳng làm đau đầu tất cả các chính phủ ở Sri Lanka. Mặc dù chiến tranh đã kết thúc 10 năm, đến nay Sri Lanka vẫn chưa thể thực hiện hòa giải và giải quyết thỏa đáng quá khứ xung đột. Từ năm 2011, liên tục xuất hiện những “làn sóng” tấn công nhằm vào cộng đồng Hồi giáo thiểu số tại Sri Lanka.

Nhân viên y tế chuyển thi thể nạn nhân trong vụ nổ tại nhà thờ ở Batticaloa, Sri Lanka, ngày 21-4-2019.
Nhân viên y tế chuyển thi thể nạn nhân trong vụ nổ tại nhà thờ ở Batticaloa, Sri Lanka, ngày 21-4-2019.

Tháng 6-2014, Sri Lanka đã phải ban bố lệnh giới nghiêm tại khu du lịch miền Nam nổi tiếng của nước này sau khi căng thẳng giữa cộng đồng người Hồi giáo thiểu số và tín đồ Phật giáo quá khích leo thang thành các cuộc đụng độ làm gần 50 người bị thương. Tháng 3-2018, bạo lực tôn giáo bùng phát và lan rộng buộc Tổng thống Maithripala Sirisena phải ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và triển khai quân đội ở một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Thậm chí, các cuộc tấn công, bạo lực tôn giáo diễn ra không phải tự phát mà là có tổ chức.

Trong bối cảnh đó, những tư tưởng ly khai, cực đoan, thánh chiến... mà các tổ chức khủng bố “gieo rắc” thông qua nhiều hình thức cũng xâm nhập vào Sri Lanka dễ dàng hơn. Năm 2016, Chính phủ Sri Lanka tiết lộ 32 công dân nước này đã gia nhập tổ chức IS và đã rời bỏ đất nước. Một số báo cáo chỉ ra rằng các thành viên IS ở Ấn Độ có quan hệ với Sri Lanka, làm dấy lên lo ngại sau khi IS bị đánh bại, nhiều khả năng những thành viên của nhóm khủng bố này sẽ quay trở về. Sri Lanka cũng là nơi có những phong trào Phật giáo cực đoan mạnh, hoạt động dưới khẩu hiệu “người Sri Lanka là người Phật giáo”, bên cạnh những phong trào Hindu giáo cực đoan ngày càng gia tăng ở khu vực miền Đông, nơi cộng đồng người Hindu sống tập trung.

Những biện pháp Chính phủ Sri Lanka đưa ra sau loạt vụ khủng bố có thể tạm thời làm yên lòng dân, song mới chỉ giải quyết được phần ngọn khi những mâu thuẫn gốc rễ dẫn tới nguy cơ xung đột và bạo lực vẫn luôn tiềm ẩn. Tình trạng bất bình đẳng giữa các tôn giáo và sắc tộc cũng khiến mâu thuẫn trong xã hội luôn âm ỉ. Các nỗ lực đối thoại để xây dựng lòng khoan dung tôn giáo ở Sri Lanka chưa mang lại kết quả. Bên cạnh đó, những yếu kém về an ninh, tình báo khiến nguy cơ tái diễn những vụ khủng bố tương tự ở Sri Lanka là rất cao.

Vết thương chiến tranh chưa lành, nay Sri Lanka lại phải gồng mình đối phó với mối đe dọa khủng bố nghiêm trọng, đặc biệt khi giới chức nước này không hề được chuẩn bị sẵn sàng cho loạt các vụ tấn công khủng bố đẫm máu tương tự.

Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.