Nước Anh sẽ "xoay sở" ra sao khi nguy cơ "Brexit không thỏa thuận" đã cận kề?
Trước đó, theo kế hoạch đến ngày 10-4 tới, nếu không phê chuẩn thỏa thuận Brexit hoặc đưa ra bất cứ phương án thay thế nào hợp lý, Vương quốc Anh sẽ phải rời khỏi EU mà không có bất cứ thỏa thuận nào. Vì thế, đứng trước thế bế tắc chính trị hiện nay tại Anh, bà May cho rằng cách duy nhất là xin gia hạn thêm Brexit, dù không nêu chính xác mốc thời gian cụ thể.
Đồng thời, bà May cũng đã kêu gọi Công đảng đối lập đối thoại để tìm kiếm một giải pháp bảo đảm sự đoàn kết vì lợi ích quốc gia. Theo bà May, cuộc đối thoại này sẽ có thể tránh cho nước Anh việc buộc phải tổ chức cuộc bầu cử châu Âu vào cuối tháng 5-2019, đồng thời có thể tìm ra được giải pháp mà cả đảng Bảo thủ lẫn Công đảng đều ủng hộ. Chính phủ Anh cho biết cuộc đối thoại này sẽ tập trung bàn nhiều vào “tuyên bố chính trị” về quan hệ tương lai giữa Anh và EU chứ không đề cập nhiều đến thoả thuận chia tay, tức bản thoả thuận Brexit mà chính phủ của bà May đã đạt được với EU cuối năm 2018.
Đáp lại lời kêu gọi của bà May, thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn cho biết Công đảng vui lòng và sẵn sàng đối thoại với chính phủ. Ngược lại, các phe chống đối bà May trong nội bộ đảng Bảo thủ chỉ trích kịch liệt ý định của bà May và cho rằng việc này sẽ chỉ dẫn đến các thoả thuận tệ hại.
Thủ tướng Anh Theresa May (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) tại phiên họp của Hạ viện về thỏa thuận Brexit ở London, ngày 29-3-2019. (Nguồn: THX/TTXVN) |
Lẽ ra là ngày Anh rời khỏi EU như kế hoạch ban đầu, nhưng ngày 29-3-2019 lại trở thành dấu mốc chứng kiến thất bại thứ ba liên tiếp của Thủ tướng Theresa May trong nỗ lực thông qua thỏa thuận Brexit tại hạ viện.
Thất bại này là điều đã được dự báo trước, dù con số chênh lệch lần ba “chỉ” là 58 so với “kỷ lục” 220 trong lần bỏ phiếu đầu tiên, cũng không thể làm vơi đi chút nào nỗi “nuối tiếc sâu sắc” của Thủ tướng Theresa May khi phát biểu với các nghị sĩ rằng quyết định của họ sẽ gây ra những “tác động nặng nề”. Với thất bại lần ba của thỏa thuận Brexit, nước Anh đã bỏ lỡ hạn chót mà EU đặt ra để London có thể “ly hôn” với Brussels vào ngày 22-5 “một cách có trật tự”. Về lý thuyết, kịch bản đương nhiên lúc này sẽ là một Brexit không thỏa thuận sau ngày 12-4.
Các tuyên bố của lãnh đạo châu Âu sau kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện Anh, cùng kế hoạch triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng châu Âu ngày 10-4 tới, cho thấy EU có lẽ đã không còn đủ kiên nhẫn để tiếp tục làm "khán giả" trước những tranh cãi không có hồi kết tại Điện Westminster, và đã sẵn sàng hơn bao giờ hết cho Brexit không thỏa thuận.
Dự kiến trong tuần tới, Hạ viện Anh sẽ tiếp tục tìm cách “vượt mặt” chính phủ để tự kiểm soát nghị trình Brexit bằng các cuộc bỏ phiếu “thăm dò” tiếp theo, nhằm tìm kiếm sự đồng thuận lớn hơn cho một phương án Brexit thay thế - sau khi không phương án nào trong số 8 phương án do chính họ tự đề xuất tuần trước đạt đủ đa số phiếu ủng hộ. Hy vọng lớn nhất lúc này là khả năng trong tuần tới các nghị sĩ có thể tự đạt được đa số phiếu ủng hộ cho một phương án Brexit “mềm hơn” và ít bị phản đối nhất hiện nay, với trọng tâm là một liên minh hải quan giữa Anh và EU, và có khả năng là thị trường chung giữa hai bên.
Nhưng ngay cả trong trường hợp – rất ít có khả năng xảy ra - các nghị sĩ tìm được một phương án Brexit có được sự ủng hộ của đa số, thì đây cũng chỉ là một cuộc bỏ phiếu không ràng buộc. Không có gì bảo đảm chính phủ và bà May sẽ chấp nhận làm theo phương án của các nghị sĩ, và từ bỏ thỏa thuận Anh và EU đã đạt được sau 2 năm đàm phán khó khăn với những điểm mấu chốt mà EU đã khẳng định nhất quyết sẽ không đàm phán lại.
Vướng mắc chủ chốt trong thỏa thuận rời EU hiện tại vẫn là điều khoản về cái gọi là “kế hoạch dự phòng” – backstop – cho vấn đề biên giới giữa Cộng hòa Ireland (thuộc EU) và xứ Bắc Ireland thuộc Anh. Điều khoản này quy định việc tiếp tục duy trì “biên giới mềm” trên đảo Ireland trong trường hợp từ nay đến hết năm 2020 Anh và EU vẫn không đạt được thỏa thuận về thương mại, đồng nghĩa với việc Bắc Ireland sẽ tiếp tục chịu quy chế hải quan của EU khác với phần còn lại của Vương quốc Anh. Nhóm khoảng 30 nghị sĩ ủng hộ Brexit “cứng: trong đảng Bảo thủ và 10 nghị sĩ DUP gần như chắc chắn sẽ tiếp tục phản đối quy định mà họ cho là sẽ ràng buộc nước Anh với EU “vô thời hạn.”
Nếu bầu không khí trong phòng họp Điện Westminster được truyền thông Anh ví như một “chiếc nồi áp suất” đang quá lửa, thì tình hình bên ngoài đường phố cũng nóng lên từng ngày.
Tối 29-3, cảnh sát Anh đã bắt giữ ít nhất 5 người liên quan đến các vụ ẩu đả và gây mất trật tự trong cuộc biểu tình của hàng chục nghìn người ủng hộ Brexit tại London, tiếp sau cuộc biểu tình vài ngày trước đó ước tính có sự tham gia của 1 triệu người phản đối Brexit.
Nước Anh đang trải qua một giai đoạn biến động lịch sử không hề đáng tự hào khi Brexit làm bộc lộ những chia rẽ sâu sắc và xấu xí trên chính trường cũng như sự chán nản trong lòng người dân và mối lo của các doanh nghiệp. Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, nước Anh bị chia đôi giữa những người “Ra đi” và “Ở lại” với tỷ lệ lần lượt là 52% và 48%. Sau gần 3 năm thì cả hai nhóm này đều thất vọng, với chỉ chưa đầy 6% tin rằng Anh sẽ tìm kiếm được một thỏa thuận có lợi khi rời EU.
Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc