Multimedia Đọc Báo in

Tân Thủ tướng Anh và "bài toán hóc búa" Brexit

16:15, 26/07/2019
Trên cương vị mới, ông Boris Johnson, tân Thủ tướng Anh sẽ phải dẫn dắt nước này vượt qua nhiều khó khăn; trong đó điển hình là vấn đề Brexit - một bế tắc đã khiến "người phụ nữ quyền lực của nước Anh" Theresa May phải từ chức.

Ngày 24-7, trong bài phát biểu đầu tiên sau khi nhậm chức Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson cam kết sẽ đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, vào đúng thời hạn chót 31-10-2019.

Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định: “Chúng tôi sẽ thực hiện những lời hứa của Nghị viện với người dân, là nước Anh sẽ rời EU vào ngày 31-10 tới và sẽ không có “nếu” hay “nhưng”. Chúng tôi sẽ thực hiện một thỏa thuận mới, một thỏa thuận tốt hơn sẽ tối đa hóa được các cơ hội mà Brexit đem lại, qua đó Anh có thể phát triển mối quan hệ mới và thú vị khác, với phần còn lại của châu Âu, dựa trên nền tảng của thương mại tự do và sự hỗ trợ lẫn nhau”, tân Thủ tướng Anh khẳng định. Ông Johnson tin tưởng, trong 99 ngày nữa, Anh sẽ giải quyết được vấn đề và đưa ra quyết định mạnh mẽ để đưa đất nước trở nên tốt đẹp hơn; đồng thời cũng cảnh báo nếu các nước châu Âu từ chối đàm phán một thỏa thuận Brexit mới, nước Anh sẽ vẫn rời EU mà “không cần thỏa thuận”.

Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson (bên phải) bắt tay với đối thủ Jeremy Hunt sau khi kết quả bầu cử được công bố.  (Nguồn: EPA/VOV).
Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson (bên phải) bắt tay với đối thủ Jeremy Hunt sau khi kết quả bầu cử được công bố. (Nguồn: EPA/VOV).

Tuy nhiên, theo ông Boris Johnson, “xứ sở sương mù” phải chuẩn bị kịch bản cho khả năng Brexit không thỏa thuận nếu EU tiếp tục từ chối đàm phán lại thỏa thuận do cựu Thủ tướng Theresa May đạt được với các nhà lãnh đạo "ngôi nhà chung" tháng 11 năm ngoái.

Ông Johnson khẳng định ông có kế hoạch đạt một thỏa thuận Brexit mới, mặc dù EU nhiều lần tuyên bố sẽ không đàm phán lại thỏa thuận hiện nay. "Chúng tôi sẽ hướng tới một thỏa thuận mới, một văn kiện sẽ tối đa hóa cơ hội của Brexit trong khi vẫn cho phép chúng tôi phát triển một quan hệ đối tác mới với những nước châu Âu còn lại dựa trên thương mại tự do và tương trợ lẫn nhau", ông Johnson nói.

Theo tân Thủ tướng Boris Jonhson, nước Anh sẽ không chờ đợi thêm và giờ là thời điểm để hành động, đưa ra quyết định cũng như vai trò đi đầu mạnh mẽ nhằm thay đổi đất nước vì một tương lai tươi sáng hơn.

Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia phân tích, việc ông Boris Jonhson đắc cử Thủ tướng Anh có thể làm tăng nguy cơ về một Brexit không thỏa thuận – và đây sẽ là một viễn cảnh "cheo leo bên bờ vực". Rời đi mà không có thỏa thuận đồng nghĩa với việc Anh sẽ phải đột ngột ra khỏi EU mà không có một giai đoạn chuyển tiếp - giai đoạn giúp các doanh nghiệp thích nghi với môi trường bên ngoài EU. Điều này cũng có nghĩa rằng nước Anh sẽ phải trở lại tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các mức thuế quan nhập khẩu tự động vốn sẽ gây ảnh hưởng tới thương mại và tiêu dùng.

Ngay ngày 24-7, Ủy ban chỉ đạo Brexit của Nghị viện châu Âu do cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhoftstadt đứng đầu đã gặp nhà đàm phán Brexit của EU Michel Barnier đúng vào lúc ông Boris Johnson đang chuẩn bị nhậm chức.

Hai lãnh đạo châu Âu, vốn trung thành với quan điểm của Brussels, tái khẳng định rằng Thỏa thuận rút lui được ký với bà Thesera May - người tiền nhiệm của ông Johnson, sẽ không thể bị đàm phán lại.

Các quan chức này cũng nhắc lại rằng họ sẽ ủng hộ các nhà lãnh đạo EU nếu hai bên quyết định viết lại một Tuyên bố chính trị không ràng buộc đi kèm thỏa thuận để tìm kiếm "một quan hệ đối tác EU - Anh trong một tương lai tham vọng hơn".

Việc không thể biết trước được Brexit sẽ diễn ra như thế nào đã gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế Anh. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tình trạng đình trệ thương mại trong bối cảnh đó sẽ khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh giảm 1,4% trong năm 2019 và 0,8% năm 2020. Theo IMF, do tác động của Brexit không thỏa thuận, GDP của Anh sẽ giảm 3,5% trong giai đoạn từ nay đến năm 2021.

Một mối quan hệ gần gũi trong tương lai có thể đảm bảo rằng "sự hỗ trợ của Ireland sẽ không cần thiết". Ông Johnson khẳng định cơ chế "chốt chặn" cần phải được đưa ra khỏi Thỏa thuận rút lui, trong khi ý tưởng này luôn bị EU từ chối.

Nhóm các nghị sĩ châu Âu đã chúc mừng Thủ tướng mới của Anh, nhưng cảnh báo rằng những tuyên bố gần đây, nhất là những lời được đưa ra trong chiến dịch tranh cử vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ đã làm tăng đáng kể nguy cơ về sự ra đi không có trật tự của Vương quốc Anh.

Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại London ngày 24-7-2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại London ngày 24-7-2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nghị sĩ châu Âu cũng cảnh báo rằng một Brexit "cứng" hoặc không có thỏa thuận – như ông Johnson từng tuyên bố là sẽ theo đuổi và nếu thỏa thuận không được thay đổi trước ngày 31-10 thì sẽ trở nên "rất tai hại".

Các nghị sĩ nhấn mạnh một kịch bản kiểu này sẽ không thể được giảm nhẹ bởi bất kỳ hình thức thỏa thuận khác hoặc sự thỏa thuận nhỏ nào giữa EU và Vương quốc Anh. Ban chỉ đạo Brexit cũng lưu ý rằng "sẽ không có giai đoạn chuyển tiếp nếu không có Thỏa thuận rút lui".

Nếu ông Johnson không thể thành công với thỏa thuận mới, số phận của ông có thể cũng giống như vị Thủ tướng tiền nhiệm và nước Anh sẽ rời khỏi EU mà không có bất kỳ thỏa thuận nào. Nhiều chuyên gia cảnh báo "Brexit không thỏa thuận" có thể tạo nên một thảm họa kinh tế cho nước Anh cũng như những nước EU láng giềng.

Có lẽ, điều cần thiết nhất với tân Thủ tướng Anh lúc này là sự đoàn kết và ủng hộ của đảng Bảo thủ, bởi ít thủ tướng thời bình nào của nước Anh lại nhậm chức trong bối cảnh có nhiều thách thức chính trị như hiện tại.

Lan Anh

(Theo TTXVN/Vietnam+, VOV)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.